Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Đàm phán Mỹ - Trung: Săn "cá bé" trước
Lê Quân (Reuters) - 11/10/2019 15:59
 
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn tiến theo kiểu dễ làm trước, khó để sau và hai bên sẽ săn "cá bé" là các thỏa thuận cấp thấp trước khi đi đến “thỏa thuận lớn”, các chuyên gia Mỹ nhận định.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) chào đón. Ảnh: AFP
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) chào đón. Ảnh: AFP

Kết thúc ngày đàm phán thương mại cấp cao thứ nhất giữa Mỹ và Trung Quốc (ngày 10/10), giới doanh nghiệp tỏ ra lạc quan rằng hai bên có thể “hạ nhiệt” cuộc chiến thương mại và Mỹ sẽ hoãn tăng thuế quan lên hàng Trung Quốc vào tuần tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã “hội ngộ” Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc trong vòng 7 giờ đồng hồ tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ gần Nhà Trắng.

“Chúng tôi đã có cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới sau khi đàm phán kết thúc. Ông Trump tái khẳng định sẽ gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm nay 11/10. Đây được coi là tín hiệu tốt cho thương mại Mỹ - Trung.

Một quan chức Nhà Trắng xác nhận đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra rất tốt đẹp, “có lẽ tốt hơn dự kiến”.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã mỉm cười vẫy tay mà không trả lời các câu hỏi của phóng viên khi rời Văn phòng Thương mại Mỹ. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục trao đổi trong hôm nay.

Dù còn nhiều bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng các nhà đàm phán hai bên có thể sẽ “xuôi chèo” với các thỏa thuận “thu hoạch sớm” ở cấp độ thấp và tập trung vào các vấn đề như tiền tệ và bảo vệ bản quyền, 1 quan chức của Phòng Thương mại Mỹ cho biết.

Ông Myron Brilliant, trưởng bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ cho biết các nhà đàm phán đang tìm cách đạt tthỏa thuận lớn hơn với những tiến triển về tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác.

“Tôi tin hai bên sẽ đạt thỏa thuận tiền tệ trong tuần này. Với thỏa thuận này, chính quyền Mỹ có thể ngừng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/10 tới”, ông Brilliant nhận định.

Ông Trump phát động chiến tranh thương mại với mục tiêu buộc Trung Quốc cải cách cơ cấu kinh tế, nhưng Bắc Kinh cho thấy họ không sẵn lòng thay đổi cách kiểm soát nền kinh tế.

Khi được hỏi liệu ông có chấp nhận “thỏa thuận nhỏ” với Trung Quốc không, Tổng thống Trump đã không trả lời và rời đi. Trước đây, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định ông không muốn đạt thỏa thuận hạn chế với Trung Quốc mà thay vào đó là thỏa thuận trên quy mô lớn.

Bất đồng của hai bên lâu nay xoay quanh việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc tăng cường bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời chấm dứt hành vi trộm cắp trên mạng và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc hạn chế trợ cấp công nghiệp và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán lần này được cho là không giải quyết các vấn đề gây tranh cãi nhất giữa hai bên, mà những vấn đề này sẽ được để lại giải quyết sau.

Ông Myron Brilliant, trưởng bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết vấn đề sở hữu trí tuệ đang được hai bên thảo luận phần lớn là “các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ từ thế kỷ 20”, chủ yếu liên quan đến vi phạm bản quyền và nhãn hiệu thương mại, chứ không phải nội dung về bảo vệ nguồn dữ liệu, mã nguồn máy tính và dữ liệu thương mại.

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Craig Allen, người đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 9/10 cho rằng, hai bên có thể đạt thỏa thuận tiền tệ theo tinh thần thỏa thuận được Washington và Bắc Kinh nhất trí hồi tháng 2, đồng thời bám sát các cam kết ưu tiên G20 của Trung Quốc về việc tránh thao túng tiền tệ để tạo ra lợi thế thương mại.

“Đã đến lúc ‘ra mắt’ thỏa thuận đó (thỏa thuận tiền tệ). Đây là điều tích cực và thuận hơn để Mỹ ký kết,” ông Allen nói thêm.

Sau cuộc hội ngộ thất bại trước đó vào cuối tháng 7, Mỹ - Trung bước vào cuộc đàm phán lần này trong tâm trạng “khó chịu”. Cáo buộc phía Trung Quốc ngược đãi nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo ở nước này, chính phủ Mỹ hồi đầu tuần đã “liệt” 28 đơn vị của Trung Quốc, gồm cơ quan an ninh và công ty công nghệ giám sát vào danh sách đen.

Cũng trong tuần qua, Washington áp lệnh hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhân quyền của nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo. Còn Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch siết thị thực đối với một số công dân Mỹ.

Chứng khoán châu Á “đỏ lửa” do kỳ vọng về đàm phán Mỹ - Trung giảm sút
Chứng khoán châu Á tụt dốc phiên sáng nay 10/10 do các nhà đầu tư lo ngại những diễn biến bất lợi của thương chiến Mỹ -Trung.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư