Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp tại TP.HCM được hoạt động khi nào?
D.Ngân - 13/07/2021 21:11
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo đối với trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo một trong hai yêu cầu chống dịch Covid-19 thì dừng hoạt động, từ 0 giờ ngày 15/7.

Theo đó, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM khi đảm bảo một trong hai trường hợp sau: Thứ nhất, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra nhà máy tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Thứ hai, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Lãnh đạo TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Cùng với đó, thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.

Đối với trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động. Thời gian dừng hoạt động bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/7/2021 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM hiện có 42/128 doanh nghiệp đăng ký phương án vừa cách ly vừa sản xuất. Các khu vực nhà xưởng, nhà kho được đưa vào làm nơi cách ly với 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng chưa sử dụng để phục vụ khi có yêu cầu.

Do vậy, TP đã ghi nhận 50 công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận có tổng số trên 400 ca bệnh. Cách đây hai hôm, 29 doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận cũng phải dừng hoạt động.

Nhiều nhà máy ở khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) cũng tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất khi nơi đây ghi nhận hơn hàng trăm ca nhiễm.

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), với hơn 56.000 lao động, cũng sẽ dừng sản xuất từ ngày mai theo yêu cầu chính quyền địa phương để phòng chống dịch.

Ngày 13/7, Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đã phối hợp cùng UBND TP. Thủ Đức và Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM khảo sát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao. 

Đại diện Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, đến nay, tại Khu công nghệ cao có 154 doanh nghiệp đang thực hiện những dự án đầu tư. Trong đó có gần 90 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, còn lại là các doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai dự án, chưa đi vào hoạt động. 

Ban quản lý đã tổ chức cho các doanh nghiệp thực hiện việc tự đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất theo Quyết định 2194 của Bộ Y tế. Các doanh nghiệp đã tự đánh giá và báo cáo trên hệ thống trực tuyến. 

Kết quả tự đánh giá, không có doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất cao và nguy cơ cao, 8 doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở mức trung bình, 42 doanh nghiệp có nguy cơ thấp, 35 doanh nghiệp ít nguy cơ lây nhiễm.

Dựa trên kết quả tự kiểm tra đánh giá của các doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã phối hợp với các tổ, đoàn kiểm tra thực hiện trực tiếp kiểm tra 15 doanh nghiệp. 

Đây là những doanh nghiệp có lượng lao động trên 1.000 lao động, chiếm 80% tổng số lao động trên địa bàn Khu công nghệ cao. Kết quả kiểm tra, có 1 doanh nghiệp nguy cơ rất cao, 1 doanh nghiệp nguy cơ cao, 3 doanh nghiệp nguy cơ trung bình 3, 5 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm thấp là 5, và 5 doanh nghiệp ít nguy cơ. 

Đặc biệt, 2 doanh nghiệp nguy cơ cao và rất cao là các công ty đã phát hiện nhiều ca bệnh Covid-19, hiện nay các công ty này vẫn đang thực hiện tạm dừng sản xuất. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, đã có 20 doanh nghiệp trình các phương án đến Ban Quản lý Khu công nghệ cao về việc vừa cách ly vừa sản xuất. 

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, TP.HCM đang trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16. 

Khu công nghệ cao có lượng người lao động đông, người lao động phân bố trên nhiều địa bàn, do đó đây được đánh giá là 1 trong những điểm nóng dịch bệnh. Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bằng việc cắt đứt các vòng lặp dịch bệnh giữa Khu công nghệ cao, Khu chế xuất với các khu lưu trú, nhà trọ.

Để chống dịch, Ban Quản lý Khu công nghệ cao tăng cường kiểm tra giám sát, phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo; Yêu cầu các doanh nghiệp có nhu cầu duy trì sản xuất trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 phải có phương án cách ly người sản xuất. 

Hiện nay các doanh nghiệp được định hướng 2 phương án, bao gồm: Triển khai khu lưu trú dã chiến ngay tại doanh nghiệp, hoặc thực hiện theo mô hình “một con đường hai điểm đến” (doanh nghiệp tổ chức cách ly tập trung người lao động tại khu lưu trú bên ngoài và có phương tiện vận chuyển người lao động đến phân xưởng). 

Đối với cả 2 phương án này, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt người lao động, lập danh sách người lao động, thực hiện test nhanh định kỳ.

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức và Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, TS.Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, thuộc Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM cho biết, cơ bản các doanh nghiệp đã có các phương án phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các phương án, quy trình được doanh nghiệp xây dựng chưa thực sự đảm bảo. Trường hợp có ca bệnh thì nguy cơ lây nhiễm ở các doanh nghiệp rất cao. 

"Do đó, hiện nay các cấp, ban ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định các phương án của các doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn khắc phục những hạn chế. Những doanh nghiệp nguy cơ cao cần thực hiện nghiêm tạm dừng sản xuất để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh", TS.Hà yêu cầu.

Ngày 13/7, Tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đã thành lập 2 đoàn công tác để rà soát, kiểm tra, đánh giá nguy cơ tại 2 doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao. Các doanh nghiệp cho biết đang  xây dựng phương án tổ chức cách ly người lao động ngay tại doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất. Doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh trong công tác tiếp nhận và xử trí đối với người lao động có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, và các phương án phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn phân xưởng.

TP.HCM: Đảm bảo hàng hóa thông suốt, triển khai tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin
TP.HCM luôn đảm bảo hành hóa thông suốt trong thời gian giãn cách xã hội, điều tiết giao thông từ xa để không ùn ứ, tiếp tục tiêm hơn 1,1 triệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư