Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội chuyên trách chuẩn bị bàn ba luật về đầu tư, kinh doanh
Nguyễn Lê - 28/03/2020 12:02
 
Ba dự án Luật PPP, Đầu tư (sửa đổi) và Doanh nghiệp (sửa đổi) lại chuẩn bị được đặt lên bàn nghị sự của các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
.
Các đạo biểu chuyên trách tại kỳ họp tháng 4/2019 (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo chương trình dự kiến, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/4/2020, cho ý kiến về 5 dự án luật theo lộ trình sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Mỗi dự án luật được dành trọn một buổi để bàn thảo, lần lượt là dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thanh niên (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ba dự án luật đầu tiên, cũng là ba dự luật sẽ tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 (từ 23-25/3) với nhiều vấn đề đã được thống nhất, nhưng cũng còn không ít nội dung cần được đánh giá kỹ, giải trình thuyết phục hơn.

Ở dự án Luật PPP, bên cạnh băn khoăn nhiều về cơ chế chia sẻ rủi ro hiện mới được thiết kế duy nhất phương án theo tỷ lệ tăng/giảm doanh thu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn yêu cầu tính kỹ hơn về lĩnh vực đầu tư, về quy mô tối thiểu của dự án, về thủ tục đầu tư, hình thức đầu tư BT và cả sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Một trong các vấn đề rất khó của dự án luật này là thiết kế sao cho thu hút được các nhà đầu tư tư nhân nhưng vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích của cả doanh nghiệp, nhà nước và người dân.

Theo thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì quy định về thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư. Vì thế, Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn trong dự án luật hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng thủ tục đầu tư công; hạng mục đầu tư nào sử dụng vốn tư nhân thì áp dụng thủ tục đầu tư tư.

Với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh là với những ngành nghề được bổ sung vào danh mục cấm hay đầu tư kinh doanh có điều kiện phải được quy định ngay tại luật để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp.

Riêng với đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế đề nghị không cấm, ý kiến của Thường vụ Quốc hội vẫn khác nhau, sau khi đưa ra thảo luận tại hội nghị đại biểu chuyên trách và các đoàn đại biểu Quốc hội, nếu cần thiết sẽ đưa ra Quốc hội dùng phiếu xin ý kiến để quyết định.

Cũng sẽ trình hai phương án để đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận là việc có quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không.

Ngoài ra, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định  doanh nghiệp khởi nghiệp có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ trong dự án luật này.

Quốc hội đương nhiệm có 167 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Theo thông lệ tất cả các vị này và cả những vị đại biểu kiêm nhiệm quan tâm đến nội dung thảo luận tại hội nghị sẽ được mời về họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Riêng năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức họp trực tuyến.

Sau khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, các dự án luật sẽ được hoàn thiện thêm một bước, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để phục vụ việc thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Hiệp hội Da giày - túi xách: Doanh nghiệp chỉ cầm cự được đến tháng Tư
Gửi báo cáo đến Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hiệp hội Da giầy - túi xách Việt Nam cho biết đến cuối tháng 4/2020 thì toàn bộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư