Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 12 năm 2024,
Đạt IELTS 7.0-8.0 mà mất đi nhiều trải nghiệm cuộc sống thì có nên không?
Khánh Linh thực hiện - 23/04/2024 15:03
 
Trước mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp, việc học và thi chứng chỉ ngoại ngữ lại nổi lên khi đang được nhiều trường lựa chọn là một trong những điều kiện xét tuyển.

“Chứng chỉ hay điểm số không có gì sai!”. TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp Olympia, cố vấn cao cấp cho nhiều trường học và tổ chức giáo dục ở Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.

Câu chuyện bắt đầu bằng thông tin về yêu cầu không sử dụng chứng chỉ IELTS để cộng điểm hoặc tuyển thẳng vào lớp 10 năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khiến nhiều địa phương phải thay đổi các quyết định tuyển sinh trước đó.

Tuy nhiên, điều này được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến các nỗ lực học và luyện thi chứng chỉ IELTS của nhiều học sinh trước đó. Thêm một lần nữa, các vấn đề xung quanh việc học và dạy tiếng Anh lại nổi lên.

 TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Giám đốc học thuật Trường Phổ thông liên cấp Olympia 

Ông nghĩ thế nào về quyết định này?

Quan điểm của tôi, IELTS, TOEFL hay các bài thi chuẩn hóa tiếng Anh, kể cả Starters, Movers, Flyers cho học sinh tiểu học không có gì sai. Mỗi bài thi đều có giá trị nhất định trong việc cân đo một phần năng lực ngoại ngữ của học sinh. Khi học, dù là ngoại ngữ hay môn học khác, việc xác định một đích đến là rất tốt. Việc thi lấy chứng chỉ cũng là cách khoa học và khách quan để đo được năng lực của mỗi học sinh đến đâu rồi.

Các trường đại học trên thế giới, gồm cả các trường đại học tốp đầu, khi tuyển sinh cũng có điều kiện về chứng chỉ tiếng Anh, với những mức điểm nhất định, như IELTS 6.5 hay 7.00… Đây là cách để các trường xác định học sinh có đủ điều kiện năng lực về ngoại ngữ để có thể theo học tại trường.

Nhưng nếu nói về sự chưa hợp lý, có lẽ phải nhìn từ quan điểm của thầy cô, trường lớp, phụ huynh và cả xã hội rằng, đang có sự tôn vinh chứng chỉ ngoại ngữ quá nhiều không? Vì chứng chỉ IELTS chỉ là một phần trong các tiêu chí để đánh giá học sinh, chứ không phải là tất cả.

Đúng là đang có xu hướng luyện thi IELTS sớm để có được mức điểm càng cao càng tốt, thậm chí coi đó là đích đến của việc học tiếng Anh, thưa ông?

Thực tế, vì quan điểm điểm IELTS càng cao càng giỏi nên không ít học sinh từ bé phải dành nhiều thời gian để học và luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Đồng nghĩa là các em cũng bị lấy đi không gian và thời gian dành cho nhu cầu học tập các môn học khác cũng như những trải nghiệm xã hội, trong khi đây là những yếu tố góp phần phát triển thế giới quan, nhân sinh quan tròn trịa và sâu sắc hơn cho các em.

Nếu phụ huynh, nhà trường, thầy cô, chương trình học có thiết kế hợp lý cho các em một nền tảng năng lực ngoại ngữ tốt từ bé, thì việc học thi IELTS không cần diễn ra quá sớm hoặc nếu cần thì cũng không cần dành quá nhiều thời gian cho việc luyện thi.

Tôi muốn nhấn mạnh là tuy luyện thi có thể sẽ có được điểm số tốt, phản ánh được một phần năng lực của học sinh nhưng luyện thi quá nhiều, hoặc chỉ có luyện thi, cũng sẽ lấy đi thời gian, không gian và cơ hội để phát triển nhiều khía cạnh và nhu cầu phát triển khác của học sinh.

Hơn nữa, không ít người tiếp cận một bài thi thường sẽ chỉ tập trung vào kỹ thuật để giải đề, như mẫu, mẹo… Điều này không phải là không tốt, nhưng quá nhiều kiểu dạy – học như thế này sẽ dễ dẫn đến tư duy rập khuôn cho học sinh.

Ví dụ để làm bài nghe hay đọc, có thể có những mẹo để nghe nhanh và làm đúng, có phương pháp luyện đề… cũng tốt, nhưng kết quả này không phản ánh 100% năng lực thực sự của học sinh. Đặc biệt, với cách học này, giá trị về tri thức và tư duy mà các bạn lấy được từ nội dung các bài đọc, bài nghe sẽ không nhiều.

Tương tự, khi đi học viết, một số nơi thay vì dạy kỹ năng nghiên cứu, tư duy lập luận phản biện, tư duy sáng tạo thì lại chỉ chăm chăm dạy những mẫu bài, mẫu câu, thậm chí là đưa dàn ý “ăn sẵn” cho học sinh, không khác gì văn mẫu trong môn tiếng Việt mà chúng ta vẫn thường phê phán trong bao năm qua.

Giá trị của việc học ngôn ngữ không lẽ chỉ dừng lại ở việc học thuộc các mẫu bài, viết theo mẫu câu thôi sao? Kiến thức, tư duy của các bài viết có thấm vào trong các bạn không. Liệu các bạn có thật sự cảm nhận được cái hay, cái đẹp của thế giới, cuộc sống, con người về chiều sâu hay không?

Trong khi đó, học một ngôn ngữ là dùng ngôn ngữ để tiếp cận văn hóa, tư duy, trí tuệ, kiến thức để thay đổi thế giới quan và nội tâm bên trong của một con người, chứ không phải là dành cả thời gian đi học để luyện thi.

Là chuyên gia về giáo dục, ông có thể chia sẻ thế nào là một chương trình hợp lý để học và có được chứng chỉ IELTS. Vì như ông chia sẻ, đây là nhu cầu thực tế khi các trường đại học, kể cả trong nước và các trường trên thế giới, vẫn đang sử dụng chứng chỉ IELTS như một điều kiện để xét tuyển?

Chúng ta phải xác định rõ, mục đích của chứng chỉ này là để các trường đảm bảo học sinh có đủ năng lực ngôn ngữ theo học các chương trình đào tạo, cụ thể là đủ điều kiện tham gia nghe giảng, ghi chép, trao đổi… ở các bậc học, môi trường và ngành nghề khác nhau. Như vậy, điểm thi IELTS chỉ là một phần chứ không phải là đích đến trong việc học ngôn ngữ của thời phổ thông.

Chúng ta có thể dành cả giai đoạn tiểu học và trung học cơ sở để học, thấm và yêu ngôn ngữ đó theo cách như là học Tiếng Việt và văn học, bằng cách đọc sách, nghiên cứu, tư duy lập luận, trao đổi thảo luận, phản biện và sáng tạo trong hành trình khám phá thế giới, những vấn đề, lĩnh vực mà các bạn quan tâm. Khi đã có nền tảng ngôn ngữ, kiến thức và tư duy vững vàng rồi, việc thi cử khi cần sẽ mất ít thời gian.

Đây là cách chúng tôi triển khai trong chương trình học của Trường Phổ thông liên cấp Olympia. Từ cấp tiểu học, các bạn học tiếng Anh qua các nghiên cứu nhỏ, các dự án học tập tích hợp Tiếng Anh với các môn học khác, sân chơi Tiếng Anh tư duy triết học (JPO), lồng tiếng cho phim, cuộc thi sáng tác thơ văn… Ở cấp trung học cơ sở là dịch sách, tham gia các cuộc thi Shark Tank, sân chơi tranh biện Ethics Bowl, viết kịch và đóng kịch, rồi lên cấp trung học phổ thông, các bạn có thêm hoạt động để “học và hành” tiếng Anh, như thi tranh biện, tổ chức các hội nghị mô phỏng hoạt động của Liên hợp quốc (MUN), liên hoan phim, làm nhạc kịch, nghiên cứu tích hợp liên môn, giải quyết vấn đề thực tế của doanh nghiệp ở đa dạng ngành nghề, thực tập…

TS. Nguyễn Chí Hiếu tại Cuộc thi Tiếng Anh triết học (JPO)

Dù sao thì Trường Phổ thông liên cấp Olympia có thế mạnh là trường song ngữ…

Đúng là chương trình song ngữ với cách thiết kê có thời lượng tiếng Việt và tiếng Anh ngang nhau, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho các học sinh tiếp cận ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên, chương trình song ngữ không có nghĩa các bạn phải hy sinh thời gian học tiếng Việt để học tiếng Anh. Chúng tôi xác định rõ điều này khi thiết kế chương trình.

Vừa rồi, chúng tôi có cuộc thi Sáng tạo đổi mới kinh doanh. Các em thông thạo tiếng Anh có thể dùng tiếng Anh để tự tìm kiếm, nghiên cứu mô hình kinh doanh của các công ty trên thế giới, trong khi đó lại sử dụng tiếng Việt để tìm kiếm, nghiên cứu các hoạt động của các công ty Việt Nam. Hay như Cuộc thi Tiếng Anh triết học (JPO) cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, chúng tôi muốn các em thể hiện tư duy, góc nhìn về những vấn đề của cuộc sống, như thế nào là đẹp, thế nào là hạnh phúc, thế nào là nguyên bản… Trẻ con cũng có tư duy, những quan sát rất thú vị về cả mặt khoa học, triết học với những góc nhìn “nguyên bản”, sáng tạo. Với cách tiếp cận ngôn ngữ để tư duy, lập luận và trao đổi về các vấn đề của cuộc sống và bản thân, tiếng Anh thực sự là phương tiện để các em đi tìm kiến thức, quan điểm và tư duy mới …

Đa dạng hình thức học tập, đa dạng cách thức đánh giá là mục tiêu của JPO hay các sân chơi mà chúng tôi kiến tạo cho học sinh. Tôi không muốn dấu ấn để lại trong các học sinh đi qua thời phổ thông chỉ là các câu hỏi chỉ có đúng và sai, chỉ có luyện và luyện thi.  Tất nhiên, đến thời điểm cần chứng chỉ, các bạn có thể tự học hoặc luyện thi trong thời gian ngắn để đáp ứng các điều kiện mà trường lớp cần, nhưng không thể giam cầm cả thời đi học trong các giờ luyện thi dài dằng dặc.

Kết quả điểm IELTS tốt của học sinh Olympia qua nhiều năm, cùng kết quả tuyển sinh vào các trường đại học trong nước và trên thế giới, bên cạnh việc các em phát triển nhiều năng lực khác và được trải nghiệm đa dạng để khám phá và tìm hiểu đam mê, định hướng nghề phù hợp với mỗi bạn là minh chứng cho định hướng song ngữ này.

Lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh và các em học sinh trong việc học tiếng Anh cũng như một ngôn ngữ nào đó?

Tôi phải nhấn mạnh lại là một đứa trẻ khi có thành tích, kết quả tốt nào đó đều đáng trân trọng, đáng khen. Điểm IELTS cao cũng vậy, chúng ta cần trân trọng và ghi nhận nỗ lực của các em. Điểm số phản ánh một phần năng lực của học sinh, của thầy cô, trường lớp. Tôi không phủ nhận điều này và cũng mừng khi thấy các em đạt được mục tiêu điểm IELTS của mỗi bạn.

Nhưng nhìn đi rồi nhìn lại, đó không phải là cách duy nhất để đánh giá một đứa trẻ, một chương trình học, một đội ngũ hay một nhà trường.

Nên tôi muốn nói đến cái cách mà đứa trẻ đạt thành tích đó có hợp lý chưa, hay còn nhiều bất cập. Nếu đạt IELTS 7.0-8.0 mà mất đi nhiều thời gian, không gian và trải nghiệm thế giới, trải nghiệm cuộc sống thì có nên không. Nhìn kết quả nhưng cũng nên lắng lại, nhìn cả quá trình để cho ra kết quả đó.

Tôi cho rằng, những đứa trẻ cần nhiều hơn một điểm số, đó là cuộc sống cân bằng, nhiều cơ hội trải nghiệm thế giới bên ngoài và khám phá những phương diện khác của thế giới bên trong mỗi bạn.

Điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dừng tuyển thẳng, cộng điểm thí sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10, nhiều địa phương đã điều chỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư