Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Định vị điểm đến Việt Nam thân thiện, giàu trải nghiệm
Hồ Hạ - 19/10/2021 19:19
 
Đây là thời điểm “đẹp và chín” để mở lại các hoạt động du lịch; đồng thời cần tái định vị điểm đến Việt Nam thân thiện, giàu trải nghiệm, chất lượng cao, thay vì du lịch giá rẻ.
Xu thế du lịch khám phá thiên nhiên sẽ “lên ngôi”. Trong ảnh: Mộc Châu, một địa điểm du lịch xanh đang được nhiều du khách lựa chọn
Xu thế du lịch khám phá thiên nhiên sẽ “lên ngôi”. Trong ảnh: Mộc Châu, một địa điểm du lịch xanh đang được nhiều du khách lựa chọn

Thời điểm “đẹp và chín” để mở lại hoạt động du lịch

Du lịch là một trong những ngành gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Từ một ngành đóng góp trực tiếp 9,2% GDP và đóng góp gián tiếp, lan tỏa khoảng 18% vào tổng GDP (số liệu năm 2019), đón hàng trăm triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, năm 2020 và phần lớn năm 2021, với các đợt giãn cách, sự đình trệ về giao thông, đi lại, ngành du lịch lâm vào khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Dù vậy, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang cố gắng tồn tại và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để vươn lên khi điều kiện cho phép.

Sau hơn 5 tháng, làn sóng bùng phát Covid-19 thứ tư tại Việt Nam đang từng bước được kiểm soát. Chính phủ và các địa phương nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới. Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Điểm mấu chốt để thu hút du khách ở thời điểm hậu Covid-19 là các giải pháp đảm bảo an toàn và sản phẩm dịch vụ hướng tới những nhu cầu mới. Do vậy, Sun Group đã và đang tập trung ưu tiên đầu tư gia tăng dịch vụ, trải nghiệm, bổ sung các sản phẩm mới và triển khai quy trình đón khách an toàn với những giải pháp ứng dụng công nghệ không chạm, một chạm…

Những gói trải nghiệm hướng tới chăm sóc sức khỏe theo xu thế wellness đang dẫn dắt thị trường du lịch thế giới cũng sẽ là một trong những sản phẩm được Sun Group đầu tư, hứa hẹn sẽ mang tới những trải nghiệm khác biệt, đáp ứng nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe sau thời gian dịch bệnh

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Ban Kinh doanh khối Sun World (Sun Group)

Chia sẻ tại Chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề “Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả”, do Báo Đầu tư tổ chức, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Ban Kinh doanh khối Sun World (Sun Group) cho biết, trải qua 4 đợt dịch tấn công dồn dập, có thể nói, doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều bị tổn thương nặng nề khi gần như phải “nằm im” suốt 2 năm. Điều đáng lo ngại là hệ lụy của tình trạng du lịch đóng cửa lâu dài không chỉ gây tổn thương nền kinh tế, mà còn gián tiếp khiến tỷ lệ đói nghèo ở các địa phương tăng cao. Do đó, việc Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại du lịch là vô cùng cấp thiết.

Bên cạnh đó, độ phủ vắc-xin ngày càng mở rộng. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, người dân trong nước đang rất mong ngóng đi du lịch ngay khi tiêm đủ 2 mũi và hộ chiếu vắc-xin được áp dụng. Nhiều địa phương trên cả nước cũng đã chuẩn bị kế hoạch đón du khách. Đây là tín hiệu lạc quan cho việc mở cửa du lịch và cũng là cơ sở quan trọng để có thể vững tin rằng, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Giai đoạn này rất cần thiết mở lại các hoạt động để đón du khách vào mùa du lịch Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, cũng như năm 2022. Mặt khác, thời điểm này, du khách nội địa không quá đông, các địa phương, điểm đến có thể đưa ra những quy trình thử nghiệm và vận hành an toàn nhất. Có thể nói, đây là thời điểm “đẹp và chín” để mở lại các hoạt động du lịch”, bà Trần Nguyện nêu quan điểm.

Tiêm vắc-xin có trọng tâm, trọng điểm

Cũng theo bà Trần Nguyện, việc xóa sổ virus SARS-CoV-2 là điều khó có thể làm được, do vậy, xu hướng hiện nay của thế giới là xác định sống chung với Covid-19.

Để du lịch có thể mở cửa hiệu quả, bà Nguyện cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo yếu tố an toàn. Tiêm vắc-xin phải được phổ cập rộng rãi, chỉ nên mở lại du lịch khi điểm đến đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng từ 70% đến 80% trở lên. “Do đó, trong bối cảnh vắc-xin về chậm, không thể tiêm dàn trải, mà phải ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm cho các điểm đến như Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang, Đà Nẵng…”, bà Nguyện nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chính phủ và các địa phương nới lỏng những biện pháp chống dịch phù hợp để nối lại hoạt động phục vụ du khách. Cần có điều kiện cho ngành kinh tế xanh mở lại như điểm đến du lịch xanh, du khách xanh, hành trình vận chuyển xanh, thì lúc đó chúng ta mới mở cửa trở lại và phát triển du lịch bền vững, sống an toàn với đại dịch. Triển khai “bong bóng du lịch” cả thị trường nội địa và quốc tế.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam khẳng định: “Du lịch là ngành kinh tế mang tính chất liên vùng, không có giới hạn về hành chính. Do đó, để tạo điều kiện cho ngành nói riêng và nhu cầu đi lại nói chung, tôi đề xuất, nếu tính chất dịch giống nhau giữa các địa phương thì áp dụng tiêu chí giống nhau và không áp dụng việc kiểm soát giữa các địa phương đó. Trong trường hợp du khách di chuyển qua vùng có nguy cơ cao hơn thì áp dụng nguyên tắc du lịch không tiếp xúc (bong bóng du lịch) để đảm bảo an toàn”.

Ông Hoan bày tỏ, rất may, ngày 11/10, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, trong đó đã có tiêu chí chung cho các địa phương thực hiện. Vấn đề hiện nay là các địa phương cần nghiêm túc thực hiện theo quy định.

Chia sẻ về xu hướng du lịch sau giãn cách, Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho biết, người dân có thể đi theo nhóm nhỏ, phương tiện cá nhân. Cụ thể, với du lịch nghỉ dưỡng, du khách có thể lựa chọn kỳ nghỉ 2 ngày với thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng đồng hồ chạy xe, những khu nghỉ dưỡng lớn có tiện ích đầy đủ sẽ thu hút du khách. Xu thế du lịch khám phá thiên nhiên mang tính chất khách nội vùng sẽ “lên ngôi”. Đơn cử, miền Bắc thì đi tuyến Đông Bắc, Tây Bắc như Mộc Châu, Hà Giang...; miền Trung thì lên Tây Nguyên mùa hoa dã quỳ; miền Nam thì tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long với các tour du lịch đặc trưng của mùa nước nổi. Đây đều là thời điểm thuận lợi để khám phá những điểm đến này.

Về giá tour, ông Hoan cho biết, sẽ không giảm sâu, nhưng các doanh nghiệp đều cam kết du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới vượt trội về giá trị. Chẳng hạn, với Flamingo, một số dịch vụ trước đây vốn phải mất thêm chi phí, thì bây giờ đã bao gồm trong đơn giá để du khách có thể trải nghiệm nhiều tiện ích mới, mật độ chỉ bằng 50% công suất phục vụ…

Xóa bỏ hình ảnh điểm đến giá rẻ

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, điều quan trọng nhất sau khi mở lại hoạt động du lịch là phải tái định vị ngành kinh tế xanh để phát triển bền vững.

Theo bà Trần Nguyện, tái định vị ngành du lịch phải theo hướng an toàn, chú trọng thị trường du lịch nội địa đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân. Đặc biệt, chuyển đổi số và nâng cấp sản phẩm, dịch vụ là xu hướng tất yếu, là điều bắt buộc khi tái định vị ngành du lịch nhằm mang đến những cảm xúc tuyệt vời hơn cho du khách.

Đối với thị trường quốc tế cũng cần định hướng lại các tập khách, dòng khách, để xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu, thị hiếu. “Đặc biệt, cần bỏ cách làm theo hướng Việt Nam là điểm đến giá rẻ. Hãy định hướng Việt Nam là điểm du lịch thân thiện và đang ngày càng hướng đến những trải nghiệm tốt cho du khách. Bởi, định hướng theo con đường giá rẻ sẽ không thể phát triển bền vững được”, bà Nguyện nhấn mạnh.

Khi định vị lại ngành du lịch, cần nâng cao trải nghiệm cho du khách bằng sự liên kết chặt chẽ theo hệ sinh thái của từng bên hoặc các bên với nhau, giữa hàng không với du lịch, khách sạn, lữ hành, ẩm thực, vui chơi giải trí… giúp du khách có hành trình tốt nhất và thuận tiện nhất. Để làm được những điều đó, cần có những kịch bản phục hồi của du lịch Việt Nam, góp phần tái định vị ngành kinh tế xanh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài, CEO Vietsense Travel cho rằng, xu hướng dòng sản phẩm hậu Covid-19 lần thứ tư là sự dịch chuyển từ du lịch bình dân sang du lịch cao cấp. Các khách hàng mong muốn du lịch có mức chi trả lớn, đảm bảo an toàn và được tận hưởng nhiều giá trị quý giá, tốt đẹp, thay vì nhu cầu đại trà trước đây.

Một xu hướng nổi bật nữa được ông Tài chia sẻ là phương thức giao dịch chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, do đó, chuyển đổi số được xem là yếu tố sống còn với doanh nghiệp lữ hành.

Theo ông Tài, đại dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung có cái nhìn chính xác về những hạn chế, cũng như những thế mạnh để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngành kinh tế xanh không thể kỳ vọng thị trường phát triển toàn diện ngay như giai đoạn trước dịch, mà cần phục hồi từng bước. Đầu tiên, phải đa dạng nguồn khách, phát triển cả outbound, inbound, nội địa, trong đó thị trường khách trong nước rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng và có sự phân hóa cao, nên sản phẩm, tour, tuyến, dịch vụ cũng cần đa dạng, cá biệt hóa cho từng đối tượng.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều thống nhất, đây là thời điểm tốt nhất để mở lại các hoạt động du lịch một cách an toàn, hiệu quả và góp phần “hồi sinh” các ngành, lĩnh vực khác, từ đó vực dậy nền kinh tế.

Cơ hội đầu tư theo sóng quy hoạch du lịch, hạ tầng tại Đà Bắc
Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cùng hệ thống giao thông đồng hộ, hiện đại, là những điểm sáng khẳng định Đà Bắc đang chuyển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư