Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: POW "mất điện", NT2 và PPC "bừng sáng"
 
Càng về đến gần dịp nghỉ Tết Nguyên đán, giao dịch trên thị trường càng trở nên trầm lắng. Các chỉ số chủ yếu diễn biến giằng co với thanh khoản ở mức thấp. Các nhóm cổ phiếu theo đó cũng chỉ biến động nhẹ trong tuần, tuy nhiên vẫn có những mã tăng mạnh như PPC, TCM, VTP.

BVSC khuyến nghị tích cực đối với POW

Năm 2019, PV Power dự kiến sẽ tăng mạnh lợi nhuận sau thuế với mức tăng trên 50% cùng với đó thì doanh nghiệp sẽ chuyển sàn sang niêm yết HOSE từ đó sẽ thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư của quỹ đầu tư cũng như các quỹ ETF.

Sử dụng phương pháp định giá EV/EBITDA, BVSC đánh giá mức giá hợp lý của POW là 17.300 đồng/CP tương đương với mức EV/EBITDA là 6,8 lần.

Mức giá này cao hơn 16,1% so với mức giá tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE. Vì vậy, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu POW với mức giá mục tiêu là 17.300 đồng/CP.

Trong tuần này, POW chào sàn HOSE với giá tham chiếu 14.900 đồng/cổ phiếu, và đã tăng mạnh 4,7% lên 15.600 đồng, với thanh khoản cao với hơn 5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Tuy nhiên, 3 phiên tiếp theo cổ phiếu này chỉ biến động nhẹ với 1 phiên tăng, 1 phiên giảm, 1 phiên đứng tham chiếu, trước khi bị chốt lời vào phiên cuối tuần, mất 2,6% xuống 15.200 đồng.

BVSC duy trì khuyến nghị trung lập đối với NT2

NT2 là doanh nghiệp hoạt động tốt và thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó, NT2 được hưởng lợi nhờ EVN sẽ huy động nguồn điện từ các công ty nhiệt điện nhiều hơn và giá bán trên thị trường cạnh tranh có thể cao hơn do công suất lắp đặt tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ điện và điều kiện thủy văn bất lợi cho các công ty thủy điện.

Mặc dù giá khí đã bắt đầu có xu hướng giảm khá mạnh nhưng hệ số Qc cũng giảm dẫn tới kết quả kinh doanh của NT2 năm 2019 dự kiến chỉ tương đương với năm 2018.

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu NT2. Mức giá mục tiêu cho NT2 theo Phương pháp DCF là 23.900 đồng/CP, thấp hơn 8,77% so mức giá đóng cửa ngày 09/01/2019 là 26.200 VND/CP.

Trong tuần này, cổ phiếu NT2 giao dịch khá tích cực, với 3 phiên tăng (2%; 0,7%; 2%), một phiên đứng tham chiếu ngày đầu tuần và -2,6% trong phiên ngày thứ Sáu.

Thanh khoản không có nhiều đột biến, thậm chí còn suy giảm so với tuần trước, với trung bình khoảng hơn 0,3 triệu đơn vị khớp lệnh phiên.

Chốt tuần, cổ phiếu NT2 tăng từ 27.450 đồng lên 28.050 đồng, tương ứng +2,2%.

BSVSC khuyến nghị trung lập đối với PPC

PPC là doanh nghiệp ngành điện đã hết khấu hao và trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn với tỷ lệ cổ tức cao.

Bên cạnh đó, PPC được hưởng lợi nhờ EVN sẽ huy động nguồn điện từ các công ty nhiệt điện nhiều hơn và giá bán trên thị trường cạnh tranh có thể cao hơn do công suất lắp đặt tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ điện và điều kiện thủy văn bất lợi cho các công ty thủy điện.

Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý thêm về những thách thức như đã nêu ở phần cập nhật phân tích ngành phía trên.

Cùng với việc PPC đã tăng giá khá mạnh làm giảm tiềm năng tăng giá thì chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu PPC với mức giá mục tiêu theo phương pháp FCFF là 21.400 đồng/CP (tiềm năng tăng trưởng 12,93% so với mức giá đóng cửa ngày 01/09/2019 là 18.950 đồng/CP).

Trong tuần này, cổ phiếu PPC giao dịch lình xình tăng/giảm 1% trong 4 phiên đầu tiên, nhưng đã bất ngờ tăng mạnh 4,9% trong phiên cuối tuần sau khi báo cáo nhanh kết quả kinh dianh, thậm chí còn có thời điểm vươn lên sắc tím, với thanh khoản vượt trội gần 0,8 triệu đơn vị.

Theo đó,  trong quý IV/2018, PPC đạt doanh thu thuần 1.840 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và 277 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Lũy kế cả năm, PPC ghi nhận 1.449 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 44% và lợi nhuận sau thuế 1.155 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. So với kế hoạch lãi trước thuế 735,6 tỷ đồng, PPC đã hoàn thành gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra trong năm 2018.

Chốt tuần, PPC tăng từ 19.350 đồng lên 20.300 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,9%.

BSC: HDG sẽ điều chỉnh nhẹ sau khi hồi phục về ngưỡng 38

Cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) xác lập ngưỡng đáy tại vùng giá 32.5, sau khi hình thành mô hình 2 đỉnh trước vùng kháng cự 38.

Thanh khoản cổ tăng mạnh trong phiên hôm nay, vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy đà tăng vẫn có thể tiếp tục.

Chỉ báo RSI báo hiệu tín hiệu hồi phục trong khi chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tích lũy. Xu hướng vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu sắp tiến vào chu kỳ tích lũy khi MA20 cắt xuống MA50 trong giai đoạn tới.

Như vậy, HDG sẽ điều chỉnh nhẹ sau khi hồi phục về ngưỡng 38, rồi trở về ngưỡng hỗ trợ 34 và tích lũy trong vùng giá 34-36 trước khi hình thành xu thế mới.

Trong tuần này, cổ phiếu HDG giao dịch kém tích cực với phiên đứng tham chiếu đầu tuần và nhích nhẹ +0,6% trong ngày kế tiếp, trước khi giảm trong cả 3 phiên còn lại (-1,9%; -0,8%; -0,4%), với thanh khoản trung bình trên dưới 180.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, HDG giảm từ 36.200 đồng xuống 35.250 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,62%.

MBS khuyến nghị cổ phiếu VCB phù hợp thị trường

Chúng tôi duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường với giá mục tiêu 58.000 đồng dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư RI. Mức giá mục tiêu tương ứng P/B forward 2,3 lần (theo BVPS ước tính 2019 khoảng 25.242 đồng).

Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của VCB nhờ nguồn lực tài chính mạnh, tỷ trọng LDR thấp và quản trị rủi ro hiệu quả trong khi vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm trên 20% trong 5 năm tới.

Trong tuần qua, cổ phiếu VCB diễn biến lình xình, tăng giảm với biên độ hẹp với 2 phiên tăng nhẹ đầu tuần (0,2%; 1,1%), và 3 phiên giảm (-0,9%; -0,4%; -0,7%).

Thanh khoản cũng suy yếu theo thị trường chung, phiên cao nhất có hơn 1 triệu đơn vị, phiên thấp nhất có gần 0,5 triệu đơn vị.

Chốt tuần, VCB giảm nhẹ từ 55.300 đồng xuống 54.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,9%.

BSC: DIG sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng giá 14-15

Cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG) đang tích lũy trong vùng giá 14-15.

Thanh khoản cổ phiếu duy trì dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy xu hướng tích lũy mới chỉ bắt đầu.

Chỉ báo RSI báo hiệu tín hiệu điều chỉnh khi RSI chạm kênh Bollinger trên với thanh khoản thấp, trong khi chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tích lũy. Xu hướng vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu đang nằm trong giai đoạn tích lũy khi cả đường này đều đi ngang.

Như vậy, DIG sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng giá 14-15 trong trung hạn và điều chỉnh về vùng giá 14 trong ngắn hạn.

Trong tuần này, tin tức mới nhất về DIC là công ty này quyết định thoái vốn toàn bộ hơn 2,1 triệu cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư phát triển xây dựng Khoáng sản Miền trung với giá trọn lô hơn 3,57 tỷ đồng.

Cổ phiếu DIG biến động khá mạnh trong tuần, với 3 phiên tăng (2,9%; 2,2%; 1,6%) và 2 phiên giảm (-1,8%; -2,2%). Thanh khoản trồi sụt, với 3 phiên đầu có gần 2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên, nhưng 2 phiên còn lại chỉ trên dưới 0,8 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DIG tăng từ 15.550 đồng lên 15.950 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,57%.

BSC: VGC sẽ vượt ngưỡng 18.5 

Cổ phiếu của Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã VGC) đã kết thúc giai đoạn tích lũy ngắn sau khi hình thành mô hình 2 đáy tại mức giá 15. Thanh khoản cổ phiếu duy đã vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy xu hướng tăng giá đã bắt đầu.

Chỉ báo RSI báo hiệu tín hiệu ủng hộ nhịp hồi phục mạnh trong khi chỉ báo MACD cũng cho tín hiệu tăng khi đường này đảo chiều và hướng lên đường tín hiệu. Xu hướng vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu đang nằm trong giai đoạn hồi phục khi cổ phiếu hướng tới ngưỡng giá MA200.

Như vậy, VCG sẽ vượt ngưỡng vòng cổ 18.5 và hồi phục trở lại vùng kháng cự tại ngưỡng 21.4 tương đương với mức Fibonacci 61.8%.

Trong tuần này, cổ phiếu VCG giao dịch kém tích cực, với chỉ 1 phiên tăng duy nhất vào ngày đầu tuần (1,3%), sau đó liên tiếp 4 phiên mất điểm (-0,4%; -1,7%; -1,3%; -2,7%).

Thanh khoản phiên đầu tuần cũng là phiên tốt nhất với hơn 2,6 triệu đơn vị, phiên thấp nhất có 0,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt tuần, VCG giảm từ 23.100 đồng xuống 22.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -4,76%.

VCSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 61.400 đồng/cổ phiếu dành cho PLX

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) vừa công bố kết quả lợi nhuận sơ bộ 2018 với doanh thu đạt 190 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2017 và lợi nhuận trước thuế đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1%.

Doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ giá xăng tăng mạnh theo giá dầu, trong khi lý do khiến lợi nhuận tăng trưởng, theo chúng tôi, là nhờ vào sản lượng bán ra tại các trạm COCO tăng 5%-6%.

Kết quả lợi nhuận quý IV thấp (giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái) do giá dầu biến động mạnh. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận trước thuế sơ bộ đều lần lượt đạt 97% dự báo cả năm do chúng tôi đưa ra, phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 61.400 đồng/cổ phiếu dành cho PLX (dự báo tổng mức sinh lời 17,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,5%).

Tại giá đóng cửa phiên hôm nay, PLX hiện đang giao dịch tại mức P/E 2019 là 15,7 lần theo dự báo của chúng tôi.

Trong tuần này, cổ phiếu PLX mặc dù có thông tin về kết quả kinh doanh năm 2018 tăng trưởng, nhưng dường như không ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu, khi mà các phiên giao dịch đều chỉ biến động nhẹ, theo đó 2 phiên tăng nhẹ (0,4%; 0,7%) và 3 phiên giảm (-0,7%; -1,4%; -0,5%).

Thanh khoản cũng chỉ tương đương với tuần trước, khi trung bình có trên dưới 0,2 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, PLX giảm từ 55.300 đồng xuống 54.400 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,62%.

BVSC Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu PTB

Chúng tôi đánh giá tích cực triển vọng kinh doanh của CTCP Phú Tài (mã PTB) trong 2 năm tới khi hai lĩnh vực kinh doanh chính đều có tiềm năng tăng trưởng và gặp những điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng kinh nghiệm của ban lãnh đạo công ty sẽ giúp ích rất lớn cho việc mở rộng thị trường và gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp.

BVSC dự báo lợi nhuận của PTB có thể đạt 427 tỷ đồng và 526 tỷ đồng vào năm 2019 và 2020, tương ứng EPS là 8.790 đồng và 10.825 đồng, tăng 13% và 39% so với lợi nhuận 2018. Chỉ số P/E năm 2019 và 2020 dự báo đạt 6,7 lần và 5,5 lần.

Với những đánh giá trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu PTB với mức giá hợp lý là 79.000 đồng, tiềm năng tăng giá là 34%.

Trong tuần này, PTB đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với doanh thu hợp nhất hơn 4.709 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế 475,05 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch năm (475 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 418,6 tỷ đồng, tăng 16%.

Tuy nhiên, cổ phiếu này lại tỏ ra không hấp dẫn nhà đầu tư, thậm chí giao dịch còn có tới 4 phiên giảm (-0,3%; -0,5%; -0,5%; -0,9%), và duy nhất phiên giữa tuần xanh +0,2%. Thanh khoản giữ ở mức thấp, với khoàng trung bình 50.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, PTB giảm từ 59.100 đồng xuống 59.100 đồng xuống 57.900 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,03%.

BSC: PNJ sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 90 và xác lập mô hình hai đáy.

Thanh khoản phiên giao dịch dịch hôm nay tăng mạnh trở lại mức mức trung bình 20 phiên, cho thấy hoạt động bắt đáy diễn ra khá mạnh, đặc biệt vào cuối phiên.

Chỉ báo RSI duy trì xu hướng điều chỉnh và có thể tăng trở lại khi chạm vào kênh Bollinger dưới. Chỉ báo MACD ủng hộ xu hướng tích lũy đi ngang. Xu hướng vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu vẫn đang trong đà điều chỉnh ngắn hạn.

Như vậy, PNJ sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy trong vùng giá 90-100 trước khi hình thành xu hướng mới. 

Trong tuần qua, cổ phiếu PNJ chỉ có 1 phiên đứng tham chiếu vào ngày thứ Ba, còn lại 4 phiên đều giảm (-0,6%; -0,2%; 1,9%; -0,9%).

Thanh khoản thấp hơn tuần trước, với trung bình trên dưới 0,15 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Chốt tuần, PNJ giảm từ 92.500 đồng xuống 89.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -3,56%.

VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu SCS

Chúng tôi tiếp tục lạc quan về SCS nhờ (1) nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường hàng không tại Việt Nam cao; (2) SCS chỉ có một đối thủ trên thị trường, trong khi rào cản lớn khiến việc thâm nhập Sân bay Tân Sơn Nhất khó khăn và (3) công ty không cần nhiều vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đòn bẩy tài chính thấp và tỷ lệ chuyển đổi tiền mặt (cash conversion ratio) lên đến 90%.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 181.900 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 31,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,2%.

Trong tuần này, cổ phiếu SCS giao dịch không có quá nhiều điểm đáng chú ý, khi thanh khoản chỉ trên 10.000 đơn vị/phiên, với 2 phiên tăng (+2%; +1,1%), và 3 phiên giảm (-0,4%; -0,9%; -0,4%).

Chốt tuần, SCS tăng từ 140.500 đồng lên 142.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,42%.

VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vừa công bố kết quả lợi nhuận sơ bộ 2018.

Theo đó, doanh thu 2018 tăng 12,9% so với năm 2017 lên 3,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 100,5% dự báo cả năm của chúng tôi và lợi nhuận sau thuế tăng 16,5% lên 223 tỷ đồng, tương đương 104,8% dự báo của chúng tôi.

Các con số trên cho thấy lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 giảm mạnh 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của chúng tôi vì chúng tôi giả định TCM đã ghi nhận chi phí dự phòng lớn trong quý IV do một trong những khách hàng lớn của công ty là Sears phá sản.

Tuy hiện vẫn chưa có thêm thông tin chi tiết nhưng chúng tôi giả định tăng trưởng lợi nhuận 2018 của TCM được thúc đẩy nhờ doanh thu từ các thị trường xuất khẩu dệt may chính như Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, tỷ trọng của mảng sợi (có biên lợi nhuận thấp) trong doanh thu giảm và năng suất tại nhà máy Vĩnh Long tiếp tục cải thiện.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho TCM với giá mục tiêu 25.000 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 6,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,1%.

Trong tuần này, cổ phiếu TCM có 3 phiên tăng liên tiếp từ ngày đầu tuần, trong đó có 1 phiên tăng kịch trần (2,5%; 6,9%; 1,8%), nhưng đã hụt hơi trong 2 phiên kế tiếp khi đứng tham chiếu và mất 1,8%.

Thanh khoản được cải thiên đáng kể so với tuần trước đó, với trung bình trên dưới nửa triệu đơn vị khớp lệnh/phiên, riêng phiên tăng trần và ngày thứ Tư có trên dưới 0,9 triệu đơn vị.

Chốt tuần này, TCM tăng từ 22.250 đồng lên 24.350 đồng/cổ phiếu, tương đương +9,43%.

VCSC: VTP hấp dẫn với triển vọng tăng trưởng khả quan

Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) là doanh nghiệp bưu chính lớn thứ 2 Việt Nam với thị phần năm 2016 đạt 21%.

Doanh thu công ty đạt tăng trưởng kép hàng năm 41% giai đoạn 2013-2017 nhờ cung cấp dịch vụ giao nhận cho thương mại điện tử. Các dịch vụ liên quan đến hoạt động này hiện chiếm khoảng 55% tổng doanh thu công ty.

Trong ba năm qua, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam tăng mạnh khoảng 87%/năm, theo Temasek/Google.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2018-2023 sẽ đạt 30% dựa trên tỉ lệ khiêm tốn 1.5% hiện tại của thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ, trong khi tầng lớp trung lưu, am hiểu công nghệ của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Chúng tôi cho rằng mạng lưới bưu cục rộng lớn, đầu tư không ngừng vào công nghệ thông tin, tự động hóa và dịch vụ giá trị gia tăng của VTP và sự hỗ trợ của Viettel, tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam, sẽ cho phép công ty hưởng lợi sự lớn mạnh của ngành e-logistics tại Việt Nam, đặc biệt tại phân khúc liên tỉnh.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ tăng mạnh 67% năm 2018 và 35% năm 2019 dựa trên dự báo doanh thu cốt lõi sẽ tăng mạnh lần lượt 42% và 40%.

VTP tỏ ra hấp dẫn với triển vọng tăng trưởng khả quan. Hiện cổ phiếu công ty giao dịch tại mức PER 2018/2019 là 23 lần/17 lần trên cơ sở dự báo của chúng tôi so với P/E trượt 12 tháng trung vị của các công ty tương tự là 20,6 lần (theo Bloomberg).

Trong tuần này, cổ phiếu VTP thuộc nhóm cổ phiếu giao dịch tốt nhất UpCoM, với duy nhất 1 phiên giảm nhẹ (-0,7%) vào ngày thứ Ba, còn lại 4 phiên tăng tốt (4%; 14,2%; 4%; 0,4%). Thanh khoản phiên cao nhất có 0,24 triệu đơn vị khớp lệnh.

Chốt tuần, VTP tăng từ 140.500 đồng lên 155.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +10,3%.

BSC: MWG sẽ tích lũy trong vài phiên tới

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đã kiểm tra nưỡng hỗ trợ 85 khá nhiều lần.

Thanh khoản phiên giao dịch dịch hôm nay tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên.

Chỉ báo RSI báo và chỉ báo MACD đều ủng hộ tín hiệu tích lũy. Xu hướng vận động 3 đường MA cho thấy cổ phiếu đang giao dịch tại ngưỡng hỗ trợ khá mạnh.

Như vậy, MWG sẽ tích lũy trong vài phiên tới trước khi tăng giá manh và hồi phục trở về ngưỡng 90.

Trong tuần này, cổ phiếu MWG dao động không đáng kể khi có tới 2 phiên đứng tham chiếu, 2 phiên giảm nhẹ (-0,5%; -1,1%), và một phiên xanh nhạt +0,8%.  Thanh khoản có phiên cao nhất hơn ,17 triệu cổ phiếu được sang tay.

Chốt tuần, MWG giảm từ 85.000 đồng xuống 84.400 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,7%.

Thị trường chứng khoán: Cho vay margin đang ở mức thấp
Tính đến hết năm 2018, dư nợ cho vay margin ở mức 44.200 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư