
-
“Tận hưởng Đà Nẵng 2025 - Đa trải nghiệm” tại VITM Hà Nội 2025
-
Hạ Long triển khai chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch dịp lễ 30/4-1/5
-
Legend Valley Hotel (Hà Nam) ưu đãi hấp dẫn tại VITM Hà Nội 2025
-
Ấn tượng Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025, từ trải nghiệm đến tour ưu đãi -
Bắc Giang định hình mô hình du lịch bền vững, tăng trưởng từ giá trị xanh
Nguồn nhân lực vẫn là “nút thắt”
Tại hội nghị, GS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA), Hiệu trưởng trường Quản trị khách sạn Quốc tế Imperial đã đưa ra những nhận định sắc sảo và trực diện về thực trạng cũng như định hướng phát triển của công tác đào tạo nhân lực trong bối cảnh ngành du lịch đang trên đà phục hồi và tăng tốc sau đại dịch.
Theo GS. Đào Mạnh Hùng, ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến ngoạn mục trong giai đoạn hậu Covid-19. Chỉ riêng tháng 3 năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
GS. Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA), Hiệu trưởng trường Quản trị khách sạn Quốc tế Imperial phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Linh Nguyễn |
“Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy ngành du lịch đang bước vào một giai đoạn bứt phá. Sự phục hồi ấy đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cũng như nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch”, ông nhận định.
Tuy nhiên, phía sau những con số tích cực đó lại là một thách thức âm ỉ kéo dài do thiếu hụt và yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực. Hiện cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, gồm 65 trường đại học có ngành du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Ngoài ra, có 2 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp tham gia đào tạo, cung cấp được khoảng 20.000 nhân sự mỗi năm, trong khi nhu cầu thực tế của ngành lên tới 400.000 lao động.
Trong số này, tỷ lệ lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7%. Trình độ sơ, trung cấp và cao đẳng chiếm khoảng 50%, trong khi lực lượng dưới sơ cấp chiếm đến 39,3%. Đặc biệt, chỉ 43% tổng số lao động đang làm việc trong ngành du lịch từng được đào tạo chuyên nghiệp bài bản.
GS. Đào Mạnh Hùng thẳng thắn đánh giá nguồn nhân lực du lịch không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, ông cũng chia sẻ rằng các doanh nghiệp du lịch hiện nay thường xuyên phải sử dụng cụm từ “đào tạo lại” khi nói về tuyển dụng nhân sự, do người lao động được tuyển vào phần lớn chưa đáp ứng ngay yêu cầu công việc và phải mất nhiều thời gian để “cầm tay chỉ việc”.
Trước bài toán nan giải về nhân lực, GS. Hùng cho rằng yếu tố cốt lõi chính là chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo thực hành. “Chúng ta đang đào tạo nghề, và nghề thì chỉ có thể vững nếu người học có kỹ năng thực tiễn. Kỹ năng đó không thể hình thành nếu thiếu môi trường thực hành bài bản, xuyên suốt trong quá trình học”, ông nhấn mạnh.
Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, trong những năm đầu khi các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế như Accor, Marriott, Le Meridien, Sheraton… vào Việt Nam, ngành khách sạn trong nước đã học hỏi được rất nhiều về quy trình, công nghệ và cách thức quản lý hiện đại.
Khi ngành du lịch “đóng băng” trong đại dịch Covid-19, nhiều lao động chất lượng cao buộc phải rẽ sang lĩnh vực khác và không quay trở lại sau khi thị trường hồi phục. Trong khi đó, lao động phổ thông thì vẫn dồi dào. Đây là lý do các khách sạn 4 – 5 sao hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng và vận hành, đặc biệt là khi triển khai các ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản trị.
“Nhiều khách sạn 3 sao trở xuống gần như không thể ứng dụng chuyển đổi số nếu thiếu đội ngũ nhân lực am hiểu công nghệ, phần mềm và có khả năng khai thác thiết bị thông minh. Sự yếu kém về con người khiến việc số hóa trở nên vô cùng khó khăn”, bà Xoan chia sẻ.
Từ thực tiễn này, bà Xoan nhấn mạnh vai trò của công tác đào tạo. Theo bà, giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch - khách sạn cần thay đổi theo hướng thực chất và thực tiễn hơn. Mô hình đào tạo nghề tại Thụy Sỹ - nơi học viên chỉ học lý thuyết khoảng 25%, còn 75% thời gian là thực hành tại các khách sạn là một điển hình.
“Chúng tôi rất mong các cơ sở đào tạo tại Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối với doanh nghiệp, đưa sinh viên đi thực tập và làm việc thực tế nhiều hơn. Có như vậy, sinh viên khi tốt nghiệp mới đủ bản lĩnh và kỹ năng để gia nhập thị trường lao động một cách chuyên nghiệp”, bà Xoan đề xuất.
Bên cạnh đó, bà Xoan cũng lưu ý ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, hệ thống khách sạn là đơn vị sử dụng nhân lực lớn nhất của ngành du lịch, chiếm đến 65% tổng doanh thu toàn ngành.
“Đào tạo không sát thực tế sẽ khiến chúng ta không giữ chân được nhân tài. Phải coi việc xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp là ưu tiên số một nếu muốn ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững,” bà khẳng định.
Cam kết chất lượng đầu ra, tuyển sinh có kiểm soát
GS. Đào Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Imperial cho biết yếu tố then chốt trong việc chuẩn bị cho sinh viên ngành du lịch - khách sạn bước ra thị trường lao động không nằm ở lý thuyết suông, mà chính là thực hành thực tế trong môi trường chuẩn mực và chuyên nghiệp.
Điểm khác biệt của chương trình đào tạo tại Trường Quản trị Khách sạn Quốc tế Imperial là việc sinh viên sau khi tốt nghiệp được nhận đồng thời 2 văn bằng: một là bằng thực hành nghề nghiệp do nhà trường cấp; hai là bằng Practical Diploma Level 3 do Tổ chức NCF của Vương quốc Anh cấp.
“Với hai chứng chỉ này, sinh viên có thể đến làm việc ở bất kỳ đâu, từ Việt Nam đến các khách sạn quốc tế mà không gặp rào cản lớn về kỹ năng hay chuyên môn”, GS. Hùng khẳng định.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị Đào tạo thực hành đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Linh Nguyễn |
Khác với nhiều mô hình đào tạo truyền thống, chương trình tại Trường Imperial quy định rõ ràng 70% thời lượng là thực hành và 30% là lý thuyết. Tuy nhiên, phần lý thuyết cũng không tách rời thực tế mà được xây dựng thành các mô hình ứng dụng giúp sinh viên học lý thuyết trên cơ sở trải nghiệm thực tiễn.
GS. Hùng cho biết, thời điểm ban đầu khi chuyển sang mô hình đào tạo quốc tế chuẩn “school-in-hotel” (đào tạo ngay trong môi trường khách sạn), ông từng gặp không ít khó khăn, bởi toàn bộ đội ngũ giảng viên khi ấy đều là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, chính môi trường ấy đã tạo ra một bước đột phá trong tư duy và cách tiếp cận đào tạo nhân lực ngành du lịch.
“Chúng tôi giảng dạy 100% bằng tiếng Anh, với giảng viên là các chuyên gia quốc tế. Do đó, sinh viên khi tốt nghiệp có thể đi làm ngay trong các khách sạn quốc tế mà không cần qua đào tạo lại”, GS. Hùng nhấn mạnh.
Dưới góc độ quản lý nguồn nhân lực trong nước, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA) cho biết, chương trình đào tạo của nhà trường hiện nay đang được xây dựng theo hướng tích hợp, gồm 3 phần cơ bản: kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp.
Trong đó, kỹ năng được xác định là trọng tâm, xuất phát từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, có một khoảng cách rõ rệt giữa chương trình đào tạo của nhà trường và yêu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Singapore, Trung Quốc đã chủ động “đặt hàng” đào tạo nhân lực du lịch cho xuất khẩu lao động. Họ yêu cầu sinh viên có kỹ năng giao tiếp tốt, hiểu biết văn hóa và tác phong chuyên nghiệp.
Do đó, ông Khải đề xuất cần liên kết nội ngành giữa các trường đào tạo du lịch trên cả nước để chia sẻ tài nguyên, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả đào tạo. Đồng thời, đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài để họ rèn luyện năng lực hội nhập, phát triển thành những “công dân du lịch” toàn cầu.

-
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ hội nhập -
Legend Valley Hotel (Hà Nam) ưu đãi hấp dẫn tại VITM Hà Nội 2025 -
Ấn tượng Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025, từ trải nghiệm đến tour ưu đãi -
Bắc Giang định hình mô hình du lịch bền vững, tăng trưởng từ giá trị xanh -
Đà Nẵng bùng nổ trải nghiệm dịp lễ 30/4 và 1/5 -
Căng thẳng thuế quan và cơ hội bứt phá du lịch nội vùng -
Hơn 21.100 tỷ đồng đầu tư vào du lịch Vĩnh Phúc
-
Vinmec được vinh danh là Hệ thống y tế của năm
-
Cà Mau dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá thực hiện hiệu quả các FTA
-
FTA Index là động lực thúc đẩy địa phương tối ưu hóa cơ hội từ các FTA
-
Năm thứ 2 liên tiếp VPBank NEOBiz được vinh danh là Ứng dụng Ngân hàng tốt nhất
-
Uuviet Solutions và dự án 18.000 tỷ đồng: Bước tiến mạnh mẽ tại thị trường Hà Nội.
-
Panasonic bàn giao Phòng thí nghiệm Giải pháp HVAC cho Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội