Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Khai phóng nguồn lực Việt
Đánh thức vùng đất “chín rồng” - Bài 1: Sống trên vựa lúa, nông dân vẫn nghèo
Trọng Tín - 02/05/2022 08:08
 
Là nơi cung cấp 95% sản lượng giúp Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, nhưng hàng triệu hộ nông dân Vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư.

Dù được xác định có nhiều tiềm năng phát triển, song đến nay, vùng đất “chín rồng” vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng, đời sống của người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông liên kết vùng vẫn còn thiếu và yếu… là những yếu tố cần sớm được giải quyết.
a
Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang mắc vòng kim cô rất lớn là cây lúa. Ảnh: Lê Toàn

Bài 1: Sống trên vựa lúa… nông dân vẫn nghèo

Là nơi cung cấp 95% sản lượng giúp Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới,  nhưng hàng triệu hộ nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Vòng kim cô cây lúa

Là vùng kinh tế rộng lớn với tổng diện tích 40.400 km2, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau.

Mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% sản lượng lúa gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông…

Tuy nhiên, so với nhiều vùng, miền trên cả nước thì đời sống người dân Đồng bằng sông Cửu long vẫn còn không ít khó khăn, nghèo khó. Theo GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ trong một buổi tọa đàm trực tuyến mới đây đã đưa ra nhận định “nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mắc vòng kim cô rất lớn là cây lúa”.

Sở dĩ ông nói đó là “cái vòng kim cô” bởi vì vấn đề đang gặp phải bắt đầu từ tháng 9/1989, khi Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,790 triệu tấn gạo, qua năm 1990 trở đi thì đạt được 2 triệu tấn, 3 triệu tấn, 7 triệu tấn, có lúc tới 9 triệu tấn. Vì được xác định là vùng trọng điểm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu lúa gạo, nông dân ở đây chỉ biết quanh quẩn mỗi năm 3 lần “gieo lúa, thăm đồng rồi gặt lúa”.

a
Sạt lỡ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra hàng năm khiến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người nông dân tiếp tục ảnh hưởng. Ảnh: Lê Toàn

Chính vì vậy, với tư duy cơ học “1+1= 2” - nghĩa là sản lượng, năng suất lúa càng cao đồng nghĩa với thu nhập người dân càng cao và bắt người nông dân phải canh tác ba vụ lúa đã được áp dụng một thời gian dài. Nhưng thực tế đã cho thấy, nếu cứ canh tác lúa 3 vụ, người nông dân miền Tây sẽ vẫn cứ nghèo triền miên.

“Tôi đi các vùng ven biển, ví dụ Bạc Liêu, lúa trong mùa khô thì đang chết cháy, thiếu nước, trong khi kế bên những người có lúa cháy này là những người nuôi tôm lại rất sung sướng. Cũng là xóm đó, nhưng có người bắt buộc than khổ, còn người không bị thì rất sung sướng. Tôi mới hỏi mấy cán bộ địa phương cho bà con nuôi tôm, nhưng mà đây là huyện bắt buộc phải trồng lúa”, GS. Võ Tòng Xuân nhớ lại trong một lần đi khảo sát thực tế.

Đó là chưa kể, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra hàng năm khiến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người nông dân ảnh hưởng. Có năm hạn, mặn khiến hàng chục ngàn héc-ta đất lúa bị chết hoàn toàn. Nhiều loại hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại nặng,  không ít vùng nuôi thủy sản bị tan hoang, vì nước biển xâm lấn vào đất liền có độ mặn quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng của một số loại thủy sinh .

Vì cái nghèo đeo bám, không ít người dân miệt sông nước này không chỉ chọn cách ly nông, mà còn ly hương về TP.HCM, Bình Dương, Long An… để mưu sinh.

Hạ tầng giao thông yếu, thiếu kênh tiêu thụ nông sản

Những vấn đề mà người nông dân gặp phải đã sớm được giải quyết với Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ được ra đời vào ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, sau khi có Nghị quyết 120 NQ-CP, ông thấy rõ là các tỉnh cũng như các bộ, ngành có chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đi tới kinh tế nông nghiệp.

“Đồng bằng của mình, nhất là vùng ven biển, trước kia người ta trồng lúa xen thêm vụ tôm ở vùng mặn. Khi có Nghị quyết 120, các tỉnh mạnh dạn cùng với bà con nông dân phát triển cây kỹ thuật, hệ thống canh tác. Ruộng lúa mùa mưa rất nhiều nước, chuyển sang mùa khô nuôi tôm có lợi”, ông nói.

Hiện nay, bà con dân vùng biển đang chuẩn bị đưa một vụ tôm hoặc hai vụ tôm vào vụ lúa của mình. “Có thể nói rằng, chúng ta trước kia làm thủy lợi cho vùng hạn này, với mục tiêu là giúp bà con có được nước, chỗ nào lấy nước ngọt sạch, chỗ nào lấy nước mặn sạch, rồi có một hệ thống kênh tiêu nước. Quy luật đó sẽ làm cho hệ thống lúa tôm của chúng ta thành công rất lớn”, ông Xuân nói thêm.

a
Dù tiềm năng cảng biển và dịch vụ logistics rất lớn, nhưng vẫn chưa được phát triển xứng tầm để đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chủ lực của vùng. Ảnh: Lê Toàn

Như vậy, vấn đề cải thiện nguồn thu nhập cho người nông dân tuy đã được giải quyết nhưng mới một khâu trong chuỗi vận hành của hàng hóa.

Mắt xích quan trọng nhất và là một trong những thách thức lớn hiện nay đối với Đồng bằng sông Cửu Long chính là kết cấu hạ tầng để lưu thông hàng hóa.

Chẳng hạn, cụm ngành logistics của vùng hiện nay còn hạn chế trong công nghệ đầu tư chuỗi lạnh, hạ tầng cảng biển và cảng sông quy mô còn nhỏ, chất lượng chưa cao. Hệ thống hạ tầng giao thông vận còn đang khiến cho chi phí vận chuyển cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực này.

Một báo cáo mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện 85% lượng hàng xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều phải qua các cảng ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; 15% còn lại đi bằng đường bộ ra các cửa khẩu khu vực miền Trung, phía Bắc.

Chính vì thế, dù tiềm năng cảng biển và dịch vụ logistics rất lớn, nhưng vẫn chưa được phát triển xứng tầm để đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chủ lực của vùng.

Đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 830 km đường bộ cao tốc
Đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 400 km đường quốc lộ; 4 cảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư