Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng: Dự án ì ạch, đừng đổ lỗi cho Covid-19
Hoàng Anh - 05/04/2021 14:32
 
Được đầu tư với kinh phí lớn, nhưng nhiều dự án trọng điểm của TP. Đà Nẵng đang bị chậm tiến độ, chưa thể phát huy vai trò động lực như kỳ vọng.
Một góc thành phố Đà Nẵng, Ảnh: Chí Cường
Một góc thành phố Đà Nẵng, Ảnh: Chí Cường

Nhiều dự án chưa thể hẹn ngày “về đích”

Là một trong những dự án được kỳ vọng tạo động lực cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng, Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) được khởi công từ năm 2018, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa hẹn ngày “về đích”.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Thành phố; tổng chiều dài hơn 19 km, đi qua 5 xã của huyện Hòa Vang. Tổng diện tích đất phải thu hồi là 100 ha, có 1.602 hồ sơ cần thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn còn 275 hồ sơ chưa thể bàn giao mặt bằng… Đơn vị trúng thầu thi công là liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Chỉ có 3/51 dự án động lực của Đà Nẵng đã được hoàn thành

Trong số 51 dự án động lực của TP. Đà Nẵng được đầu tư bằng ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, đến nay mới có 3 dự án hoàn thành, 34 dự án đang triển khai; còn lại mới dừng ở khâu thủ tục.

Các dự án chậm tiến độ có thể kể đến là: Dự án Khu phụ trợ phục vụ Dự án Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng theo kế hoạch được hoàn thành cuối tháng 9/2020, song vì vướng mặt bằng, nên đến nay vẫn trong giai đoạn xây lắp; Tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh (hơn 155 tỷ đồng) theo kế hoạch được hoàn thành vào cuối năm 2020, cũng đang chật vật giải phóng mặt bằng; Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan (571 tỷ đồng) khởi công từ giữa năm 2017, theo kế hoạch được hoàn thành cuối năm 2020, hiện mới chỉ giải tỏa được 283/414 hồ sơ mặt bằng…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, tiến độ Dự án Đường vành đai phía Tây (giai đoạn I) rất chậm, nguyên nhân chủ yếu do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Đoạn thi công của Cienco1, ngoài nguyên nhân mặt bằng, thì năng lực tổ chức thi công của nhà thầu yếu, dù Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng đã xử phạt tiến độ chậm hợp đồng, nhưng tiến độ thi công của nhà thầu này vẫn không đáp ứng được yêu cầu...

Trước thực trạng này, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu thanh tra Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) để làm rõ trách nhiệm trong việc chậm tiến độ.

Một dự án động lực khác là Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, một số gói thầu cũng đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Dự án này có tổng vốn đầu tư 358 triệu USD, từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới, gồm 5 hợp phần: cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải; phát triển hệ thống xe buýt nhanh - BRT; xây dựng các tuyến đường giao thông đô thị; tăng cường năng lực, hỗ trợ thực hiện dự án; và các hoạt động được chuyển sang từ Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2013 đến ngày 30/6/2021.

Bà Trần Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng) cho biết: “Vì một số gói thầu của Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng chưa hoàn thành, nên Ban Quản lý xin gia hạn”.

Ngoài 2 dự án trên, 4 cụm công nghiệp gồm Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Nhơn và Cẩm Lệ cũng được Đà Nẵng triển khai để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, vì chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng, nên chưa biết bao giờ mới có thể đi vào phục vụ doanh nghiệp...

Cần giải pháp mạnh

Tổ Công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng TP. Đà Nẵng đánh giá, công tác quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; báo cáo đánh giá tác động môi trường; công tác đền bù giải tỏa; việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa sang mục đích khác… đều tác động tới tiến độ của các dự án.

Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, vướng mắc lớn nhất làm chậm tiến độ của các dự án là khâu đền bù giải phóng mặt bằng, nên cần phải phân quyền cho các địa phương.

“Bây giờ, dự án nào chậm tiến độ thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng của các địa phương, nhưng trên thực tế, họ không có quyền. Ví dụ, người dân xin hỗ trợ thêm 5 triệu đồng cũng phải đề xuất lên UBND Thành phố, vì vượt thẩm quyền của huyện. Trình những văn bản này rất mệt mỏi”, ông Chương chia sẻ.

Trên thực tế, nhiều dự án chậm trễ tại Đà Nẵng còn do năng lực của nhà thầu và cả sự thiếu quyết liệt đôn đốc của các đơn vị liên quan.

Trong cuộc họp mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, phải làm rõ trách nhiệm của các ngành, đơn vị liên quan, chứ không chỉ nêu nguyên nhân chậm trễ, không để tình trạng như năm 2020, điều gì chậm trễ là “đổ” hết cho dịch bệnh Covid-19.

Để khắc phục thực trạng này, TP. Đà Nẵng thực hiện giải pháp phân công Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách trực tiếp lĩnh vực, quy trình đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng theo địa bàn quận, huyện. Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, sở/ngành liên quan được giao nhiệm vụ cụ thể từng dự án động lực gắn với thời gian hoàn thành, tiến độ từng giai đoạn và phải chịu trách nhiệm nếu chậm trễ tiến độ.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã thành lập Tổ Công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính, xây dựng để tháo điểm nghẽn trong triển khai các dự án trên địa bàn.

Hy vọng, với những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ của Đà Nẵng, các dự án động lực, trọng điểm có thể khắc phục tình trạng chậm trễ, hoàn thành đúng kế hoạch, tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố.

Đà Nẵng nằm trong top 30 thành phố thông minh mới nổi
Thành phố Đà Nẵng là một trong 30 thành phố “sáng kiến thành phố thông minh độc đáo và sáng tạo”, theo xếp hạng của Tổ chức Chiến lược...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư