Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp đẩy mạnh tìm vốn qua kênh trái phiếu
 
Huy động vốn qua kênh trái phiếu đang trở nên phổ biến hơn khi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Áp dụng công nghệ số vào bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh trong thời gian qua
Áp dụng công nghệ số vào bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh trong thời gian qua

Hội đồng quản trị của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã thông qua việc phát hành riêng lẻ 800 tỷ đồng trái phiếu nợ doanh nghiệp, với lãi suất  9%/năm, kỳ hạn 1 năm. Lãnh đạo HCM cho biết, Công ty đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc phát hành tăng vốn và sẽ thực hiện ngay trong tháng 12 này, nhằm bổ sung cho nguồn vốn cho vay ký quỹ (margin).

Không chỉ phát hành trái phiếu huy động vốn, HSC cũng dự kiến tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Theo chia sẻ của lãnh đạo HSC, hiện một số cổ phiếu tốt trên thị trường đã được HSC cho vay hết hạn mức 3% vốn điều lệ, nên việc tăng vốn để bổ sung cho hoạt động cho vay ký quỹ là rất cần thiết.

Hiện tại, dòng tín dụng ngân hàng cho ngành chứng khoán bị hạn chế theo quy định pháp lý trong khi nhu cầu vốn để đáp ứng sự sôi động của thị trường tại nhiều công ty chứng khoán rất cấp thiết. Hiện nay, hạn mức tín dụng từ các ngân hàng khá hạn chế vì room cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán của các ngân hàng bị khống chế ở mức tối đa 5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Ngoài ra, tiêu chuẩn định giá tài sản cầm cố thế chấp cũng khá nghiêm ngặt và thường ở tỷ lệ rất thấp nên để giải ngân được từ nguồn vốn ngân hàng đòi hỏi phải có lượng tài sản cầm cố gấp nhiều lần (3- 4 lần) so với số tiền cần giải ngân.

Hơn nữa nguồn vốn dùng cho hoạt động kinh doanh hiện tại có tính ổn định chưa cao, do kỳ hạn giải ngân của ngân hàng thường ngắn, không quá 6 tháng. Thực tế này khiến các doanh nghiệp phải “tự chủ” hơn trong nguồn vay vốn qua kênh trái phiếu.

Trong năm 2017, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã huy động thông qua kênh trái phiếu là 600 tỷ đồng thông qua một tổ chức tín dụng với thời hạn trái phiếu là 2 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, ưu tiên thanh toán như các khoản nợ khác có bảo đảm khác, được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam, phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ.

Tại Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự kiến trong tháng 12/2017, sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất tối đa không quá mức lãi suất tiền gửi trung hạn bình quân của BIDV, Vietinbank cộng thêm 4,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty, tái cơ cấu các khoản nợ với lãi suất theo hướng ổn định hơn.

Để hoạt động phát hành được triển khai thuận lợi và nhanh chóng, các công ty chứng khoán thường tìm đối tác mua chính là các ngân hàng. Ở đây được coi như hình thức vay vốn ngân hàng và đã được một số công ty áp dụng.

Không chỉ các công ty chứng khoán, nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng được nhiều doanh nghiệp ngành khác tính đến. Theo kế hoạch, trong tháng 12/2017, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (GEX) sẽ phát hành trái phiếu DN với tổng giá trị 500 tỷ đồng thông qua tổ chức tư vấn là Công ty Chứng khoán IB.

Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi với kỳ hạn tối đa 03 năm. Để đảm bảo cho khoản vay trái phiếu này, GEX đã liệt kê tài sản đảm bảo với 9 triệu cổ phiếu CAV của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) và 15 triệu cổ phiếu của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Theo Gelex, mục đích phát hành nhằm mục tiêu bổ sung vốn, tăng quy mô hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp có xu hướng chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn đã làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng, phát triển cả về quy mô huy động vốn và số lượng doanh nghiệp phát hành. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đang rất quan tâm đến Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà Bộ Tài chính lấy ý kiến thị trường.

Cụ thể, Dự thảo dự kiến sẽ khống chế các giao dịch trái phiếu thứ cấp ở mức dưới 100 nhà đầu tư và không cho phép sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, nếu quy định như vậy có thể sẽ giảm tính hấp dẫn của kênh đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng bất lợi đối với tổ chức phát hành, đồng thời bớt đi một kênh đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất là quy định pháp lý phải tạo điều kiện cho cung – cầu vốn gặp nhau, chứ không nên tạo ra nhiều hàng rào kỹ thuật can thiệp vào tính thị trường trên thị trường vốn.

Công ty chứng khoán "cày xới" mảng trái phiếu doanh nghiêp
Trái phiếu doanh nghiệp đang là mảnh đất màu mỡ cho các đại gia tài chính khai phá ở nhiều góc độ khác nhau.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư