Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 06 tháng 08 năm 2024,
Đã có hơn 1.000 mẫu thuốc được kiểm tra chất lượng
D.Ngân - 05/08/2024 15:13
 
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số cơ sở được lấy mẫu dược phẩm kiểm nghiệm tại Hà Nội là 613 (đạt 51,1%), tổng số mẫu lấy để kiểm tra chất lượng là 1.097 (đạt 45,7%).

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Công tác kiểm nghiệm thuốc vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã tổ chức các đoàn lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm. Cán bộ của Trung tâm thực hiện lấy mẫu khi tham gia các đoàn liên ngành, thanh tra, đoàn kiểm tra mỹ phẩm. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số cơ sở được lấy mẫu là 613 (đạt 51,1%), tổng số mẫu lấy để kiểm tra chất lượng là 1.097 (đạt 45,7%).

Trung tâm cũng tiến hành kiểm nghiệm 1.033 mẫu lấy và 1.179 mẫu gửi, trong đó thực hiện 59.206 thử nghiệm chỉ tiêu hóa lý, 20.858 thử nghiệm chỉ tiêu vi sinh, 846 thử nghiệm chỉ tiêu dược lý. 

Nói về khó khăn trong quá trình hoạt động theo đại diện Trung tâm, hiện cơ sở vẫn còn gặp những khó khăn, tồn tại như cơ sở vật chất chưa được đầu tư, xây dựng khu vực thí nghiệm đối với các phép thử dược lý đáp ứng các tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2017 và GLP.

Hệ thống phòng sạch chưa được xử lý triệt để. Một số mẫu có tiêu chuẩn chưa phù hợp hoặc chưa cập nhật các dược điển hiện hành, tiêu chuẩn chưa được cập nhật trên trang của Viện kiểm nghiệm cũng ảnh hưởng rất lớn đến thời gian kiểm nghiệm mẫu.

Trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tiếp tục thực hiện lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc đảm bảo giám sát được chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tại các loại hình theo kế hoạch đã được phê duyệt, căn cứ vào danh mục các hoạt chất cần tăng cường giám sát theo chỉ đạo của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, chỉ đạo của Sở Y tế và các văn bản của Cục quản lý dược. Dự kiến tổng số mẫu lấy kiểm tra chất lượng là 1.338 mẫu và số cơ sở được lấy mẫu là 587 cơ sở. 

Đảm bảo duy trì phòng thử nghiệm của Trung tâm theo tiêu chuẩn GLP và ISO/IEC-17025. Các thiết bị phân tích được bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời và kiểm định, hiệu chuẩn đúng quy định. Đồng thời nâng cao năng lực cán bộ kiểm nghiệm, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ trong toàn đơn vị.

Về chất lượng thuốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.

Qua 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh, các chuyên gia kết luận, trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.

Riêng tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong thời gian gần đây khiến khá nhiều người băn khoăn, lo lắng.

Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho hay, trong năm 2021, hệ thống kiểm nghiệm toàn quốc đã kiểm tra chất lượng trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu; phát hiện 338 mẫu không đạt chất lượng. 

Cụ thể, có 118/28.659 mẫu thuốc trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 0,41%) và tỷ lệ này ở thuốc nhập khẩu là 26/3.042 thuốc nước ngoài (chiếm 0,86%). Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm, đã phát hiện 20 mẫu thuốc nghi ngờ là thuốc giả, tăng 11 mẫu so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu, đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vắc-xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc-xin, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư