Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Dịch bệnh dồn dập tấn công khi hè tới
Dương Ngân - 07/06/2022 07:52
 
Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não… là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát mạnh vào mùa hè.
Hiện đang có dịch tay chân miệng ở trẻ, phụ huynh cần hết sức cảnh giác
Hiện đang có dịch tay chân miệng ở trẻ, phụ huynh cần hết sức cảnh giác

Số ca mắc tăng cao

Theo thống kê, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện ghi nhận 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

TS. Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có các biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, việc truyền thông cần đi vào thực chất. Bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cũng cần xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức không thực hiện tốt các biện pháp ngành y tế đề ra, góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch.

Theo TS. Đỗ Thiện Hải, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Còn tại TP.HCM ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% số trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi. Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, cả nước ghi nhận 8.017 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp không qua khỏi.

Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc dịch sốt xuất huyết gia tăng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết. Năm nay do thời tiết miền Bắc vào giữa tháng 5 vẫn có những ngày lạnh, vì thế có thể dịch sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8, do vậy người dân tuyệt đối không được chủ quan.

Theo bác sỹ Nguyễn Thu Hường (Bệnh viện Thanh Nhàn), tại Bệnh viện đã bắt đầu tiếp nhận một số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, đáng chú ý, có một số trường hợp nguy kịch do chủ quan không nhập viện sớm.

Bác sỹ Hường cảnh báo, nhiều trường hợp nhập viện gần đây thường nhầm lẫn sốt xuất huyết với Covid-19. Khi có biểu hiện sốt, nhiều người nghĩ mình bị Covid-19 nên chủ quan, cho rằng đã tiêm vắc-xin chỉ 1-2 ngày sẽ đỡ. Thậm chí, có trường hợp test âm tính thì lại càng yên tâm hơn. Đây thực sự là vấn đề rất đáng cảnh báo, vì mắc sốt xuất huyết tiểu cầu giảm nhanh, nếu không được can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm.

Dịch sốt xuất huyết cũng đang hoành hành dữ dội tại TP.HCM. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 8.481 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 28% so cùng kỳ năm 2021), trong đó có 7 người chết.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.168 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 17,9% và số tử vong tăng 8 trường hợp.

 

Sai lầm cần tránh

Khi mắc sốt xuất huyết, cơ thể sẽ có kháng thể với chủng virus đặc hiệu gây bệnh, do đó, người bệnh có thể không mắc lại với chủng cũ, nhưng hoàn toàn có khả năng nhiễm các chủng khác.

Các bác sỹ khuyến cáo, khi thấy có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt rất cao, thậm chí trên 40 độ; đau mỏi người, đau cơ, xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội; chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa… thì người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm.

Chuyên gia cũng cảnh báo các thói quen khi mắc sốt xuất huyết như cạo gió, kiêng tắm, hạ sốt. Bác sỹ Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt xuất huyết thường xuất hiện những nốt đỏ như xuất huyết dưới da, do đó nhiều phụ huynh, nhất là gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thói quen cạo gió để hút bớt máu độc ra ngoài. Đây là hành động nguy hiểm vì có thể gây tình trạng chảy máu khó cầm, nhiễm trùng.

Việc kiêng tắm hoàn toàn là không nên, người bệnh vẫn có thể tắm gội với nước ấm, trong phòng kín gió để giữ vệ sinh thân thể. Khi bị sốt, người bệnh được lau người bằng nước ấm cũng là cách hạ sốt.

Ngoài ra, người bệnh mới phát hiện sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, ăn uống đa dạng, chú ý đồ dễ tiêu. Đặc biệt, khi bị sốt, người bệnh nên uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây, dung dịch điện giải Oresol.

Người lớn hay trẻ em có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, nhưng cần đúng liều lượng. Khi thấy những dấu hiệu như sốt cao không hạ, chân tay lạnh, vật vã, mệt mỏi li bì, đau bụng, nôn… cần lập tức đến cơ sở y tế.

Với bệnh tay chân miệng, đa số trẻ mắc sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng 8-10 ngày. Nếu chăm sóc không đúng cách hoặc trường hợp sốt cao kéo dài và nôn nhiều, trẻ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Các biến chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ 2 đến thứ 5, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Hai biến chứng nặng nhất của tay chân miệng cần đặc biệt lưu ý
Biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư