Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Nhật “săn” cơ hội từ TPP
Hồng Sơn - 20/10/2015 18:49
 
Ngay sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Các doanh nghiệp Nhật hiện đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng “nhanh chân” trong việc tăng cường năng lực sản xuất, tìm địa điểm mới để đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Kawakubo Akio, Tổng giám đốc Công ty TNHH FAPV (Nhật Bản), doanh nghiệp chuyên sản xuất dây dẫn điện cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô cho biết, FAPV vừa quyết định thuê toàn bộ khu nhà xưởng cao 8 tầng với tổng diện tích sàn hơn 17.000 m2 tại Khu chế xuất Tân Thuận. “Trước đây, FAPV chỉ có ý định thuê hơn nửa diện tích này, nhưng trước những cơ hội mới từ TPP, chúng tôi quyết định thuê thêm để mở rộng sản xuất”, ông Kawakubo Akio nói và thông tin thêm, ngay sau khi hoàn tất thủ tục, Công ty sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị, máy móc để ngay trong tháng 1/2016 có thể sản xuất tại địa điểm mới.

Nhiều doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam tăng quy mô để đón đầu cơ hội từ TPP
Nhiều doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam tăng quy mô để đón đầu cơ hội từ TPP

Tuy không tiết lộ chi tiết về năng lực sản xuất hiện tại, song theo đại diện FAPV, mỗi tháng doanh nghiệp phải sử dụng hơn 700 tấn đồng thành phẩm để phục vụ cho việc sản xuất dây dẫn điện. Mặc dù ngành sản xuất ô tô không được hưởng lợi nhiều từ TPP như các ngành dệt may, da giày, nông nghiệp, nhưng đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng sản xuất. “Ít nhất, doanh nghiệp cũng được lợi về thuế, vì theo quy định, các nguyên liệu phục vụ sản xuất nếu có xuất xứ từ các nước trong TPP sẽ được miễn thuế nhập khẩu”, ông Kawakubo Akio nói.

Trước đó, liên tiếp có 2 đoàn doanh nghiệp của vùng Tokyo và vùng Osaka đã đến TP.HCM để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư.

Ông Hideo Toyoshima, Giám đốc Tổ chức Thương mại và Công nghiệp vùng Osaka cho biết, các doanh nghiệp vùng Osaka mạnh trong các lĩnh vực cơ khí, gia công linh kiện điện tử, phụ tùng cho nhà máy điện, phụ tùng ô tô, máy hàn, máy cắt, tái chế rác thải… Vùng Osaka cũng bắt đầu phát triển công nghiệp lĩnh vực dệt may. Việc đàm phán TPP thành công là cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối nhu cầu, chuẩn bị tốt cho việc khai thác thị trường lớn do TPP mang lại.

“Sau khi tìm hiểu thị trường và các đối tác, nếu thấy nhà cung cấp Việt Nam có khả năng hợp tác sản xuất, sẽ có một số doanh nghiệp của vùng Osaka đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam”, ông Hideo Toyoshima thông tin.

Ông Atsushi Hisano, Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài thuộc Cục Công nghiệp và Lao động chính quyền TP. Tokyo, Trưởng đoàn doanh nghiệp vùng Tokyo sang Việt Nam tìm hiểu thị trường thì cho rằng, tự do hóa mậu dịch là nội dung cơ bản của TPP, do đó thách thức cũng sẽ nhiều và gay gắt hơn. Theo ông Atsushi Hisano, các doanh nghiệp Nhật khi quyết định đầu tư sẽ tìm hiểu kỹ, sử dụng các thế mạnh của mình và đối tác. Ví dụ, đầu tư trong lĩnh vực dệt may để tận dụng nhân công giá rẻ, công nghiệp cơ khí tận dụng tay nghề, sự chăm chỉ, cẩn thận của công nhân. Các doanh nghiệp vùng Tokyo sang Việt Nam lần này phải lựa chọn được đối tác phù hợp để phát huy lợi thế về kỹ thuật, công nghệ cao của Nhật để hợp tác, phát triển thị trường….

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM nhận xét, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2015 không suy giảm mà có xu hướng vượt hơn năm trước. Cụ thể, theo thống kê của Jetro, trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 195 dự án cấp mới và 84 lượt dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm là 720 triệu USD.

“Trong thời gian tới, việc các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam là xu hướng tất yếu”, ông Yasuzumi Hirotaka nhận định. Tuy nhiên, kết quả của sự đầu tư này cũng liên quan nhiều đến việc nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa. Theo điều tra của Jetro, 77% doanh nghiệp Nhật Bản coi trọng việc cung ứng từ các doanh nghiệp Việt Nam để cắt giảm chi phí sản xuất.

Cũng theo đại diện Jetro, các doanh nghiệp Nhật Bản chú ý đến 2 mảng, đó là công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất xe hơi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và đầu tư vào nông nghiệp. “Việt Nam có lợi thế thu hút các dự án của Nhật Bản trong lĩnh vực dệt may, nhưng cần phải sản xuất được sợi chất lượng cao với nhiều chủng loại đa dạng, không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc”, ông Yasuzumi Hirotaka khuyến cáo.

Chăn nuôi còn ít nhất 10 năm để chuẩn bị đối phó với TPP
Theo kết quả đàm phán TPP, lộ trình giảm thuế của ngành chăn nuôi là dài nhất, lên đến 10 năm. Do đó, dù TPP có được ký kết thì nhanh nhất, phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư