Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 09 năm 2024,
Dẹp nạn “cò” bệnh viện
D.Ngân - 09/07/2023 13:23
 
Nạn “cò” tại các bệnh viện luôn là vấn đề nóng của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của trung ương và Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN

"Cò” bệnh viện đã trở thành vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm nay ở Hà Nội, đặc biệt là ở các bệnh viện lớn, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. 

Các "cò" bệnh viện thường xuyên trục lợi dựa vào sự quá tải của các cơ sở y tế.

Tuy nhiều năm nay các bệnh viện phối hợp với lực lượng Công an trong việc xử lý “cò” nhưng hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn nổi lên nhiều, gây ám ảnh, phẫn nộ cho người bệnh, làm xấu hình ảnh văn minh của Thủ đô.

Qua tìm hiểu được biết, mỗi bệnh viện sẽ có những quy trình khám bệnh khác nhau nhưng hầu hết khi người bệnh đến khám sẽ có 2 sự lựa chọn là khám bệnh theo bảo hiểm y tế và khám bệnh theo yêu cầu. 

Vì vậy, bệnh nhân sẽ phải lấy số thứ tự để vào các ô cửa phù hợp. Lợi dụng điều đó, nhiều dịch vụ khám nhanh cũng đã nở rộ, thậm chí công khai chèo kéo trước cổng bệnh viện.

Theo đó, với những con mắt quan sát sắc bén, mỗi khi thấy người bệnh- người dân từ các tỉnh lẻ tới cổng là đội ngũ "cò" lao đến lôi kéo người bệnh với chiêu bài: “khám nhanh”, “khám Giáo sư”, “khám trưởng khoa” nhưng thực chất lại lừa dẫn họ đi tới phòng khám tư nhân thực hiện nhiều xét nghiệm tới hàng triệu đồng. 

Nhiều bệnh viện lớn cũng đau đầu tìm biện pháp xử lý “cò” nhưng chưa bệnh viện nào dám khẳng định nhân viên của bệnh viện không “bắt tay” với “cò”. 

Ngoài ra, "cò" tổ chức theo nhóm, trà trộn, tiếp cận thân nhân người bệnh để phát danh thiếp, tờ rơi, trao đổi số điện thoại nhằm câu kéo sử dụng xe cứu thương; đe dọa, chèn ép người bệnh, người nhà dùng xe cứu thương. 

Các đối tượng đậu xe ô tô trước cổng hoặc vào khuôn viên bệnh viện dưới danh nghĩa xe nhà, xe từ thiện để lôi kéo người bệnh lên xe.

“Cò” còn tổ chức thành nhóm gây mất an ninh, trật tự, la mắng, đe dọa, hành hung nhân viên bảo vệ. Những người này quay clip vu khống các đội xe cứu thương chính thống hoặc của đơn vị được cấp phép hoạt động, tung thông tin sai lệch, gây mất uy tín, hình ảnh của bệnh viện.

Các đối tượng cung cấp hình ảnh không đúng với thực tế, hoặc chở người bệnh đi một đoạn rồi đổi sang xe khác cũ kỹ, kém chất lượng hơn rất nhiều.

Qua tìm hiểu phóng viên đượ biết, số tiền "dịch vụ" kiếm được của cò mồi trung bình mỗi ngày có thể lên tới cả triệu đồng. 

Gần đây, tại một số bệnh viện như Bệnh viện K và Bệnh viện Tim Hà Nội, người dân phải xếp hàng từ 2-3h sáng. Có bệnh nhân phải đến trước 3 tiếng chờ đến giờ phát số nhưng số thứ tự lên tới cả vài trăm.

Sở dĩ có tình trạng này là do có nhiều cò mồi ngang nhiên hoạt động trong bệnh viện, lấy số để bán cho người khám bệnh có nhu cầu được khám sớm.

Không chỉ giúp "khách hàng" được "đặc cách" để lấy "số ưu tiên", "cò" còn hứa hẹn "chen chân" vào bất cứ khu vực nào ở bệnh viện, thậm chí mời chào rất chuyên nghiệp.

Ban Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, sau khi rà soát đã phát hiện nhiều người là xe ôm, người bán nước đã tự động vào lấy số từ máy tự động, sau đó bán lại cho các bệnh nhân đến muộn.

Mặc dù ngành Y tế, các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp vấn nạn "cò" tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nhưng thực tế cho thấy, tình trạng này vẫn tái diễn tại nhiều nơi với những thủ đoạn tinh vi, khó lường.

Điều đáng chú ý, khi chế tài để xử lý nạn cò mồi còn quá nhẹ. Hành vi này chỉ bị quy là gây rối trật tự công cộng nên mức xử phạt hành chính chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng, không đủ sức răn đe.

Trước tình trạng nêu trên, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương trước thông tin phản ánh về tình trạng “cò xếp lốt” tại một số bệnh viện tuyến cuối khiến người dân bức xúc.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Xử lý nghiêm minh các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến hiện tượng “cò xếp lốt" khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc nếu có vi phạm”, công văn nêu rõ.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị các bệnh viện phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm nội dung Quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát việc triển khai quy trình khám bệnh theo hướng của Bộ Y tế để bảo đảm rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. 

Trong đó, có việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và khám bệnh, hẹn khám trực tuyến, đăng ký khám theo khung giờ…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư