Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp nội trả lương thấp hơn doanh nghiệp ngoại 31%
Hồng Phúc - 06/10/2016 21:22
 
Theo báo cáo khảo sát mới nhất của Tập đoàn Mercer và Telentnet, năm nay mức tăng lương của các doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 8,9% và sẽ đạt khoảng 9,2% vào năm 2017. Tuy nhiên mức lương trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam lại thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài khoảng 31%.
TIN LIÊN QUAN

Ông Puneet Swani, Trưởng bộ phận khối sản phẩm giải pháp nhân sự châu Á- Tập đoàn Mercer cho biết, năm 2016 tập đoàn Mercer và Talentnet đã khảo sát mức độ lương, thưởng của 557 doanh nghiệp và khoảng 244.000 nhân viên tại Việt Nam. Trong đó 481 công ty nước ngoài và 76 công ty Việt Nam nằm trong 76 ngành nghề khác nhau từ công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, hóa phẩm…

Kết quả cho thấy các ngành như công nghệ cao, sản xuất, dược và hóa chất là 4 ngành hàng có tỷ lệ tăng lương cao nhất ở mức 10%. Trong khi đó, các ngành nghề về giáo dục, ngân hàng, dầu khí có mức tăng lương thấp nhất, lần lượt là 7,5%, 6,7% và 5%.

Ông Puneet Swani cho rằng Việt Nam sẽ mất khoảng 15-20 năm để bắt kịp mức tăng lương với các nước trong khu vực
Ông Puneet Swani cho rằng, Việt Nam sẽ mất khoảng 15-20 năm để bắt kịp mức tăng lương với các nước trong khu vực

Mức lương trung bình của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài là 31%. Trong đó, độ chênh lệch giữa 2 loại công ty này khi xét theo từng cấp bậc: nhân viên, chuyên viên và quản lí lần lượt là 20%, 30% và 38%. Đặc biệt khi so sánh mức lương giữa vị trí quản lý và nhân viên, độ chênh lệch lương giữa 2 vị trí này ở các công ty nước ngoài lớn hơn hẳn các công ty trong nước. Điều này cho thấy mức độ đầu tư ngân sách để thu hút và giữ chân nhân tài của các công ty nước ngoài có vẻ cao hơn, khi không xét đến các chế độ phúc lợi khác.

“Đây được xem là bản báo cáo lương, thưởng lớn nhất và chi tiết nhất Việt Nam trong 17 năm qua. Một trong những lý do mà tỉ lệ tăng lương tại Việt Nam cao là vì lạm phát ở Việt Nam khá cao ở mức 3% năm 2016 và ước khoảng 4% vào năm 2017. Với tốc độ tăng lương như hiện nay thì Việt Nam sẽ mất khoảng 15-20 năm để bắt kịp mức tăng lương với các nước trong khu vực”, ông Puneet Swani chia sẻ.

Theo bà Hoa Nguyễn, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Nhân sự và Khảo sát lương của Talentnet, mức tăng lương giảm đều cho cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2017. Các ngành ngoài lĩnh vực ngân hàng, nông nghiệp sẽ nằm trong top 10 lĩnh vực có mức tăng nhẹ so với các ngành khác khoảng 20%. Còn các công ty lớn trong nước dự báo sẽ tiếp tục có mức thưởng cao hơn so với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, với sự hồi phục nhẹ của nền kinh tế năm 2015 kéo theo nhiều cơ hội việc làm mới cũng như thay đổi công việc. Tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên tại cá công ty nước ngoài giảm không đáng kể trong khi tỉ lệ này tại các công ty trong nước lại tăng lên đến 10%.

“76 doanh nghiệp Việt Nam mà chúng tôi khảo sát hầu hết là doanh nghiệp lớn. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, rất nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 15%/năm. Mặc dù lương của các doanh nghiệp Việt Nam trả thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài nhưng phần trăm thưởng trên tổng mức thu nhập của nhân viên sẽ cao hơn các công ty nước ngooài. Các doanh nghiệp Việt Nam mà tôi tiếp xúc ngày càng quan tâm đến chế độ lương thưởng để thu hút và giữ chân nhân tài như vậy trong tương lai họ sẽ có thể bắt kịp các công ty nước ngoài về khoản này nhưng cũng mất khoảng 3-5 năm nữa”, bà Hoa Nguyễn nói.

Các vị trí như Quản lý kinh doanh, chuyên viên kinh doanh – tiếp thị và Quản lý tiếp thị tiếp tục là những ngành “hot” trên thị trường tuyển dụng. Ngoài ra, khi so với mức trung bình trên thị trường, 3 ngành có mức lương-thưởng thực tế cao nhất thuộc về Dầu khí (67%), Tài chính ngân hàng (12%), Hóa chất (11%) và 3 ngành có mức lương – thưởng thực tế thấp nhất là Bán lẻ (28%), Bất động sản (15%) và Sản xuất (12%)

Có thể nói khi thị trường lao động ngày càng trở nên phẳng và mở hơn, chế độ lương thưởng cũng là một trong những yếu tố chủ chốt giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tai. Tuy nhiên, khi xét đến việc phát triển nguồn nhân lực cũng như hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn cần tính đến các yếu tố khác như môi trường làm việc, đào tạo, quản lý hiệu quả công việc…cũng như xem xét tận dụng yếu tố nào trong gói lương thưởng toàn diện nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa các chính sách và đặc biệt là sự phù hợp với mục tiêu kinh doanh trong thực tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư