Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp sốt ruột với quy định không rõ ràng
Khánh An - 04/07/2021 06:28
 
Chính phủ đang đặt trọng tâm rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Vấn đề là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Doanh nghiệp thủy sản mong muốn, việc kiểm tra an toàn thực phẩm với các sản phẩm thủy sản được quy định theo thông lệ quốc tế. Ảnh: Đ.T

Sửa nhưng vẫn vướng

Mặc dù Thông tư số 15/20218/TT-BNNPTNT đã được liệt kê trong Danh mục Văn bản quy phạm pháp luật do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (ban hành kèm theo Quyết định số 889/2021/QĐ-TTg, ngày 7/6/2021), nhưng ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) vẫn chưa an tâm.

“Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi, trực tiếp kiến nghị các đề xuất của doanh nghiệp với lãnh đạo Vụ Pháp chế và lãnh đạo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vì dự thảo thông tư sửa đổi không gỡ được vướng mắc mà doanh nghiệp đang chờ đợi”, ông Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Vẫn là kiến nghị mà Vasep đã nhiều lần gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2010 đến nay, đó là quy định rõ hàng thủy sản đông lạnh và sản phẩm thủy sản đông lạnh không thuộc diện phải thực hiện thủ tục đăng ký và kiểm dịch thú y.

Cơ sở của kiến nghị này là quy định của Tổ chức Thú y thế giới, thông lệ đang thực hiện tại EU, các nước Bắc Mỹ, các nước trong khu vực ASEAN... chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm với các sản phẩm thủy sản chế biến (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, ướp muối…) dùng làm thực phẩm. Việc kiểm dịch nếu có sẽ phục vụ việc tìm kiếm các tác nhân gây bệnh cho thủy sản, chứ không phải là các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như quy định trong các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc duy trì quy định như vậy đã khiến hầu hết các container hàng thủy sản nhập khẩu đều phải kiểm tra, dù mục đích nhập khẩu là gia công hàng xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa.

Theo số liệu công bố của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT tổ chức đầu năm 2021, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp. Cụ thể, năm 2017, có 4 vụ bị phát hiện vi phạm trong tổng số 320.376 tờ khai, chiếm 0,001%; năm 2018, có 6/183.831 tờ khai bị vi phạm; năm 2019, không phát hiện vi phạm trong 320.376 tờ khai. Trong khi đó, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ năm 2010 đến nay.

Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT vẫn tiếp tục đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thủy sản (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền…) thuộc danh mục phải kiểm dịch. “Đây là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành”, Dự án TFP đã đưa ra nhận định như vậy.

Tính thêm cả sự bất nhất hiện hữu về các khái niệm sản phẩm rủi ro cao, rủi ro thấp với sản phẩm thủy sản giữa hai thông tư cùng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, ông Nam đang lo, doanh nghiệp còn khổ dài.

Ai chịu trách nhiệm?

“Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vì các kiến nghị đều thuộc thẩm quyền xem xét của bộ này”, ông Nam nói khi đưa ra hàng loạt kiến nghị tương đồng thu thập được từ các hiệp hội doanh nghiệp khác, gồm cả Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC)...

Nhưng, nhiều cuộc họp trôi qua, thậm chí đã được ghi trong các nghị quyết của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhiều năm, mà vướng mắc vẫn còn nguyên. “Chúng tôi cảm thấy sốt ruột, vì thời hạn mà Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT là tháng 12/2021. Chúng tôi cố gắng lên tiếng, nhưng vấn đề là, các cơ quan liên quan có lắng nghe hay không”, ông Nam tâm tư.

Trên thực tế, lo lắng này không chỉ của một vài hiệp hội doanh nghiệp. Trong các dự kiến hướng đề xuất tiếp theo cho những kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp mà lâu không nhận được phản hồi, các chuyên gia của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã phải tính cả phương án đề nghị Bộ Nội vụ trừ điểm khi đánh giá mức độ cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.

Vì, trong danh sách các kiến nghị chưa được phản hồi của Ban IV, có kiến nghị đã hơn 6 tháng chưa có hồi âm, có kiến nghị nhận được hồi âm sau 5 tháng, nhưng lại là nội dung chuyển cơ quan khác xử lý.

Các kiến nghị đều là những vướng mắc hiện hữu, chậm được giải quyết đồng nghĩa với chi phí phải bỏ ra là tiền tươi, thóc thật. Ví dụ, các các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang phải gửi mẫu lốp xe mô tô, xe gắn máy ra Cục Đăng kiểm tại Hà Nội, vì đây là đầu mối duy nhất kiểm nghiệm mẫu theo quy chuẩn khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu các mặt hàng này về Việt Nam. Doanh nghiệp đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải công nhận bổ sung các đơn vị thực hiện chức năng này tại các khu vực khác để giảm thiểu chi phí, nhưng chưa thấy hồi âm.

Cũng với quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, một số doanh nghiệp nhập khẩu đèn led trị giá 132 euro/chiếc, nhưng theo quy định phải nộp 5 cái làm thử nghiệm, với chi phí thử nghiệm là 10 - 14 triệu/sản phẩm. Doanh nghiệp chỉ mong Bộ Khoa học và Công nghệ công bố cụ thể các tiêu chí từ phía Việt Nam cần để nhà sản xuất nước ngoài làm theo và cung cấp lại cho đối tác mua hàng phía Việt Nam.

“Doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, nhưng cũng mong muốn các quy định phải thực tế. Như mới đây, khi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có dự thảo Nghị định Kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, chúng tôi rất mừng vì trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan được ghi rõ, cách thức thực hiện cũng rõ ràng, thực tế”, ông Nam chia sẻ.

Doanh nghiệp thực sự chỉ cần các quy định như vậy.

Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu, tiếp tục đổi mới việc triển khai công tác xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo...

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hỗ trợ doanh nghiệp: Không có lý do chậm trễ
Ngay trước thời điểm đến hạn của quy định về giãn thời gian nộp một số khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính có văn bản mới, với thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư