Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Đề xuất lập quỹ chung Liên minh Du lịch liên khu vực Đông Á
Hồng Hạnh - 04/11/2022 09:23
 
Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á đã được nâng tầm thành Liên minh Du lịch liên khu vực Đông Á. Để hợp tác trong thời gian tới đi vào thực chất, hiệu quả hơn, các chuyên gia đề xuất lập quỹ chung của Liên minh.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ giúp ngành du lịch phát triển bền vững
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ giúp ngành du lịch phát triển bền vững

Hợp tác ba nhà

Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) được thành lập năm 1999 tại Gangwon (Hàn Quốc), thành viên chính thức gồm chính quyền các địa phương trong khu vực Đông Á có mong muốn đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp du lịch của mình thông qua hợp tác quốc tế.

Tại EATOF lần thứ 17 năm 2022, tổ chức tại Quảng Ninh mới đây, lãnh đạo các tỉnh thành viên đã cùng ký kết Tuyên bố chung Đại hội đồng EATOF lần thứ 17, thống nhất nâng tầm EATOF thành “Liên minh Du lịch liên khu vực Đông Á” (East Asia Inter - Regional Tourism Federation) nhằm thúc đẩy hợp tác để cùng nhau phục hồi cũng như định hướng tương lai cho ngành kinh tế xanh.

Bày tỏ kỳ vọng về bước tiến quan trọng này, ông Kim Jin-Tae, Tỉnh trưởng Gangwon mong muốn EATOF sẽ mở ra một mô hình mới cho ngành kinh tế xanh phát triển, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Chia sẻ giải pháp để hợp tác trong EATOF hiệu quả và thực chất hơn, PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đề xuất thành lập quỹ chung của các thành viên EATOF để nghiên cứu và phân tích dữ liệu về du lịch phục vụ việc hoạch định, ban hành các chính sách phát triển du lịch. Đồng thời, thành lập diễn đàn giữa các trường đào tạo về du lịch của các thành viên EATOF nhằm trao đổi công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập...

Theo ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các công ty lữ hành có vai trò quan trọng và mỗi người làm du lịch cần đóng vai trò như một người quản lý di sản, tạo nguồn thu để có nguồn tái đầu tư cho bảo tồn và phát huy di sản. Làm được điều này, du lịch sẽ phát triển bền vững.

Cùng với đó, tổ chức các famtrip với sự tham gia của đại diện chính quyền các thành viên EATOF, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch để thúc đẩy du lịch xanh, du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội trong khu vực.

Chia sẻ về xu hướng tương lai du lịch trong bối cảnh bình thường mới và định hướng của EATOF để thúc đẩy sự hồi phục của du lịch quốc tế, ông Long nhấn mạnh về hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và trường đào tạo trong phục hồi và phát triển du lịch. Ông cho rằng, EATOF cần tập trung vào vai trò của khu vực công, tư nhân, trường đại học và quan hệ nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học.

Thực tế cho thấy, Covid-19 đã giáng đòn chí mạng trực diện vào ngành kinh tế xanh. Trong khi đó, du lịch lại là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành cao, khi du lịch “hắt hơi”, các ngành khác “đau đầu” theo. Do đó, ông Long đề xuất Nhà nước cần đóng vai trò định hướng, điều phối, hướng dẫn phát triển ngành du lịch; cung cấp dịch vụ thiết yếu, dịch vụ giao thông vận tải, chính sách quản lý du lịch, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Các doanh nghiệp khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ cơ bản, dịch vụ vận tải, nhà hàng, điểm tham quan, vui chơi giải trí... Khối trường học sẽ cung cấp nguồn nhân lực cho ngành du lịch, tư vấn về điểm đến, tư vấn quy hoạch phát triển du lịch cấp quốc gia và địa phương.

“Sự hợp tác ba bên (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường) sẽ giúp cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng, mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro, nâng cao doanh thu và các lợi ích kinh tế khác. Hợp tác được các bên này thì việc thực hiện những dự án sẽ khả thi hơn, hoạch định chính sách hiệu quả hơn”, ông Long nói.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Bên cạnh yếu tố nguồn lực, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc cân bằng giữa tiếp thị du lịch di sản và giáo dục các cộng sự du lịch cũng như khách du lịch về tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị di sản trong EATOF cũng rất quan trọng.

Nhận định du lịch Việt Nam nói riêng, các thành viên EATOF nói chung đang phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng, ông Christian Manhart nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng để cân bằng giữa bảo tồn các giá trị của di sản và phát triển du lịch; hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu với các di sản; xem xét lại tính bền vững và phát triển du lịch dựa vào các di sản thế giới.

“Phải tính toán được tính chống chịu của di sản trước sự phát triển, hình thành các sản phẩm thiên về trải nghiệm, bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản trong quá trình phát triển. Phát triển du lịch một cách có chọn lọc thay vì đại trà, theo đám đông. Hỗ trợ cộng đồng, nâng cao năng lực trong chia sẻ các kỹ năng quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển”, ông Christian Manhart nhấn mạnh và dẫn chứng, di sản thế giới Hội An (Việt Nam) là điển hình cho việc thông qua mối quan hệ đối tác công - tư để phát triển du lịch xanh, bền vững. Do đó, cần thông qua các diễn đàn như EATOF để chia sẻ kinh nghiệm phát triển, các mô hình tốt, phát huy điểm mạnh; chia sẻ kiến thức, việc hoạch định chính sách phát triển du lịch giữa các quốc gia.

Cùng với đó, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, du lịch bền vững cần mang tính sáng tạo, tích hợp xu hướng mới, lấy cộng đồng địa phương là trung tâm quản lý du lịch. Phải tạo tiền đề bảo tồn các di sản phi vật thể, phát huy giá trị cộng hưởng của hợp tác công - tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Vì thế, EATOF cần tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa cạnh tranh hơn thông qua việc bảo tồn văn hóa trong phát triển du lịch, khai thác các điểm đến chưa quá nổi tiếng để giảm tải cho các điểm đến trung tâm.

Tái thiết du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông
Tái thiết ngành du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông là vấn đề đang đặt ra. Theo đó, cần tư duy lại về du lịch, chú trọng quảng bá sản phẩm và quản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư