Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp gỗ xoay xở giữ lao động
Nguyễn Ngân - 08/12/2022 09:57
 
Dù số lượng đơn hàng và doanh thu sụt giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang cố gắng xoay xở, tìm cách cắt giảm lợi nhuận để duy trì việc làm cho người lao động.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quyết định liều lĩnh

Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, doanh nghiệp gỗ bị ảnh hưởng nặng nề khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu. Công ty cổ phần gỗ Đức Thành (quận Gò Vấp, TP.HCM) đang rơi vào bế tắc khi lượng đơn hàng giảm 30 - 40%. Dù vậy, Công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho gần 1.300 lao động, không cắt giảm lao động chính thức nào.

Cụ thể, Gỗ Đức Thành chỉ cắt giảm lao động thời vụ (thời điểm này các năm thường cần nhiều lao động nhất), đồng thời không tổ chức tăng ca vào cuối tuần. Để bù đắp khoản tiền tăng ca, hỗ trợ công nhân, Công ty chi trả cho mỗi người 500.000 đồng/tháng và duy trì từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023.

“Riêng tháng 1/2023 rơi vào dịp Tết, tôi sẽ bỏ tiền cá nhân chi trả cho mỗi công nhân 1 triệu đồng như một phần quà tri ân, hỗ trợ người lao động nghèo trong dịp Tết. Tôi tự hào nói rằng, Gỗ Đức Thành là một trong số ít doanh nghiệp có lương tháng 13, 14 cho người công nhân ở thời điểm hiện tại”, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành nói.

Để có thể duy trì việc làm cho gần 1.300 công nhân ở thời điểm hiện tại, Gỗ Đức Thành đã phải áp dụng nhiều biện pháp như bán lỗ, giảm giá thành sản phẩm, tập trung phát triển mạnh thị trường nội địa khi xuất khẩu đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dừng một số đơn hàng đang làm dở để hạn chế bỏ vốn, hạn chế rủi ro do nhiều công ty nước ngoài đang ở bờ vực phá sản, đơn hàng chưa chắc đã xuất đi được.

Đồng thời, Gỗ Đức Thành vẫn tiếp tục nhập hàng từ các xưởng gỗ. “Nếu chúng tôi ngừng nhập hàng, xưởng gỗ dừng hoạt động, thì công nhân trong xưởng cũng mất việc. Đây đều là những đối tác lâu năm của Công ty, nên bên cạnh người lao động của mình, chúng tôi cũng cần chăm lo cho người lao động của họ nữa”, bà Liễu chia sẻ.

Theo bà Liễu, việc sẵn sàng cho đi như vậy cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đón đầu “cơn mưa” đơn hàng khi thị trường phục hồi. “Tôi và Gỗ Đức Thành đã đi qua nhiều cuộc khủng hoảng. Những cuộc khủng hoảng năm 1996 hay 2008 ảnh hưởng rất kinh khủng. Trong tình hình khó khăn, không có đơn hàng, giải pháp đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là giảm lương, giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự, nhưng tôi không chọn cách này”, bà Liễu nói.

Khi doanh nghiệp khác ngưng mua gỗ, thì Gỗ Đức Thành quyết định mua để dự trữ nguyên liệu. Công ty cũng giữ chân toàn bộ người lao động để sẵn sàng phục hồi, đón đầu đơn hàng. Có những lúc, các thành viên chủ chốt trong Công ty cũng không ủng hộ hoàn toàn lựa chọn liều lĩnh này.

“Tất nhiên, tôi cũng không thể đoán chắc cuộc khủng hoảng sẽ chạm đáy khi nào, nhưng phải luôn tính toán giải pháp. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, nhu cầu đơn hàng luôn rất lớn, thị trường đều thiếu hàng, khi đó ai chống chịu tốt và sẵn sàng nguồn lực sẽ chiến thắng”, bà Liễu tự tin.

Duy trì trong khả năng

Dù muốn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được như Gỗ Đức Thành. Đơn hàng, lợi nhuận đều giảm, nhiều công ty phải cắt giảm chi phí cho người lao động, chỉ có thể đảm bảo duy trì ở mức tối đa trong khả năng của mình.

Lượng đơn hàng giảm 50% trong 3 tháng qua khiến Công ty cổ phần Gỗ Minh Tâm (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chỉ có thể duy trì 40% nhân sự. Công ty phải thu gọn quy trình sản xuất, tăng tính đa năng của công nhân viên giữa các chuyền, xưởng sản xuất. Đối với các công nhân viên vẫn đang làm việc, Công ty tổ chức lại phương thức trả lương, giữ vững mức lương trung bình - cao cho tất cả người lao động.

Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Ngũ Lâm Việt (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) phải giảm 50% lao động do thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động giảm mạnh. Từ tháng 3 - 4/2022, đơn hàng của Công ty bắt đầu sụt giảm. Trước đây, mỗi tháng, Công ty xuất khẩu được từ 80-90 container hàng, nhưng nay chỉ xuất được 10-15 container.

Trước công nhân của Công ty Ngũ Lâm Việt được làm việc và tăng ca 12 tiếng/ngày vào cả thứ Bảy và Chủ nhật, nhưng hiện chỉ làm 8 tiếng, không tăng ca khiến thu nhập giảm mạnh. Một số công nhân đã bỏ về quê vì thu nhập thấp, số khác được Công ty bố trí chỗ ăn ở miễn phí, vừa làm việc tại Công ty, vừa làm thêm các công việc khác như phụ hồ, khuân vác… để kiếm thêm thu nhập.

Ông Tống Văn Vinh, Chủ tịch HĐTV Công ty Ngũ Lâm Việt chia sẻ: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng gồng gánh đến hết Tết Dương lịch để người lao động có tiền thưởng Tết. Sau đó, Công ty sẽ cho người lao động nghỉ dài 2-3 tháng, chờ tình hình khả quan hơn. Đồng thời, Công ty duy trì 150 phòng trọ miễn phí, có cả nhà trẻ, trường mẫu giáo để công nhân yên tâm lao động, làm việc”.

Đứng trước tình hình hiện tại, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được duy trì chính sách giảm thuế VAT từ 10% còn 8%, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, vay ngân hàng chính sách với lãi suất 0% để chi lương cho người lao động… Đây là lúc doanh nghiệp cần nhất những biện pháp hỗ trợ này để sớm quay lại nhịp độ hoạt động như đầu năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tự điều chỉnh
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 giảm trên 25% so với cùng kỳ năm 2021, ngược lại, khối lượng trái phiếu được mua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư