Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp cần thể chế thúc đẩy phát triển bền vững
Khánh An - 26/06/2019 09:13
 
Phát biểu trước nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, ông Vũ Tiến Lộc, đồng chủ tịch Liên minh VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thông điệp phát triển nhanh gắn với bền vững mà cộng đồng doanh nghiệp chọn cho các cuộc đối thoại VBF năm nay là một tuyên ngôn mới từ phía doanh nghiệp.
.
Ông Vũ Tiến Lộc.

Thưa ông, tuyên ngôn mới về phát triển nhanh gắn với bền vững của VBF giữa kỳ 2019 có hàm ý gì?

Chúng tôi đang có tin tích cực về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thời điểm phê chuẩn hiệp định này đã rất gần.

Như vậy, sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với EVFTA, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn thực hiện hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - hai hiệp định được coi là đỉnh cao, hướng tới các chuẩn mực cao nhất của toàn cầu. Các hiệp định này đều hướng tới phát triển bền vững, coi đó như một hệ giá trị mới để phát triển, hệ giá trị nhân văn của nền kinh tế hiện đại, như yêu cầu thực hiện các công ước về lao động, về bảo vệ môi trường…

Cũng phải nói thêm, việc thực hiện các yêu cầu mới chắc chắn sẽ gây thêm tổn phí cho giới kinh doanh. Vì các yêu cầu về giá trị nhân văn cao hơn, bảo vệ môi trường đòi hỏi chi phí nhất định. Song, đây chính là lý do mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ cam kết, để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng trên một hệ giá trị.

Xác định chủ đề của VBF 2019 là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững, cũng là cách để cộng đồng doanh nghiệp xác định sẽ theo đuổi hệ giá trị mới của người kinh doanh, đó là tạo ra lợi nhuận từ sự phụng sự xã hội.

Đây chính là các giá trị phát triển bền vững và cũng là giá trị mà các quốc gia theo đuổi. Nói cách khác, phát triển bền vững đang là tiếng nói chung.

Có hàm ý gì từ tuyên ngôn này trong cuộc đối thoại với Chính phủ của VBF không, thưa ông?

Các nhà doanh nghiệp ý thức rất rõ rằng, Chính phủ đang phát động một giai đoạn mới của công cuộc đổi mới. Đây là giai đoạn chúng ta cần gia tăng giá trị của đầu tư nước ngoài, của đầu tư trong nước, của xuất nhập khẩu; hướng tới giai đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, nhân văn hơn.

Có thể nói, đây là hành trình phát triển tiếp theo, sau khi Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ trong hành trình cởi trói, tạo nên phát triển về chiều rộng, ít chú ý đến phát triển lao động, môi trường. Làn sóng tới là giai đoạn phát triển kiến tạo, đảm bảo chất lượng phát triển cao hơn, chú ý các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhưng đây cũng chính là mục tiêu, yêu cầu của CPTPP, EVFTA. Đây cũng là những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp Việt Nam phải có được.

Nền kinh tế Việt Nam dù trong giai đoạn phát triển, dù có điểm xuất phát thấp…, thì doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các chuẩn mực này. Như vậy, phát triển bền vững là đòi hỏi tự thân của doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Nhưng đây cũng là cách để doanh nghiệp thể hiện sự ủng hộ Chính phủ trong quá trình thúc đẩy giai đoạn phát triển mới, hướng tới các chuẩn mực.

Có cả áp lực cho Chính phủ trong quá trình này, vì nếu không có một môi trường thuận lợi, thì việc đạt được các chuẩn mực mới không dễ dàng với doanh nghiệp?

Thông điệp này đòi hỏi hành động từ của cả hai phía.

Tại VBF lần này, doanh nghiệp gửi nhiều kiến nghị tới Chính phủ về các cơ chế phát triển cho năng lượng sạch, tăng năng suất, chất lượng, phát triển bền vững, thúc đẩy chính phủ điện tử, xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn…

Các kiến nghị này hàm chứa cả cơ hội mới cho kinh doanh mới, thị trường mới cho doanh nghiệp, nên được Chính phủ kiến tạo thể chế, hệ sinh thái thúc đẩy phù hợp, hướng vào cơ hội kinh doanh mới. Chỉ riêng nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ tạo ra giá trị 4.500 tỷ USD và hàng trăm triệu việc làm trên toàn cầu.

Nhưng chính việc tuân thủ các giá trị mới, chuẩn mực mới của doanh nghiệp để bước chân vào các không gian kinh doanh mới, vào các thị trường đẳng cấp cao cũng đang tạo năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh mới của nền kinh tế.

Chính phủ phải tạo ra hệ sinh thái để thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng các mô hình phát triển kinh tế bền vững được tạo ra. Doanh nghiệp cũng phải thay đổi quản trị để đáp ứng các yêu cầu mới…

Việt Nam phải là công xưởng của công nghệ cao, của đổi mới, sáng tạo, phải có một cơ cấu kinh tế bền vững, bao trùm hơn. Đây cũng là hàm ý mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn gửi tới Chính phủ.

Các cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất đã sẵn sàng đi cùng với những kế hoạch mới này. Đây là lý do mà các ý kiến về hợp tác công - tư (PPP) sẽ được đề cập nhiều.

Chính phủ vừa ra mắt E-Cabinet. Đây có thể coi là một thông điệp tích cực với những yêu cầu về không gian mới cho phát triển?

Doanh nghiệp rất hoan nghênh việc Chính phủ đã đi đầu trong E-Cabinet. Quốc hội cũng cần có phương thức làm việc mới. Đây là bước đầu quan trọng của Chính phủ điện tử. Tiếp theo, cần có sự tương tác với người dân, doanh nghiệp trên nền tảng này, để xây dựng thành quốc gia điện tử.

Doanh nghiệp đang muốn cùng với Chính phủ đi nhanh trong các kế hoạch cụ thể này. Chính vì vậy, VBF giữa kỳ tiếp tục có những kiến nghị rất cụ thể, những hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Nền kinh tế Việt Nam có thể chưa bắt kịp với thế giới về vốn liếng, nhưng có thể bắt kịp về tính nhân văn, về mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đang kỳ vọng vào cơ hội bứt phá trong nền kinh tế số. Trong nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, Việt Nam cũng đang có cơ hội đi nhanh.

Nhiều đề xuất của doanh nghiệp tại VBF đều đã được Chính phủ xử lý
TS Vũ Tiến Lộc, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư