Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn bí đầu vào
Lê Quân - 01/03/2020 15:30
 
Thu mua linh kiện, vật liệu trong nước vẫn là bài toán khó đối với hơn nửa số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, khi tỷ lệ thu mua nội địa năm qua dậm chân tại chỗ.
.

Lo khó mua nguyên liệu vì Covid-19

Năm 2019, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào của thị trường trong nước cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, với 36,3%. Theo sau là thị trường Mỹ (33,6%), Trung Quốc (10,2%), ASEAN (8,6%)... Tuy nhiên, tỷ lệ này không được cải thiện so với năm trước đó.

Đó là kết quả của “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á - châu Đại Dương năm 2019” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cuối tuần trước.

Theo JETRO, có khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản được thành lập tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở gần đây, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn hơn so với doanh nghiệp quy mô lớn.

Tỷ lệ thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng dần kể từ năm 2010, nhưng khoảng cách so với các nước lân cận chưa được rút ngắn. Tỷ lệ này chỉ bằng gần 1/2 so với mức thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc (69,5%) và gần 2/3 so với tỷ lệ tương ứng tại thị trường Thái Lan.

Đáng nói hơn, doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp một phần nhỏ, chiếm 13,6% trong tổng thu mua nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp Nhật Bản. Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn trong việc thu mua linh phụ kiện, vật liệu từ thị trường Việt Nam. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp này, thị trường trong nước là nguồn cung hàng hóa đầu vào đầy tiềm năng và trên 58% doanh nghiệp được khảo sát có xu hướng mở rộng thu mua từ thị trường trong nước.

Tình hình dịch bệnh hiện nay chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động nói chung và việc thu mua linh phụ kiện, vật tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói riêng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho rằng, cần có thời gian để đánh giá tác động toàn diện.

Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam hiện vẫn duy trì sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào đang tồn kho, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nhà cung ứng Trung Quốc. Đặc biệt, phần lớn lao động của các nhà cung ứng Trung Quốc là người sở tại, nên nhiều lao động có thể không quay trở lại làm việc sau dịch bệnh. “Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các nhà cung ứng Trung Quốc, từ đó tác động tiêu cực đến nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp Nhật Bản”, ông Takeo Nakajima nói.

Phía doanh nghiệp Nhật Bản đang rất yên tâm với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà Việt Nam đang áp dụng. Tuy nhiên, công tác chống dịch không đơn thuần là hạn chế người dân di chuyển, mà còn kéo theo cả hạn chế vận chuyển hàng hóa, do đó sẽ tác động tới hoạt động của doanh nghiệp. “Chúng ta cần có thời gian xem xét có căn cứ khoa học để đề ra giải pháp phù hợp nhất”, ông Takeo Nakajima khuyến nghị.

Sân chơi mới từ EVFTA

Tuần qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thị trường châu Âu hiện chiếm tỷ trọng không lớn (2,8%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi EVFTA được ký kết, doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm hơn đến các cơ hội từ hiệp định này, vì châu Âu là thị trường lớn để có thể mở rộng xuất khẩu. EVFTA với thuế suất thấp sẽ mở cánh cửa để hàng hóa của doanh nghiệp Nhật Bản cạnh tranh tốt hơn tại thị trường này. Đồng thời, EVFTA còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu nguồn linh phụ kiện với thuế suất thấp.

Tỷ lệ thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng dần kể từ năm 2010, nhưng khoảng cách so với các nước lân cận chưa được rút ngắn.

Hiện tại, một số doanh nghiệp Nhật Bản đang tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong giao dịch với các nước ASEAN. Một vấn đề nổi lên là, Việt Nam đã ký và phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng do nhiều quy định pháp luật trong nước để thực hiện hiệp định này còn chậm ban hành, nên doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế như thường và chờ hoàn thuế theo ưu đãi khi có hướng dẫn cụ thể.

“Điều này gây ra một số trở ngại và bất tiện cho các doanh nghiệp muốn tận dụng CPTPP và các FTA khác nói chung”, Trưởng đại diện JETRO cho biết.

Theo đại diện JETRO, để doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng tiếp cận các FTA, Việt Nam cần sớm hoàn thiện các quy định hướng dẫn áp dụng các hiệp định đó, đồng thời chỉ định một đầu mối triển khai áp dụng quy định của các FTA để tránh trường hợp quá nhiều đơn vị liên quan, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình tận dụng các hiệp định này.

Việt Nam đứng đầu trong ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh
Có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh, đứng đầu trong các nước ASEAN, theo kết quả khảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư