Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức 4.000 đồng/lít xăng
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+) - 23/02/2018 14:35
 
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Theo dự thảo, các mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của Luật. Cụ thể, xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, lên mức trần 4.000 đồng/lít so với hiện nay. Các mặt hàng dầu còn lại đều tăng từ 500 - 1.100 đồng/đơn vị tính, cũng kịch mức trần quy định, như dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn đều có chung mức thuế là 2.000 đồng/lít, kg.

Túi nilon cũng đề nghị tăng tối đa là 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, các mặt hàng than đá như than nâu, than mỡ... cũng được đề xuất tăng thuế suất lên từ 15.000-30.000 đồng/tấn.

Lý giải về việc đề xuất tăng thuế xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, ngay cả khi không sử dụng. Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%.

Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%. Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi nêu trên thì số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt.

Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Do đó, để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Bộ Tài chính cũng cho rằng việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các loại hàng hóa theo đề xuất nêu trên là phù hợp với khung thuế bảo vệ môi trường và các nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Mặc dù việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa sẽ tác động đến giá bán của các hàng hóa, tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (xăng E5, túi nilon thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, góp phần vào thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết này từ ngày 1/7/2018.

Quan điểm của Chính phủ về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000/lít xăng
Việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 3.000 - 8.000 đồng/lít hiện mới đang trong quá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư