Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp mệt mỏi với các khoản chiếm dụng vốn của đối tác
Thanh Thủy - 05/09/2022 08:19
 
“Nợ phải thu khách hàng”, “trả trước cho nhà cung cấp”… tên gọi khác nhau của các khoản chiếm dụng vốn đối tác đang “dềnh” lên đáng kể, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp xây lắp, bất động sản.
Lợi nhuận của doanh nghiệp xây lắp suy giảm vì có ít nhất 20-30%  trong khối này nợ lẫn nhau. Ảnh: Đức Thanh

Co kéo dòng tiền vì các khoản chiếm dụng vốn

Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của  Công ty CP Xây dựng Coteccons âm gần 1.300 tỷ đồng. Sự bù đắp của dòng tiền tài chính với gần 1.452 tỷ đồng tiền thu từ đi vay mới có thể giúp lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương, số dư tiền và tương đương tiền tăng thêm gần 29 tỷ đồng. “Bộ đệm” thanh khoản là các khoản tiền gửi ngân hàng đã được sử dụng làm tài sản thế chấp để Coteccons đi vay ngân hàng, giải quyết dòng tiền.

Nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của “ông lớn” ngành xây lắp này thâm hụt lớn là sự gia tăng của các khoản chiếm dụng vốn. Giá trị phải thu khách hàng và trả trước cho nhà cung cấp tăng thêm 884 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Tính bình quân, cứ 100 đồng tài sản của Coteccons có 56 đồng tài sản là các khoản vốn đang bị chiếm dụng và có 6,19 đồng nợ phải thu/trả trước của đối tác bị tính vào diện “nợ xấu”. Giá trị nợ xấu đến cuối quý II là 1.025 tỷ đồng khiến Coteccons phải trích lập dự phòng đến nay gần 885 tỷ đồng. Trong đó, Bất động sản Ngôi sao Việt - một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang “chiếm dụng” 484 tỷ đồng. Toàn bộ khoản nợ xấu này đã được Công ty dự phòng. Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập thêm 242 tỷ đồng cho dự án này trong quý II/2022 dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ.

Một đối tác khác là Đầu tư Minh Việt cũng đang khiến Coteccons “đọng vốn” và suy giảm lợi nhuận vì trích dự phòng tới 122 tỷ đồng.

Trích lập cho các khoản phải thu khó đòi cũng là nguyên nhân chính khiến Coteccons dù chỉ nhích tăng nhẹ doanh thu, Coteccons chỉ báo lãi tương đương chưa đến 5,5% so với cùng kỳ năm trước với lợi nhuận vỏn vẹn 5,4 tỷ đồng, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 73 đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây lắp cũng cùng cảnh ngộ dù ở một số doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện đáng kể về doanh thu.

Doanh thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nửa đầu năm tăng hơn 1.620 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các khoản phải thu tăng lên trong khoảng thời gian này là 1.351 tỷ đồng, gấp 4,62 lần nửa đầu năm 2021. Trong đó, riêng phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng tăng 562 tỷ đồng, phải thu khách hàng và trả trước người bán tăng 300 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 1.365 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ thặng dư hơn 690 tỷ đồng. Tương tự Coteccons, dòng tiền của Hòa Bình kỳ này phải dựa chính vào hoạt động tài chính. Công ty cũng phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi nhưng chỉ vài tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh lại kéo lợi nhuận của doanh nghiệp xây lắp này giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Tập đoàn Xây dựng SCG - đơn vị thường xuyên nhận thầu các dự án của Sunshine đã quen với việc dư nợ phải thu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản. Đến cuối quý II/2022, tổng giá trị phải thu khách hàng và trả trước người bán đạt 4.666 tỷ đồng, chiếm 78% cơ cấu tài sản. Hiện SCG không ghi nhận khoản nợ xấu nào do đối tác “chiếm dụng” vốn, nhưng chi phí tài chính lại là gánh nặng của doanh nghiệp này. Biên lợi nhuận đã khá mỏng lại thu hẹp trong nửa đầu năm cùng chi phí lãi vay tăng 36% khiến lợi nhuận nửa đầu năm giảm 38% so với cùng kỳ.

Nhức nhối

“Đọng vốn” vì các khoản phải thu gia tăng không phải riêng câu chuyện của các doanh nghiệp xây lắp lớn trên sàn. Số liệu từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam hé lộ, có ít nhất 20-30% doanh nghiệp xây lắp nợ lẫn nhau. Theo tính toán sơ bộ của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, số tiền đọng vốn các doanh nghiệp vay nợ lẫn nhau lên tới 60.000 tỷ đồng. Cùng với tồn kho gia tăng, việc nợ vay lẫn nhau cũng chính là nguyên nhân khiến vòng tiền quay chậm lại.

“Đã có những doanh nghiệp nới thời gian cho đối tác vay từ 45 ngày lên 90 ngày, nhưng vẫn không trả nợ đúng hạn”. Từ thực tế thị trường, TS. Cấn Văn Lực đánh giá hiện tượng “đọng vốn” tại doanh nghiệp là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Cũng theo ông, việc các doanh nghiệp hiện nay nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn, một phần là hệ lụy từ việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khác, đặc biệt là khi kênh huy động vốn tín dụng đang chưa được “nới” room và thị trường trái phiếu trầm lắng sau sự cố liên quan đến trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành.

Doanh nghiệp xây dựng vốn phụ thuộc vào thị trường bất động sản lại thường chỉ có biên lãi gộp mỏng đang ít nhiều chịu ảnh hưởng khi dòng vốn chảy vào ngành bất động sản gặp khó. Các khoản doanh thu được ghi nhận nhưng tiền chưa thực về, thậm chí “khó đòi” sẽ  ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm hạn chế về năng lực tài chính.

Với các khoản nợ với đối tác (khách hàng/nhà cung cấp), đối tác cho nợ bao nhiêu ngày nên trả nợ đúng hạn, không cần trả sớm nhưng cũng không nên chây ỳ, nợ đọng. Thực tế đã có những doanh nghiệp nới thời gian cho đối tác vay từ 45 ngày lên 90 ngày, nhưng vẫn có đối tác không trả nợ đúng hạn. Thực trạng này cũng phản ánh phần nào việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
Nhà thầu xây dựng gồng mình trong bão giá
Cơn “bão giá” nguyên vật liệu xây dựng đang đẩy các nhà thầu xây dựng dự án hạ tầng tại miền Trung-Tây Nguyên vào thế khó khăn, phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư