Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Đoàn Chèo Hải Phòng phát huy vai trò người “nghệ sĩ - chiến sĩ” trong mặt trận văn hóa
Thanh Sơn - 15/10/2024 12:56
 
Sáng 15/10, Đoàn Chèo Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, đánh dấu một chặng đường đầy tự hào từ khi thành lập (15/10/1954 - 15/10/2024).

Đây là dịp quan trọng để ôn lại lịch sử phát triển, thành tựu nghệ thuật và những cống hiến to lớn của Đoàn trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc.

Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Vận, Trưởng đoàn Đoàn Chèo Hải Phòng chia sẻ: “Ngày 15/10/1954, Ban Tuyên huấn Khu ủy Tả Ngạn ra quyết định thành lập Đội Văn công Sông Hồng. Ngay sau đó đổi thành Đoàn Văn công nhân dân Tả Ngạn, rồi Đoàn Chèo nhân dân khu Tả Ngạn. Đây là một đặc điểm quan trọng hình thành một phong cách nghệ thuật của Đoàn. Khu Tả Ngạn khi đó bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An. Vì vậy, Đoàn được kết hợp hài hòa, tinh tế giữa Chiếng Chèo Đông và Chiếng Chèo Nam, hội tụ được đông đảo lớp nghệ sĩ tài năng  trong một phạm vi rộng lớn”.

Ông Nguyễn Văn Vận, Trưởng đoàn Đoàn Chèo Hải Phòng đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống
Ông Nguyễn Văn Vận, Trưởng đoàn Đoàn Chèo Hải Phòng đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống.

Đến tháng 8/1963, Đoàn Chèo Tả Ngạn trực thuộc TP. Hải Phòng sáp nhập với Đoàn Chèo Kiến An, từ đó mang tên Đoàn Chèo Hải Phòng. Lúc đó, Đoàn còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như con người, nhưng với tình yêu với nghệ thuật chèo, Đoàn đã bám sát nhiệm vụ chính trị, biểu diễn ở nhiều nơi, mang lời ca, tiếng hát, điệu chèo đến các vùng miền nông thôn cho đến thành thị để phục vụ bà con nhân dân.

“Khi mới thành lập, Đoàn chỉ vẻn vẹn 16 thành viên. Chỉ 3 năm sau, năm 1957, Đoàn đã phát triển nhanh chóng, có tới 40 người và từ năm 1960 - 1964, số lượng biên chế lên đến 60 người. Điều đáng quý là đội ngũ diễn viên, nhạc công được truyền dạy từ các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật Chèo từ trung ương tới các địa phương”, ông Vận cho biết.

Một số ảnh tư liệu của Đoàn Chèo Hải Phòng được trưng bày tại lễ kỷ niệm
Một số ảnh tư liệu của Đoàn Chèo Hải Phòng được trưng bày tại lễ kỷ niệm.

Hưởng ứng phong trào thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với khẩu hiệu “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất”, năm 1966-1973 toàn đất nước chuyển sang thời chiến, đội ngũ văn nghệ sĩ của Đoàn được phân công đến từng nhà máy, xí nghiệp, các cùng miền nông thôn, hải đảo, tiền tiêu của tổ quốc, từng trận địa phòng không trọng điểm mà giặc Mỹ bắn phá để biểu diễn, động viên bà con nông dân, anh em công nhân, chiến sĩ hăng say lao động, sản xuất và chiến đấu.

Sau năm 1975, mặc dù tình hình kinh tế đất nước và thành phố gặp nhiều khó khăn, nhưng Đoàn Chèo Hải Phòng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nghệ thuật. Sau thời kỳ đổi mới đến nay, Đoàn Chèo Hải Phòng đã xây dựng được nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, xây dựng phong cách nghệ thuật mang đậm bản sắc Hải Phòng: khỏe khoắn, sáng tạo với nhiều chủ đề mới, hấp dẫn.

Trong 70 năm, Đoàn đã xây dựng, diễn hàng trăm vở, trong đó có nhiều vở tạo được tiếng vang lớn, được nhiều khán giả yêu mến, tín nhiệm, khẳng định được vị thế của nghệ thuật chèo Hải Phòng trên cả nước như: Người con gái sông Cấm, Trần Thành Ngọ, Bài ca chính khí, Tầm vóc đại hồng... đã được các nhà chuyên môn, lãnh đạo đương thời đánh giá về dụng ý nghệ thuật chẳng khác nào “binh đoàn xuất trận”.

Nghệ thuật Chèo mang phong cách công nhân Hải Phòng, tiết tấu nhanh gọn văn minh nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp của chèo truyền thống dân gian, giữ được giá trị nghệ thuật và phát triển không ngừng ở thời đại công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và trong hòa bình xây dựng thành phố ngày hôm nay.

Một cảnh trong vở diễn “Hào khí Bạch Đằng Giang”  do Đoàn Chèo Hải Phòng thực hiện
Một cảnh trong vở diễn “Hào khí Bạch Đằng Giang” do Đoàn Chèo Hải Phòng thực hiện.

Trong đó phải kể đến, năm 2019 Đoàn đã dàn dựng thành công vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang”. Đây là vở chèo thuộc đề tài lịch sử, ca ngợi những chiến công to lớn của người Hải Phòng trong trận chiến tiêu diệt quân Nguyên Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng.

Vở đã đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác về thành phố với đề tài “Hải Phòng khát vọng vươn lên”, đoạt giải Xuất sắc về đề tài lịch sử tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tại Bắc Giang, giành 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc cá nhân và 1 giải biên đạo múa xuất sắc.

Năm 2023, sau 37 năm, Đoàn Chèo Hải Phòng đã giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2023, lấy lại vị thế đứng đầu trong Chiếng Chèo Đông.

Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Nguyễn Văn Vận nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2024 Vở diễn xuất sắc với vở chèo Mưa đỏ
Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Nguyễn Văn Vận nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2024 Vở diễn xuất sắc với vở chèo Mưa đỏ.

Mới đây, ngày 22/9/2024, Đoàn Chèo Hải Phòng đã xuất sắc nhận giải thưởng Đào Tấn - Giải thưởng dành cho các cá nhân, tập thể có những cống hiến tiêu biểu, xuất sắc; những sáng tạo không ngừng nghỉ trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, bao trùm trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, vở diễn “Mưa đỏ” của Đoàn Chèo Hải Phòng nhận giải thưởng Vở diễn xuất sắc.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phát biểu tại lễ kỷ niệm
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Trong thời đại ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các loại hình nghệ thuật, dịch vụ giải trí hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có Chèo đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng với tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật chèo, tập thể cán bộ, diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Hải Phòng vẫn luôn cống hiến, cháy hết mình trên sân khấu để bảo tồn, phát huy những giá trị đẹp đẽ của văn hóa dân tộc hôm nay và cho ngày mai”.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ suốt 70 năm qua, Đoàn chèo Hải Phòng đã vinh dự được Nhà nước trao tặng 1 Huân Chương Lao động Hạng Nhì, 4 Huân chương Lao động hạng ba, 1 Huân Chương Chiến công giải phóng.

Các tập thể và cá nhân của Đoàn Chèo Hải Phòng nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hải Phòng
Các tập thể và cá nhân của Đoàn Chèo Hải Phòng nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hải Phòng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm này, Đoàn Chèo Hải Phòng cũng đã đón nhận Bằng khen của UBND Thành phố Hải Phòng tặng cho Tập thể Đoàn Chèo; Đội Diễn viên, Đoàn Chèo Hải Phòng và 6 cá nhân Đoàn Chèo Hải Phòng; 5 cá nhân nhận Giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng; 1 Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

5 cá nhân nhận Giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng
5 cá nhân nhận Giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng.

“Chặng đường 70 năm của Đoàn Chèo Hải Phòng là minh chứng cho sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần yêu nghệ thuật của tập thể cán bộ, nghệ sĩ. Với bề dày lịch sử và truyền thống, Đoàn sẽ tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đưa nghệ thuật Chèo đến gần hơn với khán giả, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Nguyễn Văn Vận khẳng định.

Là địa phương duy nhất của cả nước thực hiện Đề án sân khấu truyền hình, Hải Phòng đã dành hàng chục tỷ đồng cùng nhiều nguồn lực khác làm sống lại nghệ thuật sân khấu giữa bối cảnh bùng nổ công nghệ giải trí như hiện nay. Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng với 5 Đoàn nghệ thuật (Cải lương, Kịch nói, Ca múa nhạc, Chèo và Múa Rối) chính là cú hích, nền tảng, đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn cho các nghệ sĩ diễn viên của thành phố.
Hải Phòng tiếp tục khẳng định dấu ấn với Đề án Sân khấu truyền hình
Sáng 25/6, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư