Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Mỹ ưu tiên đặt hàng Việt Nam
Thế Hải - 02/05/2022 08:21
 
Nguồn cung ứng từ Việt Nam đang có mức tăng trưởng bền vững, kể cả trong giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ ngày càng tin tưởng và gia tăng nhập hàng từ Việt Nam.
Nguồn: Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan; Đơn vị: tỷ USD	 đồ họa: thanh huyền
Nguồn: Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan; Đơn vị: tỷ USD.          Đồ họa: Thanh Huyền

Doanh nghiệp Mỹ coi trọng nguồn cung ứng từ Việt Nam

Quý I/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này một lần nữa cho thấy, các nhà nhập khẩu Mỹ coi trọng nguồn cung ứng hàng hóa từ Việt Nam.

Còn trong năm 2021, năm chứng kiến một khoảng thời gian dài trong quý III, sản xuất suy giảm nặng nề bởi đợt dịch thứ tư bùng phát, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sản xuất phục hồi, đơn hàng xuất khẩu được “đền bù”, đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng dương trở lại, trong đó, lượng hàng hóa trị giá 96,3 tỷ USD đã được xuất sang Mỹ, tăng 24,9% so với năm 2020. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu.

Khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu sang Mỹ đều tăng trưởng cao và ổn định so với nhiều thị trường khác. Dễ thấy nhất là trong 2 năm đại dịch (2020-2021), bất chấp khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu sang Mỹ đạt 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019; năm 2021 xuất khẩu sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD.

Lý giải việc xuất khẩu sang Mỹ tăng cao trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác và Việt Nam đã “ghi điểm” trong mắt các nhà nhập khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản…, nhờ liên tục đón dòng vốn ngoại để đầu tư mở mới nhà xưởng và mở rộng sản xuất, từ đó có điều kiện đón nhận đơn hàng lớn từ khách mua hàng. Các nhà đầu tư nước ngoài là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp ngày càng lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngay trong năm 2021, dù đại dịch, các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Apple, Amazon, Google, Intel… vẫn công bố khoản đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Intel đầu tư bổ sung 475 triệu USD.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ những năm gần đây có chuyển biến rõ nét. Ngoài những nhóm hàng thế mạnh truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản, thì các nhóm hàng chế tạo như điện tử, linh kiện, đồ gỗ cũng đã vươn lên vị trí hàng đầu. Hiện có 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ vượt 1 tỷ USD, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD. Ba nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất là máy móc - thiết bị (17,82 tỷ USD); dệt may (16,1 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (12,76 tỷ USD).

Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu nhiều tỷ USD sản phẩm gỗ, nông thủy sản từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,77 tỷ USD, thủy sản hơn 2 tỷ USD, hạt điều hơn 1 tỷ USD.

Những chuyến bay thương mại đã được nối lại, đưa nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam sau gần 2 năm đại dịch. Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2022 hồi đầu tháng 3/2022 đã có sự xuất hiện trở lại của đại diện cấp cao doanh nghiệp Mỹ và điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường cung ứng hàng hóa ngày càng quan trọng với Mỹ.

Tận dụng thời cơ tăng tốc xuất khẩu

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết với các nền kinh tế lớn, giúp thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Các FTA có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, cũng như tạo điều kiện để các nhà mua hàng tăng đặt hàng từ Việt Nam nhờ thuận lợi hóa thương mại, thêm cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ khẳng định, Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến được họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung. Nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi các khảo sát cho thấy, Mỹ tăng cường chọn Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng. Quý I/2022, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập nhiều tôm nhất của Việt Nam, với tỷ trọng 20,4%, đạt gần 195 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Còn với dệt may, theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD, trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam, với 4,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam với tựa đề “Việt Nam - đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý II”, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022, khi các chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng. Tổ chức này cũng nhấn mạnh, Việt Nam vẫn là một trung tâm sản xuất và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Nông sản Việt “tăng tốc” xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Nhiều lô hàng nông, lâm, thủy sản với giá trị lớn đã được xuất sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm, mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu vào thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư