Thứ Ba, Ngày 15 tháng 04 năm 2025,
Đầu tư vào cảnh báo sớm thiên tai nhằm bảo vệ con người trước thảm họa
D.Ngân - 14/04/2025 07:26
 
Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2021, thế giới đã ghi nhận gần 12.000 thảm họa liên quan đến thời tiết cực đoan, làm hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế lên tới 4.300 tỷ USD.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ quét, hạn hán, nắng nóng kéo dài và sạt lở đất xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng cao.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, với trung bình mỗi năm có từ 10 - 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Để ứng phó hiệu quả, các quốc gia trên thế giới đều đặt ưu tiên hàng đầu vào việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm toàn diện nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.

Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2021, thế giới đã ghi nhận gần 12.000 thảm họa liên quan đến thời tiết cực đoan, làm hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế lên tới 4.300 tỷ USD.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 50% quốc gia trên thế giới chưa có hệ thống cảnh báo sớm đầy đủ, dẫn đến hàng triệu người không được tiếp cận thông tin kịp thời để phòng tránh thiên tai.

Trước thực trạng đó, Liên Hợp Quốc đã phát động sáng kiến “Cảnh báo sớm cho tất cả” (Early Warnings for All – EW4All), đặt mục tiêu đến năm 2027, toàn bộ người dân trên thế giới đều được tiếp cận với hệ thống cảnh báo thiên tai hiệu quả.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, với trung bình mỗi năm có từ 10 - 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Bên cạnh đó là các hiện tượng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… ngày càng nghiêm trọng. Trước thực tiễn đó, dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên trong công tác phòng, chống thiên tai và giảm nhẹ rủi ro.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai.

Hiện nay, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia bao gồm hơn 217 trạm khí tượng bề mặt, gần 2.000 trạm đo mưa tự động, 426 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn và 10 trạm radar thời tiết hiện đại. Đây là nền tảng quan trọng giúp ngành khí tượng thủy văn theo dõi, phân tích và dự báo chính xác các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Song song với đó, Việt Nam đã đưa vào vận hành siêu máy tính Cray XC40 - một trong những hệ thống tính toán hiện đại hàng đầu khu vực phục vụ cho các mô hình dự báo thời tiết và khí hậu.

Đồng thời, ứng dụng các công nghệ đồng hóa số liệu từ vệ tinh, radar và quan trắc mặt đất nhằm nâng cao độ chính xác trong dự báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và các hình thái thời tiết nguy hiểm khác. Đặc biệt, hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đã được triển khai chi tiết tới cấp huyện, hỗ trợ tích cực cho công tác ứng phó tại địa phương.

Hiệu quả của hệ thống cảnh báo không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn dựa vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành khí tượng thủy văn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã thiết lập cơ chế kết nối chặt chẽ với các trung tâm quan trắc, đài khu vực, các cơ quan dự báo, thu thập dữ liệu đầu vào đồng bộ, chính xác. Một bản tin dự báo chỉ thực sự có giá trị khi được xây dựng trên cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật và được xử lý bởi đội ngũ chuyên gia có trình độ cao.

Cùng với sự phối hợp trong nước, Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ dữ liệu và kinh nghiệm dự báo. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia duy trì quan hệ hợp tác thường xuyên với các cơ quan khí tượng của Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, châu Âu và Anh.

Trong sự kiện siêu bão Yagi năm 2024, nhờ sự chia sẻ dữ liệu kịp thời từ các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã nâng cao được độ chính xác trong dự báo quỹ đạo và cường độ bão, giúp chính quyền và người dân chuẩn bị sớm, từ đó giảm thiểu đáng kể thiệt hại.

Bên cạnh các cơ quan chuyên môn, nhiều tổ chức và đơn vị khác như Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ Cứu nạn... cũng góp phần quan trọng vào công tác dự báo và cảnh báo thiên tai.

Đặc biệt, vai trò của báo chí, truyền thông ngày càng trở nên thiết yếu trong việc đưa thông tin cảnh báo đến người dân nhanh chóng, dễ hiểu và chính xác, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và có biện pháp ứng phó phù hợp.

Theo các chuyên gia khí tượng, năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục nằm trong nhóm những năm nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể cao hơn từ 1,29 đến 1,53 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại Việt Nam, tuy khó phá kỷ lục nắng nóng của năm 2024, nhưng nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao. Hiện tượng ENSO đang chuyển từ trạng thái La Niña suy yếu sang trung tính, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện mưa lớn cục bộ, lũ quét, ngập úng và sạt lở đất.

Biển Đông được dự báo sẽ đón khoảng 11 đến 13 cơn bão trong năm nay, trong đó 5 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, với nguy cơ xuất hiện bão mạnh từ cấp 12 trở lên vẫn rất cao.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, không thể lường trước, theo TS.Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hệ thống cảnh báo sớm cần tiếp tục được củng cố, đầu tư, mở rộng và hiện đại hóa. Đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là một cam kết nhân văn nhằm bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau khi thiên tai ập đến. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư