Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ĐHĐCĐ Bảo hiểm Quân đội: Lợi nhuận kế hoạch tăng 35%, CEO hứa vào top 4 thị phần
Thanh Thủy - 21/04/2022 15:04
 
Cùng kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, MIC lên kế hoạch tăng vốn thêm 35%, bao gồm phương án phát hành cổ phiếu chia cổ tức và phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhân viên.
.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC)  tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Tham vọng vào top 4, lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 35%

Ngày 21/4, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với sự tham dự của 54 cổ đông đại diện 77,68% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Năm 2021, MIC ghi nhận tổng doanh thu 4.231 tỷ đồng, tăng trưởng 23,3%, trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 3.932 tỷ đồng tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ, gấp 6 lần so với bình quân thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, vươn lên vị trí top 5 về thị phần.

Lợi nhuận trước thuế đạt 281 tỷ đồng tăng trưởng 16,1%. Tỷ lệ bồi thường trách nhiệm giữ lại là 32,9%, thấp hơn so với tỷ lệ bồi thường bình quân của thị trường là 40%. Tỷ lệ chi phí kết hợp đạt 96,7%. ROE đạt 13,6% thuộc top đầu trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

Trong giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu phí bảo hiểm của MIC đã tăng trưởng bình quân 19,6%/năm, tổng tài sản tăng trưởng bình quân 21,6% đạt 6.567 tỷ đồng. Năm 2021, thị phần bảo hiểm vươn lên top 5 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

.
Kết quả kinh doanh Bảo hiểm Quân đội giai đoạn 2017-2021

Theo phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức năm 2021 là 15% bằng cổ phiếu, trong khi cổ tức hai năm liền trước đều ở mức 10%.

Năm 2022, MIC hướng đến mục tiêu top 4. Doanh thu bảo hiểm tăng tối thiểu 40%, lợi nhuận tăng tối thiểu 35%. Tỷ lệ bồi thường tiếp tục duy trì 32%, cổ tức tối thiểu 10%.

Trong quý I/2022, doanh thu bảo hiểm gốc hơn 1.247 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 85 tỷ đồng tăng trưởng 82% so với cùng kỳ, nhờ việc tăng trưởng doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí. Kênh bảo hiểm số đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu với mức tăng ấn tượng 5 lần so với cùng kỳ, chiếm 20% doanh thu.

Trước kế hoạch tham vọng trên, một cổ đông đặt câu hỏi tới ban lãnh đạo công ty về khả năng hiện thực hoá kế hoạch khi thực tế lợi nhuận kế hoạch nhiều doanh nghiệp bảo hiểm năm nay đi lùi và mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tối thiểu 40% năm ngoái đã không đạt được. Ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch HĐQT MIC tự tin với kế hoạch đề ra, thậm chí, hứa MIC sẽ vượt qua Bảo Minh để vào top 4 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo ông Hưng, doanh thu phí bảo hiểm gốc quý I của MIC chỉ còn thiếu 20 tỷ đồng sẽ vượt Bảo Minh và sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách trong quý II.

Để đạt mục tiêu lợi nhuận, MIC sẽ giảm tỷ lệ chi phí kết hợp. Cụ thể, với chi phí bồi thường, MIC đang thay đổi từ hình thức bồi thường phân tán sang tập trung, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, số hoá toàn bộ quy trình bồi thường. Đồng thời, công ty cũng tiết giảm chi phí bán hàng.

“Năm nay có sự bứt phá bởi đã có chiến lược được tư vấn PwC trong giai đoạn 2022-2027. Thông thường khi quý I đã hoàn thành 22% kế hoạch, công ty chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra bởi quý IV mới thường là quý mang về lợi nhuận lớn nhất trong năm”, ông Hưng cũng nhấn mạnh.

Tăng vốn điều lệ thêm 35% lên 1.930,5 tỷ đồng

Cũng tại đại hội năm nay, MIC trình cổ đông phương án tăng vốn tới 35%, từ 1.430 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng, thông qua ba đợt phát hành.

Cụ thể, MIC phát hành 21,45 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 15 muộn nhất sẽ hoàn tất vào quý IV. MIC sẽ phát hành 25,74 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phân phối quyền mua 115:18.

Đợt phát hành sẽ thực hiện sau khi hoàn thành trả cổ tức. HĐQT cũng đề nghị phát hành 2,86 triệu cổ phiếu ESOP với giá bán 10.000 đồng. Cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng, đối tượng mua và thời gian hạn chế chuyển nhượng được HĐQT quyết định.

Theo ban lãnh đạo công ty, việc bổ sung vốn sẽ giúp MIC tăng mức giữ lại đối với các họp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, giúp tăng lợi nhuận; nâng cao năng lực đấu thầu đặc biệt với các dự án lớn, đòi hỏi quy mô vốn lớn, tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, tăng năng lực tài chính của MIC.

Cùng đó, tăng vốn cũng sẽ giúp MIC đảm bảo tuân thủ quy định về biên khả năng thanh toán, tăng năng lực hoạt động phục vik cjp giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đòi hỏi bổ sung vốn để đầu tư cho nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, các dự án công nghệ, dự án chuyển đổi.

Cũng tại cuộc họp, MIC trình cổ đông chủ trương tìm kiếm đối tác chiến lược, bao gồm cả việc các nhà đầu tư chiến lược khi nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội - cổ đông lớn nhất đang sở hữu 68,37% vốn của MIC cho biết đã có vài đối tác nước ngoài đến đặt vấn đề làm đối tác chiến lược của MIC trong năm 2021. Tuy nhiên, Tổng công ty chưa chấp nhận do mức giá đàm phán chưa cao, chưa đạt quyền lợi cổ đông; các điều kiện đề xuất chưa phù hợp với yêu cầu phát triển và tiêu chuẩn tìm kiếm đối tác chiến lược. Chủ tịch MB kỳ vọng với tình hình trên, MIC sẽ có đối tác chiến lược mới trong năm 2022 này.

Trả lời câu hỏi cuả cổ đông về phương án tìm kiếm đối tác cụ thể, Chủ tịch Uông Đông Hưng cho biết tỷ lệ và giá bán, đặc biệt về giá bán sẽ phù hợp và đảm bảo quyền lợi cổ đông. Mức cụ thể hiện chưa được ban lãnh đạo của tổng công ty cho hay.

Năm 2022 năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới đối với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cũng là năm đánh dấu mốc 15 năm phát triển của MIC. ĐHĐCĐ đã bầu 5 thành viên HĐQT, trong đó có một Thành viên HĐQT độc lập; và 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ông Uông Đông Hưng tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

HĐQT Bảo hiểm Quân đội nhiệm kỳ 2022-2027
HĐQT Bảo hiểm Quân đội nhiệm kỳ 2022-2027
Cạnh tranh bảo hiểm phi nhân thọ thêm nóng
Dù là lĩnh vực hấp dẫn, nhưng doanh thu tăng trưởng thấp các năm gần đây khiến cạnh tranh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ sẽ khốc liệt hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư