Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt tăng đơn hàng đi Mỹ
Thành Vân - 27/05/2021 14:25
 
Doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi khi Mỹ tăng cường tìm kiếm nguồn cung mới ngoài Trung Quốc để phục vụ nhu cầu và nền kinh tế đang hồi phục tại Mỹ.
.
Công ty TNHH Dệt May Trung Quy 

Một trong 3 thị trường Mỹ nhập khẩu nhiều nhất

Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt May Trung Quy cho biết, 2 tháng qua, doanh nghiệp ông ghi nhận nhiều đơn hàng đổ về từ Mỹ, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng đơn đặt hàng là do thị trường tiêu dùng Mỹ đang phục hồi, cũng như nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của họ. Cụ thể, hoạt động mua sắm nguyên phụ liệu dệt may của Mỹ đang dịch chuyển từ Ấn Độ và Trung Quốc sang Việt Nam. Các đơn đặt hàng may mặc cũng gia tăng khi các thị trường lân cận như Myanmar, Campuchia và Lào đang phải vật lộn với Covid-19.

Hiện nay, Trung Quy đang cung cấp nguyên liệu vải cotton cho các doanh nghiệp may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Do ảnh hưởng của đại dịch nên các doanh nghiệp dệt may phải giảm giá, cạnh tranh nhau để có được đơn hàng lớn. Các doanh nghiệp sẽ không thu được lợi nhuận như mức trước đại dịch, nhưng việc có đơn hàng sẽ giúp duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm khó khăn này.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngoài nguyên nhân do kinh tế phục hồi, người Mỹ chi tiêu nhiều hơn, còn bởi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, Mỹ hiện là một trong 4 nhà nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Ngành thủy sản dự báo tăng trưởng tốt hơn khi Mỹ sắp vào vụ tiêu thụ chính.

Cụ thể, nhu cầu thủy sản thường tăng mạnh dịp cuối năm. Do một thời gian dài người dân Mỹ ở nhà để chống dịch nên nhu cầu ăn uống bên ngoài giảm sút, nhu cầu mặt hàng thủy sản phục vụ nhà hàng, khách sạn cũng giảm theo, song thị trường đang có dấu hiệu phục hồi sau khi Mỹ đã thực hiện tiêm vắc-xin rộng rãi.

Mới đây, QIMA, nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng đã thực hiện một khảo sát với hơn 700 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng quốc tế. Khảo sát chỉ ra rằng, 43% doanh nghiệp Mỹ cho biết, Việt Nam nằm trong số ba thị trường Mỹ nhập khẩu nhiều nhất trong quý I/2021. Khoảng 38% doanh nghiệp Mỹ chọn Việt Nam trong số các thị trường mà họ dự định mua hàng nhiều hơn trong năm 2021.

Việt Nam là một trong những lựa chọn đầu tiên của doanh nghiệp Mỹ khi muốn đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội cho biết, hiện nay rất nhiều nhà bán lẻ và nhập khẩu Mỹ thu mua hàng hóa made in Vietnam, từ áo quần, giày dép, túi xách, hải sản và đồ điện tử. Doanh nghiệp Mỹ cũng đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng tích hợp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ.

“Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam gần đây là do kinh tế phục hồi mạnh mẽ và người Mỹ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra, sự tăng trưởng này còn được thúc đẩy bởi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Adam SitkoffAdam Sitkoff nói.

Lưu ý về thặng dư thương mại

Tờ Wall Street Journal đã chỉ rõ, thị phần của Mỹ trong doanh số bán hàng nước ngoài của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong năm 2020 đến hết tháng 1/2021, nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu của Hinrich Foundation cho biết, các mức thuế trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc đã tạo ra động lực tài chính cho các công ty Mỹ tìm nguồn sản phẩm từ Việt Nam mà trước đây họ có thể đã lấy từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thuế quan chỉ đẩy nhanh xu hướng đã và đang diễn ra khi tiền lương và các chi phí khác ở Trung Quốc ngày càng tăng trong những năm gần đây. Do đó, thị trường Việt Nam dần trở thành nguồn cung thay thế cho nhiều sản phẩm chế tạo.

Cùng với xu hướng này, ông lưu ý, Việt Nam sẽ được hưởng lợi với việc làm và sản xuất gia tăng, nhưng cũng có một số thách thức cần lưu ý. Đó là phát triển hoạt động sản xuất lớn cần phải được tiến hành theo cách bền vững từ khía cạnh môi trường và xã hội. Nếu không, lợi ích sẽ giảm đi trong dài hạn.

Cùng quan điểm trên, đại diện AmCham nhấn mạnh, trong khi tăng trưởng xuất khẩu mang lại lợi ích cho một số doanh nghiệp, điều quan trọng cần lưu ý là thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ không bền vững trong dài hạn. Do đó, với việc mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn, Việt Nam có thể giảm thặng dư thương mại với Mỹ theo hướng có lợi cho cả hai quốc gia.

“Việt Nam có thể tận dụng cơ hội bán hàng nhiều hơn cho Mỹ hay không, phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ để xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi. Điều quan trọng là các công ty và nhà đầu tư Mỹ cần có một sân chơi bình đẳng và minh bạch, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, xây dựng các chính sách rõ ràng và công bằng - đặc biệt liên quan đến thanh tra hải quan và thuế. Việt Nam cũng cần đưa ra các quyết định đúng đắn về đầu tư hạ tầng để thu hút thương mại và đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ”, đại diện AmCham lưu ý.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Xuất khẩu của Nhật Bản vượt dự báo, chứng khoán nhích nhẹ
Các chỉ số lớn của châu Á - Thái Bình Dương biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 20/5 trong bối cảnh Nhật Bản ghi nhận xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư