Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Đến năm 2045, Việt Nam sẽ góp mặt trong danh sách hợp tác xã tiêu biểu trên thế giới
Nguyễn Linh - 25/07/2024 08:36
 
Hiện tại, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, trong đó có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và số còn lại là các hợp tác xã kinh doanh và dịch vụ.

Trong số này, khoảng 10% (tức khoảng 2.000) hợp tác xã đang ứng dụng công nghệ cao, và khoảng 2.200 hợp tác xã đã thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp. Đây là những con số đáng khích lệ, tuy nhiên chưa có nhiều khởi sắc.

Các hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam đang tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản, đồng thời tăng cường quy trình sản xuất an toàn và giảm giá thành. Đây là xu hướng phát triển tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của ngành nông nghiệp nước nhà.

Những trang thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng giúp hợp tác xã khai thác tối đa năng suất và chất lượng dịch vụ.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về chuyển đổi số và áp dụng công nghệ vào phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã. Chỉ thị này đã có hiệu lực và đang thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong khu vực kinh tế tập thể của Việt Nam. Việc áp dụng khoa học và công nghệ không chỉ giúp các hợp tác xã nông nghiệp tăng năng suất mà còn giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết trong 2 năm qua, số lượng và quy mô hợp tác xã nông nghiệp trên đà tăng. Từ quy mô trung bình khoảng 170 thành viên mỗi hợp tác xã, hiện nay đã tăng lên hơn 200 thành viên. Tổng số thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp hiện là 3,85 triệu người. 

Tuy vẫn còn một số hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, nhưng đa số đã thể hiện đúng bản chất khi tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sẵn sàng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng lực.

Ngày 1/7/2024 vừa qua, Luật Hợp tác xã 2023 chính thức có hiệu lực, Luật này đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phát triển hợp tác xã. Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết hiện nay Việt Nam đã phát triển các mô hình hợp tác xã thanh niên và phụ nữ. Khi Luật Hợp tác xã 2023 mở rộng chính sách hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực hợp tác xã. Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ có ít nhất một hợp tác xã nằm trong số 300 hợp tác xã tiêu biểu trên thế giới.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là tỉnh Đồng Tháp, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với nhiều đơn vị, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực vận dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và chuyển đổi số. 

Ông Lưu Thanh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Khoa học Kỹ thuật Trung Hải chia sẻ rằng Công ty đã đưa các giải pháp công nghệ vào sơ chế, bảo quản nông sản, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cây trồng đến với nông dân Đồng Tháp, giúp các hợp tác xã vận dụng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp cho biết, tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 195 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tăng cường quy trình sản xuất an toàn và giảm giá thành, được người dân tích cực hưởng ứng. 

Đáng chú ý, những hộ sản xuất cây ăn trái đã nhận thức tích cực về việc cần tham gia vào hợp tác xã để nâng cao năng lực sản xuất, dễ dàng tiếp cận công nghệ, số hóa và tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.

Tương tự, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Đa Phúc (Quốc Oai, Hà Nội) cũng là một trong những điểm sáng của kinh tế tập thể tại địa phương nhờ chủ động sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển và ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Đa Phúc cho biết, sở dĩ hiệu quả sản xuất chưa cao nên hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới, chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài việc đầu tư trang thiết bị đúng chuẩn, hợp tác xã còn tiến hành thay mới hệ thống công tơ điện bằng loại đồng hồ điện tử mới nhất có 2 bộ nhớ, qua đó giúp tăng tuổi thọ đồng hồ và tính chỉ số điện năng chính xác hơn cho người dân.

Đồng thời, hợp tác xã còn đưa vào thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên. Đặc biệt, những trang thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng giúp hợp tác xã khai thác tối đa năng suất và chất lượng dịch vụ, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quản lý và sản xuất nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể và hiệu quả từ phía Nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, thị trường… cũng là yếu tố để trong tương lai Việt Nam sẽ góp mặt trong số các hợp tác xã tiêu biểu trên thế giới.

Từ 1/7/2024, Luật Hợp tác xã chính thức có hiệu lực
Từ ngày 1/7/2024, Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực, một trong những điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2023 là đã chú trọng đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư