Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
ĐHĐCĐ PV Power: Giảm tỷ trọng đầu tư dự án thủy điện Luang Prabang, hơn 5.000 tỷ đồng công nợ tồn đọng
Thanh Thủy - 12/06/2020 09:47
 
Tổng giám đốc Lê Như Linh cho biết, mục tiêu chính trong năm 2020 là xử lý dứt điểm công nợ, phấn đấu là DN đầu tiên vận hành nhà máy sử dụng điện khí LNG.

Sáng ngày 12/6, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower, mã POW) cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tại Hà Nội. Cách đây một năm, số lượng các cổ đông đến dự đại hội chưa đến 100 người. Nhưng tại kỳ đại hội này, hội trường hơn 200 chỗ ngồi tại Tòa nhà Viện Dầu khí tại Hà Nội đã sớm được lấp đầy.

Sau gần một năm rưỡi niêm yết trên HoSE (từ tháng 1/2019), khối lượng giao dịch cổ phiếu POW của doanh nghiệp này đã tăng từ mức quanh triệu cổ phiếu mỗi phiên lên bình quân 6,5 triệu cổ phiếu bình quân 10 phiên gần đây. Cổ đông lớn nhất của PV Power hiện vẫn là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ sở hữu gần 80%, nhưng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm đáng kể trong năm qua.

.
PV Power tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sau năm đầu tiên hoạt động trọn vẹn dưới hình thức CTCP - Anh: Thanh Thủy

Chủ tịch Hồ Công Kỳ: “PV Power là doanh nghiệp đầu tiên được phê duyệt dự án điện LNG”

Chủ tịch HĐQT Hồ Công Kỳ cho biết năm 2019 là năm đầu tiên PV Power hoạt động trọn vẹn dưới hình thức công ty cổ phần, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ảnh hưởng trực tiếp  đến hoạt động kinh doanh, phải chạy dầu trong nhiều giai đoạn cao điểm.

Năm 2019, doanh thu toàn tổng công ty vượt 10% kế hoạch và cao hơn 8% so với năm 2018. Sản lượng huy động điện tăng bởi cả hệ thống điện thiếu hụt điện năng, do đó tổng sản lượng điện năm vừa rồi đạt 22.542 triệu kWh.

PV Power thu về 2.855 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 25% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.940 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch. Với kết quả này, tổng công ty trình cổ đông chi trả cổ tức 3%, tương đương 702,6 tỷ đồng.

Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch PV Power trình cổ đông kế hoạch 2020 với tổng sản lượng điện sản xuất cả năm 2020 ở mức 21.600 triệu kWh (6 nhà máy), tổng doanh thu gần 35.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.044 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với năm 2019.

Nguyên nhân tổng công ty đề ra kế hoạch thận trọng là bởi  đánh giá bối cảnh nguồn khí ngày càng suy giảm việc cân đối nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện cũng là vấn đề; chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày một lớn; trong khi nhiều Dự án đầu tư mới đòi hỏi nhu cầu vốn và nguồn lực lớn để đảm bảo tiến độ.

Ở kỳ đại hội lần này, Tổng công ty đã trình cổ đông hai dự án nhà máy điện LNG và hợp đồng mua bán khí bổ sung. Nhấn mạnh trong phát biểu khai  mạc đại hội, ông Hồ Công Kỳ cho biết PV Power là doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất các thủ tục dự án điện LNG.

Theo báo cáo của công ty, đến ngày 13/5/2020, Bộ Tài nguyên Môi trường đã phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4. Tổng mức đầu tư của hai dự án điện khí LNG này là 32.481 tỷ đồng (1,397 tỷ USD). Nguồn vốn tài trợ dự án sẽ gồm 25% vốn tự có (PV Power góp toàn bộ vốn) và 75% vốn đi vay. Dự kiến, hai dự án sẽ được phê duyệt vào tháng 6/2020 và vận hành thương mại lần lượt vào quý IV/2023 (nhà máy Nhơn Trạch 3) và quý II/2024 (nhà máy Nhơn Trạch 4).

Đề đạt tỷ suất hoàn vốn nội tại tài chính ở mức tối đa, giá điện trung bình toàn đời sống dự án Nhơn Trạch 3&4 là 8,85 UScents/kWh và 10,18 UScents/kWh nếu tính thêm yếu tố trượt giá.

Liên quan đến nguồn khí đầu vào, PVPower đã làm việc với PV Gas để bổ sung thêm nguồn khí từ ỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt. Đồng thời, tổng công ty dự kiến mua bổ sung thêm nguồn khí của Petronas (Malaysia) để bổ sung thêm nguồn khi cho nhà máy điện Cà mau 1 &2.

Đã thu hồi hơn 2.000 tỷ đồng nợ

Ông Vũ Quốc Hải, Trưởng Ban Kiểm soát PV Power, cho biết khoản nợ phải thu của PV Power là vấn đề lớn mà công ty đang tập trung giải quyết. Đến cuối năm 2019, giá trị nợ phải thu, chủ yếu là thu hồi công nợ điện từ EVN/EPTC, đã giảm từ 7.000 tỷ đồng xuống còn 5.000 tỷ đồng.

“Đến cuối năm trước, số nợ phải thu quá hạn tại PV Power lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng công ty đã làm việc với các bộ ngành để tập  trung giải quyết”, ông Hải cho hay.

Báo cáo thêm vào các dự án đầu tư của PV Power, ngoài hai dự án Nhơn Trạch 3&4, ông Hải cho biết dự án Luang Prabang tại Lào đã có tiến triển mới. Cụ thể, vào ngày 5/6/2020, Thủ tướng đã đồng ý cho EVN và PV Power góp vốn tối thiểu với tỷ lệ 10% và có thể đẩy lên 12%, xây dựng tờ trình dự án để báo cáo Quốc hội và Bộ Chính trị thông qua trong thời gian sớm nhất. 

Cũng tại đại hội, Tổng giám đốc Lê Như Linh cho biết mục tiêu chính của PV Power trong năm 2020 này là xử lý dứt điểm công nợ, phấn đấu trở thành doanh nghiệp đầu tiên đưa vào vận hành nhà máy sử dụng điện khí LNG. Công ty cũng dự kiến thành lập công ty năng lượng tái tạo với vốn điều lệ 60 tỷ đồng. 

Ban lãnh đạo công ty cũng bỏ ngỏ khả năng có thể điều chỉnh linh hoạt kế hoạch kinh doanh năm 2020 nhưng vẫn cam kết giữ chỉ tiêu lợi nhuận. Theo ông Linh, bản kế hoạch năm 2020  đã được tổng công ty xây dựng cuối năm 2019 với giả định giá dầu 60 USD/oz, nguyên liệu cho các nhà máy điện (than, khí…) được cung cấp đầy đủ. Nhu cầu điện dự kiến khi xây dựng bản kế hoạch là tăng trưởng 12-14%, trong khi thực tế năm nay có thể tăng trưởng thấp hoặc đi ngang.

Nửa đầu năm hoàn thành 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Các tờ trình đều được đại hội thông qua. Trong khuôn khổ phiên thảo luận,nhiều vấn đề đã được các cổ đông PV Power đặt ra với chủ tọa trong cuộc họp thường niên này. Bốn vấn đề chính được tập trung xoáy sâu gồm hoạt động kinh doanh của PV Power, hiệu quả hoạt động, nguyên nhân tổn đọng và hướng xử lý các khoản phải thu và câu chuyện đầu tư. 

Trả lời cổ đông về kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2020, lãnh đạo PV Power cho biết lợi nhuận sau thuế đến nửa đầu năm ước đạt 1.553 tỷ đồng, vượt 34% so với kế hoạch đề ra và hoàn thành 76% mục tiêu cả năm. Nhưng tổng doanh thu mới chỉ hoàn thành 88% kế hoạch 6 tháng. Vị CEO của doanh nghiệp này cho biết giá nguyên liệu giảm đã kéo giảm mục tiêu doanh thu, trong khi lợi nhuận không bị ảnh hưởng.Dịch Covid-19 dù không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy điện do nhân lực tập trung tại chỗ 2-3 tuần để sản xuất.

Tuy nhiên, nhu cầu điện giảm sút nhiều, nhất là điện công nghiệp. Huy động điện của tất cả các nhà máy điện đều bị ảnh hưởng. Riêng một số nhà máy của PV Power như Cà Mau 1&2 không bị ảnh hưởng do được ưu tiên thu mua điện do nguồn khí đã mua về.

Một trong các vấn đề mà cổ đông chất vấn ban lãnh đạo công ty là câu chuyện cổ tức. Dù vượt kế hoạch tới 25%, cổ tức năm 2019  của PV Power vẫn duy trì ở mức 3%, bằng tiền mặt. Các cổ đông cho rằng hoạt động của một số công ty thủy điện, công ty con thành viên chưa thật sự hiệu quả, nhân sự sau cổ phần hóa chưa tinh gọn.

Phản biện lại ý kiến này, ông Hồ Công Kỳ cho rằng việc vận hành các nhà máy thủy điện cần cân đối giữa việc vận hành hồ chứa và đảm bảo nước cho hạ du. Tại thủy điện Hủa Na, kết quả kinh doanh đã có lãi nhưng đang trong giai đoạn trả nợ. Ông cũng cho rằng chỉ cần chờ 2-3 năm nữa  đây sẽ là con gà đẻ trứng vàng. 

Giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ cần tới 25.000 – 28.000 tỷ đồng tiền vốn đầu tư

Trong khi, tổng công ty cần vốn để đầu tư, việc PV Power đang bị đọng vốn với hơn nghìn tỷ đồng tại EVN cũng là điều các cổ đông “bức xúc” và bày tỏ trong đại hội.

Giải thích kỹ hơn về khoản này, PV Power cho biết nợ phải thu giữa PV Power và EVN trước đây từng có giai đoạn lên tới hơn chục nghìn tỷ đồng. Khoản công nợ lần này phát sinh từ tháng 2/2018 do EVN tự động thanh toán theo tỷ giá năm 2008 (tỷ giá phê duyệt trong tổng mức đầu tư). Trong khi nếu trả theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán, phần chênh lệch mỗi tháng lên đến 55-60 tỷ đồng.“Phía EVN đơn phương quyết định và đnag là bên nắm đằng chuôi”, Tổng giám đốc PV Power cho hay.

Được biết, tổng công ty đã báo cáo lên PVN, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và Thủ tướng. Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối hiện chưa có ý kiến nhừng kỳ vọng sẽ giải quyết vào tháng 6 này. Công nợ hơn 2.000 tỷ đồng thu hồi được trong những tháng đầu năm cũng là khoản phải thu của EVN nhưng liên quan đến việc quyết toán dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Việc thu xếp nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng với kế hoạch đầu tư khủng của PV Power.

Chỉ riêng hai dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3%4, tổng mức vốn đầu tư đã xấp xỉ 1,4 tỷ USD, trong đó 25% phải từ nguồn vốn tự có. Ngoài ra, với kế hoạch thành lập công ty năng lượng tái tạo, PV Power còn tham vọng đầu tư vào điện mặt trời tại mặt hồ, giàn khai thác, mái nhà trên toàn PVN. Thậm chí, với các dự án điện gió, PV Power với lợi thế “người dầu khí đi làm điện” có thể đặt giàn khoan ngoài biển.

Dự kiến chỉ làm khi có hiệu quả, đồng thời, ưu tiên trước cho điện khí LNG.Lãnh đạo công ty cho biết công ty năng lượng tái tạo dự kiến sẽ mời thêm cổ đông nước ngoài và tư nhân. PV Power sẽ nắm 51% vốn, đồng thời xây dựng cơ chế đặc cách để triển khai nhanh trong năm nay.

PV Power bổ sung nội dung hợp đồng mua bán khí với PV Gas
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV Power, mã POW, sàn HoSE) vừa vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về hợp đồng mua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư