Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Đỗ Xuân Tiến: “Hô biến” phế phẩm nông sản thành chất tẩy rửa an toàn
Nguyễn Ngọc - 19/08/2023 10:01
 
Với mong muốn giúp người nông dân có thêm thu nhập, cộng với mục tiêu cống hiến cho xã hội và bảo vệ môi trường, Đỗ Xuân Tiến cùng đội ngũ đã nghiên cứu và sản xuất các loại chất tẩy rửa tự nhiên, an toàn với sức khỏe người sử dụng từ vỏ trái cây, phế phẩm nông sản
Đỗ Xuân Tiến, Đồng sáng lập, CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA Biotech:
Đỗ Xuân Tiến, Đồng sáng lập, CEO Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA Biotech.

Sản phẩm thân thiện với môi trường

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, vựa dứa lớn nhất nhì miền Bắc, Đỗ Xuân Tiến luôn tâm niệm phải tìm cách giúp bà con nông dân có thêm thu nhập từ các ruộng dứa, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Nhận thấy các sản phẩm như nước ép dứa, thực phẩm chế biến từ dứa… đã quá quen thuộc và có nhiều doanh nghiệp thực hiện, anh trăn trở tìm kiếm phương thức sản xuất khác biệt hơn, bền vững hơn cho quả dứa.

Năm 2016, Tiến tình cờ biết đến nghiên cứu về Eco enzyme của TS. Rosuko (Thái Lan). Đó là phương pháp ngâm ủ và lên men thủ công phế phẩm nông sản, vỏ trái cây để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, không độc hại.

Anh chia sẻ nghiên cứu này với các cộng sự và cùng tập trung nghiên cứu, chế tạo. Sau hơn 1 năm nỗ lực, nhóm của anh đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên là nước rửa chén từ vỏ dứa. Tuy nhiên, sản phẩm không được người tiêu dùng đón nhận, vì có mùi chua, rất khó chịu.

Fuwa3e đạt được thành công như ngày hôm nay là nhờ vào định hướng đúng đắn và kiên trì đi theo định hướng; toàn bộ nhân lực có chung chí hướng, mục tiêu muốn cống hiến cho xã hội, bảo vệ môi trường; đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng của người tiêu dùng, các nhà phân phối, đại lý.

- Doanh nhân Đỗ Xuân Tiến

Không nản chí, Đỗ Xuân Tiến và các cộng sự tiếp tục thử nghiệm thực tế, tạo ra khoảng 2.000 mẫu thử, rồi lặn lội mang tặng khách hàng, chia sẻ về công dụng sản phẩm và thuyết phục họ dùng thử. Đồng thời, cả nhóm tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất…

Thời gian để tạo ra sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ mất khoảng 3 tháng. Vỏ dứa thu về sẽ được sàng lọc kỹ, loại bỏ tạp chất, rồi trộn cùng đường vàng, khuấy đều trong nước sạch để tạo dung môi ngâm ủ. Trong quá trình ngâm ủ, hỗn hợp được khuấy đảo đều, kiểm tra hằng ngày và bổ sung các loại quả, vỏ trái cây như bồ hòn, cam, bưởi… để tạo mùi thơm và tăng cường khả năng tẩy rửa.

Sau thời gian hoàn thiện sản phẩm, năm 2019, doanh nhân trẻ Đỗ Xuân Tiến bắt tay cùng Bùi Thị Bích Ngọc và một số cộng sự thành lập Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA Biotech (Fuwa3e), chính thức đưa sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ ra thị trường.

Nhà máy không rác thải

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, anh Tiến cho biết, điều đặc biệt trong quy trình sản xuất sản phẩm của Fuwa3e là hoàn toàn không có rác thải thứ cấp. Sau khi lọc lấy dung dịch, phần bã được sấy khô trở thành hợp chất bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.

“Fuwa3e mong muốn xây dựng một nhà máy không rác thải, nhưng để làm được thì không đơn giản, vì một sản phẩm, bên cạnh phần ‘lõi’, cũng phải sử dụng bao bì, nhãn mác…”, Tiến chia sẻ.

Để khắc phục điều này, Fuwa3e sử dụng mô hình refill (đổ đầy lại) sản phẩm tại các điểm phân phối nhằm hạn chế tối đa rác thải nhựa. Người tiêu dùng chỉ cần mang chai nhựa cũ của sản phẩm đã dùng hết tới các điểm refill để làm đầy trở lại với mức giá rẻ hơn.

“Giải pháp này đem lại hiệu quả đáng kể. Khi mới thiết lập được 10 điểm refill, Fuwa3e đã giảm được khoảng 600 - 1.000 chai nhựa thải ra môi trường mỗi tháng”, Tiến hồ hởi chia sẻ.

Đến nay, Fuwa3e đã phát triển đội ngũ bán hàng tại 46 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, với gần 1.000 điểm phân phối, đại lý, rất thuận lợi cho người tiêu dùng tới mua sản phẩm theo hình thức refill.

Trung bình mỗi năm, Fuwa3e xử lý khoảng 200 tấn phế phẩm từ dứa bằng công nghệ enzyme, cho ra các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, giảm thiểu rác thải nông nghiệp sau chế biến, không để lại rác thải thứ cấp sau sản xuất.

Khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường

Điểm đột phá của Fuwa3e so với các dòng sản phẩm tẩy rửa khác là tính êm dịu, an toàn cho da tay. “Các sản phẩm của Fuwa3e được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, tỷ lệ quay lại sử dụng sản phẩm cũng rất cao”, Tiến chia sẻ.

Cùng với sự phát triển doanh số, thương hiệu Fuwa3e ngày càng mở rộng “độ phủ” ở thị trường trong nước. Năm 2023, Fuwa3e đặt mục tiêu doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu. Trước đây, Fuwa3e đã xuất khẩu sang Malaysia, Đức…, nhưng chỉ với đơn hàng nhỏ, mang tính tiếp thị sản phẩm. Tiến cho biết, Công ty đang nỗ lực đàm phán để có những đơn hàng lớn sang Mỹ, Singapore…; hợp tác với một số đối tác tại Đức, Anh...

“Tháng 9, 10 tới, chúng tôi sẽ có những container hàng đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, Canada. Bên cạnh đó, sản phẩm của Fuwa3e sẽ chính thức được bán trên Amazone”, Tiến phấn khởi cho biết.

Fuwa3e cũng đang tìm kiếm các đối tác nghiên cứu và phát triển nhằm nhân rộng mô hình sản xuất chất tẩy rửa từ phế phẩm nông nghiệp, tiến tới chuyển giao công nghệ.

Sau hơn 4 năm hoạt động, Fuwa3e đã đạt được nhiều thành tích như Top 20 cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2020; Top 2 Doanh nghiệp tạo tác động xã hội - Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên năm 2020; là doanh nghiệp nông nghiệp duy nhất đại diện Việt Nam tham dự Hội thảo Hội nghị thượng đỉnh ASEAN về công nghệ; có 2 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 4 sao… Sản phẩm nước tẩy rửa thương hiệu Fuwa3e đã được Viện Pasteur TP.HCM công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 98%, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Doanh nhân Nguyễn Hoành Tiến, CEO Công ty cổ phần Seedcom: “Linh hoạt và thích ứng là DNA của chúng tôi”
Ở Công ty cổ phần Seedcom, dấu ấn lớn nhất là khả năng chấp nhận thử nghiệm và điều chỉnh để chọn ra mô hình thích ứng và hiệu quả nhất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư