Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 14 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất đầu tư 195 tỷ đồng để sửa chữa gấp mặt cầu Thăng Long
Anh Minh - 14/06/2019 16:53
 
Kinh phí để sửa chữa đột xuất và sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) trong 2 năm 2019 – 2020 sẽ được lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.
Được biết, từ cuối năm 2009 đến nay, mặt cầu Thăng Long đã nhiều lần hư hỏng và phải sửa chữa.
Được biết, từ cuối năm 2009 đến nay, mặt cầu Thăng Long đã nhiều lần hư hỏng và phải sửa chữa.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng bằng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Tổng mức đầu tư Dự án nhóm B này vào khoảng 195 tỷ đồng, trong đó chi phí sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông trong năm 2019 là 15 tỷ đồng và 180 tỷ đồng chi phí phục vụ sửa chữa toàn bộ mặt cầu trong năm 2020.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nằm trên đường vành đai III, được hoàn thành vào năm 1985, là một trong những tuyến đường nối Tp.Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía Bắc. Phần cầu chính vượt sông dài 1.680 m, gồm 15 nhịp dầm théo, tạo thành 5 liên dầm liên tục có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1 m, rộng 17 m. Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5 m, phần đường ô tô rộng 16,5 m cho 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hai bên 2 m. Mặt cầu phần đường ô tô gồm bản thép dày 14 mm có các sườn tăng cường, lớp chống thấm và dính bám trên bản thép bằng keo đặc biệt (lớp Xlamor) sau đó cài đá dăm tạo liên kết và thảm bê tông nhựa lên trên.

Đến năm 2009, sau 25 năm khai thác, mặt đường ô tô trên cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp và được đầu tư sửa chữa các hạng mục: mặt đường trên cầu, khe co giãn, đường ô tô phía dưới. Trong đó, phần mặt đường trên phần dầm thép được cào bóc thay thế bằng màng chống thấm Elimitor và thảm bê tông nhựa SMA dày 5 cm. Sau một thời gian sử dụng, các hạng mục được khai thác tốt trừ phần mặt đường trong phạm vi dàn thép bị hư hỏng.

Năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai thí điểm công tác sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng của lớp phủ mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ của hãng Hall Brother (Hoa Kỳ) gồm việc bóc bỏ lớp bê tông nhựa mặt cầu; tưới vật liệu dính bám Novabon và thảm bê tông nhựa polyme dày 7 cm. Hiện nay, mặt cầu đã lại bị hư hỏng do lớp bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép, xô dồn, nứt ngang mặt cầu dạng parabol và lớp mặt bê tông nhựa bị nứt tập trung ở trên thanh dọc giàn chủ và một số nứt tại khu vực sườn tăng cường do lưu lượng, tải trọng vượt so với thiết kế ban đầu; bản trực hướng không đủ khả năng chịu tải trọng khai thác hiện tại.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, áp lực giao thông đối với cầu Thăng Long sẽ còn tăng lên do đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long đang gấp rút thi công và sẽ hoàn thành vào tháng 10/2030. Vì vậy, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long là hết sức cấp thiết và cấp bách, nhằm nâng cao năng lực của toàn tuyến vành đai III Hà Nội, đồng thời đảm bảo an toàn khai thác cho công trình cầu huyết mạch này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư