Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Danh tính 2 nhóm hàng nhập khẩu "ngốn" hơn 100 tỷ USD
Thế Hoàng - 24/09/2024 16:26
 
Việt Nam có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 100 tỷ USD sau 8 tháng, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 69,24 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng 31,36 tỷ USD.
Nhập máy móc thiết bị, máy tính-sản phẩm điện tử và linh kiện vượt 100 tỷ USD sau 8 tháng 2024.
Nhập máy móc thiết bị, máy tính-sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt 100 tỷ USD.

Theo báo cáo vừa được công bố hôm nay (24/9) của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận 39/53 nhóm hàng đạt trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm 2023. 

Đặc biệt có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt trị giá lớn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 69,24 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 31,36 tỷ USD.

Riêng chi ngoại tệ để nhập khẩu 2 nhóm hàng lớn nhất này đã vượt 100 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước, mức chi ngoại tệ tăng thêm tương ứng 19,5 tỷ USD.

10 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong 8 tháng/2023 và 8 tháng/2024
10 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong 8 tháng/2023 và 8 tháng/2024.

Cụ thể, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử chủ yếu từ các thị trường sau: Trung Quốc đạt 18,43 tỷ USD, tăng 29,2%; Hàn Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 1,3%; Nhật Bản đạt 2,54 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trị giá nhập khẩu từ ba thị trường này đạt 24,65 tỷ USD chiếm 36,5% trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Trong khi đó, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng về Việt Nam trong 8 tháng/2024 từ Trung Quốc đạt 18,43 tỷ USD, tăng 29,2%, tương ứng tăng 4,17 tỷ USD; tiếp theo từ thị trường Hàn Quốc với 3,68 tỷ USD, tăng 1,3%, tương ứng tăng 45 triệu USD.

Ngoài 2 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất kể trên, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ còn có nguyên liệu dệt may, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu,...

Đơn cử, lũy kế trong 8 tháng/2024, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của cả nước đạt 10,75 triệu tấn với trị giá là 7,91 tỷ USD, tăng mạnh 35,5% về lượng và tăng 20,9% về trị giá. 

Nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng mạnh đạt 7,23 triệu tấn, tăng 59,3% (tương ứng tăng 2,69 triệu tấn); từ Nhật Bản đạt 1,34 triệu tấn, tăng 5,6% (tương ứng tăng 71.000 tấn); từ Hàn Quốc đạt 786.000 tấn, tăng 11,9% (tương ứng tăng 83.000 tấn); từ Đài Loan đạt 597.000 tấn, tăng 21,5% (tương ứng tăng 106.000 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày đạt 18,03 tỷ USD, tăng 14,6% (tương ứng tăng 2,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày trong năm 2023 và 8 tháng/2024
Trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày trong năm 2023 và 8 tháng/2024.


Nhập khẩu hóa chất và sản phẩm hóa chất  đạt 10,71 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 732 triệu USD.

Các thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng hóa chất và sản phẩm hóa chất cho Việt Nam trong 8 tháng/2024 là Trung Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 216 triệu USD; Hàn Quốc đạt 968 triệu USD, tăng 132 triệu USD; Nhật Bản đạt 746 triệu USD, tăng 31 triệu USD.

Ngoài ra, trị giá nhập khẩu kim loại thường và sản phẩm 8 tháng/2024 đạt 8,32 tỷ USD, tăng 31,4% (tương ứng tăng 1,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. 

Kim loại thường và sản phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc với 3,38 tỷ USD, tăng 837 triệu USD và chiếm 40% trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Như vậy, lũy kế 8 tháng/2024, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 246,87  tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét về quy mô, nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng/2024 tăng 37,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư