Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt tìm hướng kinh doanh mới ở nước ngoài
Nguyên Đức - 21/03/2021 15:45
 
Những khó khăn vì Covid-19 dường như khiến các doanh nghiệp Việt dè dặt hơn trong đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp tìm được hướng đi mới để mở rộng cánh cửa kinh doanh.
Unitel (Dự án của Viettel) là nhà mạng đầu tiên tại Lào ra mắt dịch vụ 5G

Tân binh xuất hiện, thêm “luồng gió” mới

Công ty VitaDairy vừa chính thức công bố sở hữu trang trại bò sữa tại bang Tasmania (Australia). Thông tin này ngay lập tức gây bất ngờ, bởi dù đã có 15 năm kinh nghiệm phát triển và được xếp hạng là một trong hai công ty uy tín nhất trong ngành sữa bột nội địa, tên tuổi của VitaDairy chỉ mới được nhắc tới trong mấy năm gần đây.

“Chúng tôi đã mua một trang trại bò sữa tại Australia. Trang trại hiện có 1.000 con bò sữa và đã bắt đầu cho sữa non để chuyển về Việt Nam sản xuất”, bà Nguyễn Thị Hà, Tổng giám đốc VitaDairy cho phóng viên Báo Đầu tư biết.

Cũng theo bà Hà, mặc dù bây giờ mới chính thức công bố việc sở hữu trang trại bò sữa tại Tasmania, song thực tế, thương vụ mua lại và đầu tư cho trang trại này đã được thực hiện từ năm 2020. Khoản đầu tư này, theo tiết lộ của bà Hà, là 10 triệu USD và Công ty đã hoàn tất mọi thủ tục pháp lý đăng ký đầu tư ra nước ngoài với Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm ngoái.

Như vậy, dù không phải là dự án mới nhất được cấp chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, song có thể nói, VitaDairy là một “tân binh”. Và việc công ty này đầu tư ra nước ngoài như thổi thêm một “luồng gió” mới vào “thị trường” đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Khác với trước đây, các doanh nghiệp Việt thường đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực như viễn thông, khai khoáng, nông - lâm, thủy sản…, thì giờ đây, đang mở rộng sang các lĩnh vực khác. Ngành sữa cũng là ngành mà doanh nghiệp Việt đầu tư khá lớn ở nước ngoài. Lần lượt, Vinamilk, Nutifood, đặc biệt là TH đã dốc ngân khoản lớn để có thể mở rộng thị trường kinh doanh.

Sau khi đầu tư đại dự án 2,7 tỷ USD ở Nga, năm 2019, Tập đoàn TH đã mua hai trang trại ở Australia, với tổng vốn đầu tư trên 88,5 triệu USD, để không chỉ chăn nuôi bò, chế biến sữa, mà còn dự kiến trồng bông, hướng dương, chế biến nước hoa quả tại xứ sở Kangaroo. Cũng nhờ các dự án này, năm 2019, Australia trở thành một thị trường đầu tư lớn và hấp dẫn của Việt Nam.

Năm đó, ngoài 2 dự án của TH, còn có Dự án đầu tư, xây dựng nhà để bán và cho thuê thương mại trị giá 38 triệu USD của Công ty cổ phần Đầu tư IMG và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ADPG. Và giờ là VitaDairy. Có lẽ, cũng nhờ có thêm khoản đầu tư này, mà năm 2020, Australia tiếp tục đứng tốp đầu trong số các thị trường đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, với 101,8 triệu USD.

Không chỉ Australia, mà Cuba, Đức… cũng trở thành những thị trường mới, hấp dẫn của doanh nghiệp Việt. Năm ngoái, các doanh nghiệp Việt đã đầu tư sang Đức 4 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 93 triệu USD, một con số không nhỏ.

Dè dặt đầu tư ra nước ngoài

Dù không có các khoản đầu tư “khủng”, nhưng 2 năm 2019-2020 tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đặc biệt là năm 2020, bất chấp Covid-19, doanh nghiệp Việt vẫn đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên 590 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một con số tích cực.

Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 12/2020, có 5 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 99,65 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tính lũy kế đến hết tháng 2/2021, Việt Nam có 1.406 Dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt trên 21,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, có vẻ như sau một năm “ngấm đòn” và khi thị trường nước ngoài cũng khó khăn hơn do ảnh hưởng của Covid-19 và một phần ảnh hưởng bởi thời điểm Tết, các doanh nghiệp Việt đã trở nên dè dặt hơn trong quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mới, với tổng vốn đầu tư đạt 21,64 triệu USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính lũy kế đến hết tháng 2/2021, Việt Nam có 1.406 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt trên 21,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả đầu tư của các khoản vốn này như thế nào? Trong các báo cáo gần đây về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn khẳng định việc một số dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu lãi, gửi lợi nhuận về nước, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội nước sở tại.

Mặc dù vậy, cũng còn các khoản đầu tư ra nước ngoài, nhất là của các doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự hiệu quả. Trong Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến công luận, một số con số về đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp này cũng rất đáng chú ý.

Chẳng hạn, năm 2019, tổng lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài có lãi đạt 583 triệu USD, bằng 107% so với năm 2018. Trong khi đó, tổng số lỗ phát sinh năm 2019 của các dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ là 154 triệu USD, bằng 45% tổng số lỗ năm 2018 (352 triệu USD).

Theo đánh giá của Đề án, nhìn chung, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí kinh doanh có lãi; còn tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp (tương ứng 11% và 17%)…

Ở một góc độ khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn quyết tâm vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài, song đồng thời cũng sẽ quản chặt hơn các hoạt động này, để tránh việc đầu tư ra nước ngoài chỉ để tẩu tán tài sản hay để định cư ở nước ngoài.

Nghị định mới về đầu tư ra nước ngoài sẽ “vừa thoáng, vừa siết”
Quy định về đầu tư ra nước ngoài sẽ được sửa đổi để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng cũng “siết” một số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư