Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Đầu tư du lịch “đau tim” hơn đầu tư chứng khoán
Hồ Hạ - 25/11/2021 09:24
 
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, cộng thêm chính sách thiếu nhất quán giữa các địa phương khiến doanh nghiệp du lịch cảm thấy rủi ro, ngại đầu tư hay đẩy mạnh hoạt động.
Du khách khám phá bản Đá Bia (huyện Đà bắc, tỉnh Hòa Bình) hồi giữa tháng 11/2021 	Ảnh: Linh Tâm
Du khách khám phá bản Đá Bia (huyện Đà bắc, tỉnh Hòa Bình) hồi giữa tháng 11/2021 Ảnh: Linh Tâm

Doanh nghiệp du lịch vẫn lo rủi ro

Ngay khi tình hình đợt dịch Covid-19 lần thứ tư được kiểm soát, hàng loạt tỉnh, thành phố trên cả nước đã mở lại các hoạt động du lịch và tổ chức chương trình kích cầu siêu hấp dẫn.

Đơn cử, từ ngày 1/11, tỉnh Quảng Ninh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được đón khách ngoại tỉnh, với điều kiện các cơ sở này đạt chuẩn an toàn về phòng, chống dịch và chỉ được đón khách từ vùng 1 và 2 (“vùng xanh”, “vùng vàng”). Khách du lịch, lái xe, hướng dẫn viên… cũng phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Sau khi tiếp nhận thông tin, các hãng lữ hành, lưu trú tại Quảng Ninh lập tức đón du khách. Tuy lượng khách vào các ngày trong tuần chưa đông, nhưng cuối tuần thì kín chỗ. Song, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi Hà Nội, một trong những thị trường khách chủ đạo của Quảng Ninh, công bố chuyển cấp độ dịch từ “vùng xanh” sang “vùng vàng”.

Từ nay đến cuối năm, khi chúng ta đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vắc-xin, các cơ sở y tế không quá tải, F0 có thể tự chữa bệnh tại nhà…, người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn, nhưng cũng phải tới tháng 3 - 4/2022, du lịch nội địa mới thực sự tăng tốc trở lại.

- Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism

Đáng nói là, tại văn bản gửi các doanh nghiệp lữ hành về kế hoạch đón khách đến Quảng Ninh ngày 28/10, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh thông báo, địa phương này chỉ đón, phục vụ khách đến từ các khu vực là “vùng xanh” (vùng cấp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ), tạm thời chưa đón khách từ các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Trong văn bản không đề cập việc đón khách từ “vùng vàng”.

Bởi vậy, du khách Hà Nội đồng loạt hủy tour đến Quảng Ninh. Giám đốc một công ty lữ hành chuyên tổ chức tour  Hà Nội - Quảng Ninh than thở: “Khách hàng hủy tour, doanh nghiệp phải trả lại tiền cho khách, còn tiền của mình thì bị ‘treo’ ở phía đối tác”.

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Lux Group cho rằng, tuy Hà Nội chuyển sang “vùng vàng”, nhưng Quảng Ninh nên áp dụng với từng điểm, từng khu vực, không nên coi toàn bộ Hà Nội là “vùng vàng” để không đón khách từ Hà Nội nữa.

“Kinh doanh du lịch thời điểm này rủi ro, đau tim hơn đầu tư chứng khoán”, ông Phạm Hà ví von.

Dự báo từ nay đến hè năm 2022, hoạt động kinh doanh du lịch vẫn bập bõm, thoi thóp vì nguy cơ bùng dịch có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel so sánh kinh doanh du lịch thời dịch như “kháng chiến trường kỳ”.

“Chỉ đến khi tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng, thế giới có thuốc chữa Covid-19, tình hình thế giới ổn định, không còn mầm bệnh từ bên ngoài có thể xâm nhập, thì hoạt động du lịch mới khởi sắc trở lại”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, khó khăn lớn nhất với đơn vị kinh doanh du lịch là sự thiếu nhất quán về chính sách giữa các địa phương. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, nhưng việc thực hiện lại không thống nhất.

Ngoài ra, thời điểm này, du khách cũng khá e dè đi du lịch, vì các biện pháp phòng, chống dịch phức tạp, nhiều thủ tục. Mặt khác, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chưa hoạt động trở lại, hoặc hoạt động nhưng chưa đầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động lữ hành.

Cần sự kết nối chặt chẽ

Hầu hết các doanh nhân lữ hành còn “bám trụ” thị trường thừa nhận, họ xác định bỏ công, bỏ sức duy trì doanh nghiệp, nỗ lực “phá băng” thị trường nhằm giữ nhân viên không bỏ doanh nghiệp, đồng thời cũng là động thái khởi động kích cầu du lịch.

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism chia sẻ, do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên lượng khách nội địa đi du lịch rất ít. “Với các tour Đông Bắc, Tây Bắc, những năm trước, doanh nghiệp thường đón lượng khách du lịch lớn từ TP.HCM và phía Nam đi theo tour, song năm nay không có. Khách từ Hà Nội thường tự đi du lịch, nhưng cũng chưa nhiều”, bà Ngần chia sẻ.

Theo CEO Hanoi Tourism, khách mua tour thường trả 50% giá dịch vụ; đơn vị lữ hành ứng 50% để đặt cọc cho đối tác. Nếu bất ngờ dịch bùng phát, khách hủy tour, đơn vị lữ hành vừa phải lo hoàn tiền ngay nếu khách yêu cầu, vừa bị kẹt tiền ở phía đối tác, trong khi nguồn tiền đang cạn kiệt.

Chính vì làm du lịch thời điểm này vừa rủi ro lớn, lại khó có lãi, thậm chí thua lỗ, nên chi nhánh Hà Nội của một công ty lữ hành lớn ở TP.HCM chấp nhận “ngủ đông” hết năm nay. Đây cũng là lựa chọn khá phổ biến của nhiều đơn vị lữ hành.

Để ngành kinh tế xanh sớm phục hồi, nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất các địa phương cần kết nối chặt chẽ, thống nhất với nhau về điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng, thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được.

Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị nằm tạo thống nhất, trong đó, cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Nếu không, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Đặc biệt, giải pháp quan trọng hiện nay là tăng tốc phủ vắc-xin phòng Covid-19, trước hết cho lực lượng phục vụ trong ngành du lịch, dịch vụ và người dân ở điểm đến.

Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 1: Chao đảo những "thành trì thép"
Những doanh nghiệp du lịch còn trụ lại gặp đợt tấn công lần thứ tư từ Covid-19 khốc liệt hơn, khiến những ‘thành trì thép’ của ngành cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư