Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Đặt phòng trực tuyến loay hoay tìm đường phát triển
Nhã Nam - 08/10/2016 09:11
 
Dịch vụ đặt phòng trực tuyến ngày càng phát triển khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này càng trở nên gay gắt hơn. Các website yếu thế hơn bắt đầu “tìm đường” để lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp hơn.

Hai tháng trước đây, Vntrip.vn, start-up Việt Nam chuyên về đặt phòng khách sạn trực tuyến đã chính thức ra mắt dịch vụ tại địa chỉ www.vntrip.vn, đồng thời, công bố hoàn thiện vòng gọi vốn đầu tiên với 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại, đứng đầu là quỹ Fenghe Group và Hancock Revocable Trust.

Khởi động từ cuối năm 2014 và chỉ mới đưa vào chạy thử nghiệm trong 6 tháng đầu năm 2016, nhưng Vntrip.vn đã nhanh chóng thiết lập được cho mình mạng lưới khách sạn trực tuyến lớn nhất Việt Nam. Điều đáng nói, Vntrip.vn chỉ là một trong số những tên tuổi gần đây nhất được thành lập để kinh doanh lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến. Du khách thế giới và cả Việt Nam thời gian gần đây đã rất quen thuộc với các website cung cấp dịch vụ này, như Agoda, Booking, ivivu, mytour, hotels.com, chudu 24... của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự tiện lợi và yếu tố giá cả hợp lý chính là lý do khiến dịch vụ này “làm mưa làm gió” trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Mết, Chủ tịch kiêm Giám đốc METFOODS trong vai trò CEO của tình huống này
Ông Nguyễn Văn Mết, Chủ tịch kiêm Giám đốc METFOODS trong vai trò CEO của tình huống này

Thông tin cho biết, những nhà kinh doanh hàng đầu, như Agoda, đang hợp tác với hàng nghìn khách sạn cả trong và ngoài nước. Mytour, ivivu cũng đang sở hữu một danh sách đối tác đáng nể. Càng giỏi đàm phán với đối tác, có được mức giá rẻ hơn, thì càng trang web này càng nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Tất nhiên, mỗi trang đặt phòng lại chọn phân khúc thị trường riêng để kéo khách, từ khách sạn giá rẻ đến cao cấp. Vì thế, khi thị trường bùng nổ, với ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ, thì các trang web yếu thế hơn sẽ khó cạnh tranh, và loay hoay với bài toán nên chuyển hướng kinh doanh theo mô hình nào.

Chuyện xảy ra tại một doanh nghiệp đang sở hữu một website chuyên đặt phòng khách sạn trực tuyến trong nước. Trước đây, nhờ chiến lược đi đầu và những nỗ lực không ngừng nghỉ, công ty đã xây dựng được một mạng lưới đối tác khách sạn khá rộng khắp và có giá cả tốt nên đã trở thành một website được khách hàng ưa chuộng. Nhưng hiện nay, sự đổ bộ của hàng loạt đối thủ đến từ nước ngoài đang khiến công ty gặp phải sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Các đối thủ này đều có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm, có công nghệ tốt hơn. Đặc biệt, họ tổ chức được một đội ngũ thương thuyết trực tiếp với các khách sạn, nên luôn có giá cả tốt hơn. Thậm chí, có những đối thủ còn chịu lỗ bước đầu để đưa ra mức giá thấp hơn, nhằm lôi kéo các khách hàng.

Thực trạng này đang khiến công ty đứng trước nguy cơ phải rời khỏi thị trường. Lúc này, CEO (cũng là một cổ đông) và các cổ đông khác đã quyết định ngồi lại với nhau để bàn bạc và định hướng lại chiến lược nhằm giữ vững sự tồn tại của công ty. Tuy nhiên, khi bàn bạc, các bên lại có các quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

Theo đó, CEO cho rằng, cuộc chiến trong lĩnh vực đặt phòng trực tuyến sẽ ngày càng diễn ra khốc liệt, các đối thủ sẽ ngày càng nhiều và càng quyết liệt hơn trong bối cảnh hội nhập AEC và TPP. Do đó, nên thay đổi hẳn chiến lược, chuyển hẳn sang lĩnh vực đặt phòng trực tuyến đối với phòng trọ, nhà ở, biệt thự riêng… cho khách du lịch. Đây là một loại hình dịch vụ đang thịnh hành ở nước ngoài nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Nếu đi theo con đường này, doanh nghiệp vừa né được sự cạnh tranh khốc liệt, lại vừa có được những lợi thế cạnh tranh vì là một trong những doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh bài bản lĩnh vực này. Tuy nhiên, ý kiến này của CEO bị các cổ đông phản đối, vì cho rằng, điệu kiện nhà ở của người Việt Nam có thể chưa phù hợp với những hình thức này và khung pháp lý cũng chưa có. Do đó, nếu chuyển sang mô hình này sẽ mất rất nhiều thời gian để định hình thị trường, khách hàng và hàng loạt vấn đề khác.

Trong khi nhu cầu sử dụng các dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho một gói du lịch đầy đủ đang ngày càng tăng cao. Bởi vậy, các cổ đông cho rằng, công ty nên giữ nguyên dịch vụ hiện tại. Đồng thời, mở rộng tính năng sản phẩm, mở rộng sự lựa chọn cho khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp nên phát triển website hiện tại của công ty không chỉ là một website chuyên đặt phòng khách sạn, mà khách hàng có thể “booking online” tất cả các dịch vụ liên quan đến một chuyến đi du lịch, như phương tiện đi lại, nhà hàng ăn uống, các điểm vui chơi giải trí, hướng dẫn viên, khách sạn… Đây sẽ là một sự khác biệt, giúp công ty thoát khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ chuyên booking khách sạn.

Thực ra, cả CEO và các cổ đông đều có lý, vấn đề quan trọng là, doanh nghiệp nên quyết định chuyển hướng kinh doanh theo mô hình nào? Câu trả lời sẽ được tìm ra khi CEO và các cổ đông quyết liệt tranh biện về vấn đề này trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề Định hướng chiến lược - Lựa chọn mô hình.

Ông Nguyễn Văn Mết, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thương mại, phân phối thực phẩm METFOODS sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO của Chương trình. Ông Nguyễn Văn Mết cũng sẽ là nhân vật xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư, số ra hôm nay.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Đặt phòng online: Khuyến mại 70% khách sạn vẫn có lãi
Thông qua web đặt phòng trực tuyến, các khách sạn đã tự tạo ra nhiều mức giá hấp dẫn khiến người mua có thể ngay lập tức ấn chuột. Đằng sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư