Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đề xuất cho phép doanh nghiệp dân sinh tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng
Khánh Linh - 09/09/2022 16:26
 
Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đề xuất cho phép và khuyến khích doanh nghiệp dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng - an ninh.
.

VCCI đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dân sinh tham gia vào mô hình liên kết với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong ảnh: Công ty Hợp tác quốc tế 705 Quân khu 2 khảo sát triển khai dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại huyện Mường May, tỉnh Phông Xa Lỳ (Lào)

Tận dụng không gian chính sách này để hỗ trợ và ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa

“Chính sách này là rất cần thiết nhằm huy động nguồn lực dân sinh cùng Nhà nước phát triển công nghiệp quốc phòng – an ninh”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) viết trong văn bản góp ý vừa gửi Bộ Quốc phòng khi bàn tới chính sách cho phép và khuyến khích doanh nghiệp dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên, cơ quan đại diện cho doanh nghiệp vẫn muốn làm rõ hơn, để chính sách này thực sự hiệu quả.

Cụ thể, VCCI cho rằng, cần đảm bảo tính ổn định của chính sách. Vì nếu muốn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp. Các hoạt động này có thể tốn một khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể rất ngần ngại bỏ chi phí đầu tư nếu như có những rủi ro lớn khiến họ không chắc chắn về lợi nhuận.

“Một trong các vấn đề lo ngại của doanh nghiệp là sự thay đổi của chính sách, chẳng hạn lĩnh vực được phép tham gia, hoặc tỷ lệ sản phẩm quốc phòng, an ninh giao cho các doanh nghiệp dân sinh. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung duy trì sự ổn định các chính sách xã hội hoá cho doanh nghiệp dân sinh vào chính sách này”, VCCI kiến nghị.

Hơn thế, sự hấp dẫn của lĩnh vực quốc phòng – an ninh còn đến từ việc đây là một trong số ít các lĩnh vực ít bị ràng buộc bởi các cam kết thương mại quốc tế, chẳng hạn như quy tắc đối xử công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp hay đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Việc Dự thảo cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng – an ninh đang được cho là cơ hội đầu tư rất lớn và hấp dẫn.

Tuy nhiên, VCCI cũng khuyến nghị, cơ quan soạn thảo nên cố gắng tận dụng không gian chính sách này để hỗ trợ và ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa, giúp nâng cao tiềm lực của các doanh nghiệp này, đóng góp vào quá trình xây dựng nền công nghiệp dân sinh và nền công nghiệp quốc phòng – an ninh của Việt Nam.

Đánh giá cẩn trọng các ưu đãi với doanh nghiệp quốc phòng sản xuất lưỡng dụng

Liên quan đến các ưu đãi với doanh nghiệp quốc phòng sản xuất lưỡng dụng, Dự thảo đưa ra các quy định về ưu đãi thuế, phí, vốn vay cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng.

Tuy nhiên, theo VCCI, các quy định này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.

Lý do được đưa ra là, trọng tâm chính của việc phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn phải là phát triển các công nghệ, sản phẩm theo yêu cầu của quân đội, công an, dù nhiều công nghiệp quốc phòng, an ninh có thể sử dụng được cho cả dân sinh, nhưng cũng có những công nghệ không được chia sẻ hoặc chưa thể thương mại hóa ra bên ngoài khu vực quân sự.

Vì vậy, việc công nghệ, sản phẩm đó có đặc tính lưỡng dụng có thể mở thêm cơ hội kinh doanh cho các cơ sở sản xuất (quốc phòng, an ninh). Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên coi như một hoạt động bên lề nhiệm vụ chính, nhằm tận dụng năng lực sản xuất đã được đầu tư.

Việc đưa ra các chính sách ưu đãi, bản chất là các công cụ kinh tế, có thể ảnh hưởng đến mức độ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong hệ thống các cơ sở sản xuất liên quan.

Đặc biệt, VCCI lo ngại nguy cơ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân: nhiều lĩnh vực công nghiệp lưỡng dụng như hoá nổ, quang điện tử, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới… cũng là các lĩnh vực kinh doanh đang được khối doanh nghiệp tư nhân tích cực đầu tư nguồn lực phát triển.

Doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh được Nhà nước tài trợ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị tài sản, cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách Nhà nước (và các ưu đãi khác như tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư – hành chính…), vì đây là nhiệm vụ quan trọng quốc gia. Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh đã có lợi thế kinh tế hơn hẳn các doanh nghiệp tư nhân.

 “Việc bổ sung các ưu đãi về kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất công nghệ lưỡng dụng bán ra thị trường dân sự sẽ tiếp tục tạo ra ưu thế kinh tế cho các doanh nghiệp này, giúp giá thành sản phẩm thấp hơn giá thành thực tế, và có thể cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm do các doanh nghiệp tư nhân sản xuất. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách này”, VCCI gửi ý kiến tới Bộ Quốc phòng.

Thiết lập mô hình liên kết

Để giải tỏa những nghi ngại trên, VCCI đề xuất nên có chính sách liên quan đến việc cho phép, hỗ trợ cho các doanh nghiệp dân sinh tham gia vào mô hình liên kết với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Trong mô hình này, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ chịu trách nhiệm phát triển công nghệ quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Nhà nước. Nếu công nghệ lưỡng dụng, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ nghiên cứu, chuyển giao phần công nghệ có thể phát triển thành công nghệ dân sự cho doanh nghiệp dân sinh. Doanh nghiệp dân sinh này sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và kinh doanh sản phẩm này.

Theo VCCI, mô hình này có điểm thuận lợi là chuyên môn hoá hoạt động của các doanh nghiệp liên quan.

Theo Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ Quốc phòng đề xuất 5 nhóm chính sách.

Một là, nhóm sách sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Hai là, hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc pòng, công nghiệp an ninh.

Ba là, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Bốn là, huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Năm là, mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức động viên công nghiệp.

"Cần tổng kết mô hình Tập đoàn kinh tế của Viettel"
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổng kết mô hình Viettel sau 30 năm thực hiện, rút ra các bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư