Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Đặng Văn Cường, Giám đốc chuỗi Garage Ô tô Hiệp Cường: Đã làm phải là trọn đam mê
Gia Huy - 25/12/2016 08:30
 
Mới đầu, ông Đặng Văn Cường, chủ của chuỗi Garage Ô tô Hiệp Cường (TP.HCM) mở xưởng sửa chữa để kiếm sống, để thỏa nỗi đam mê, để có chỗ cho những người lính khi xuất ngũ học nghề, làm việc… Dần dà, ông tìm thấy trách nhiệm cộng đồng mà công việc này đem đến lớn hơn những gì ông nghĩ.
TIN LIÊN QUAN

Nhất nghệ tinh...

Không có quá nhiều điều to tát khi nói về ông Đặng Văn Cường, nhưng chính sự đơn giản, chân chất trong sự nghiệp kinh doanh của ông lại là điều đáng kể.

Sinh ra tại Hưng Yên, không vào đại học như mong muốn vì gia đình khó khăn, ông vào Nam xin học nghề sửa chữa ô tô. Năm 1989, ông nhập ngũ, phục vụ tại Quân chủng không quân, đóng quân tại Sóc Sơn (Hà Nội).

Vì trong lý lịch có ghi đã từng học nghề sửa chữa ô tô, nên sau 3 tháng huấn luyện, ông Cường được điều về Đại đội Xe tổng hợp của Sân bay Yên Bái – Hoàng Liên Sơn.

Ông Đặng Văn Cường đang lắp ráp bộ tích hợp cảnh báo hỏng hóc do ông nghiên cứu. Ảnh: Gia Huy
Ông Đặng Văn Cường đang lắp ráp bộ tích hợp cảnh báo hỏng hóc do ông nghiên cứu. Ảnh: Gia Huy

“Tôi được giao nhiệm vụ ở bộ phận sửa chữa xe tổng hợp, với những loại xe phục vụ sân bay, xe đặc chủng phục vụ trực chiến cho máy bay… Sẵn biết nghề, nên tôi háo hức với công việc mới. Càng học, càng thấy muốn học thêm, làm thêm và tự cảm thấy đam mê. Sau 6 tháng, tôi được giao nhiệm vụ quản lý Tổ sửa chữa cơ động trong sân bay”, ông Cường nhớ lại.

Năm 1991, ông ra quân. Lúc đó, nghề học được chính thức nuôi sống ông Cường và gia đình. Ông mở xưởng sửa chữa ô tô – xe máy tại quê. Nhưng, khi đó, ở miền Bắc rất khó khăn, ô tô – xe máy bắt đầu có, nhưng chưa nhiều, nhất là ở Hưng Yên.

“Tôi muốn thực sự sống bằng nghề này, vì tôi tin mình có thể làm được nhiều hơn một xưởng sửa chữa nhỏ”, ông Cường lý giải quyết định Nam tiến.

Tính vậy, nhưng khi quay trở lại TP.HCM, do thân cô, thế cô, ông Cường không kiếm được việc. Ông đành phải làm việc tại một xưởng mộc ở Bình Dương để sống. Nhưng đam mê với nghề sửa chữa ô tô – xe máy còn lớn.

“Tôi quyết định phải hành động. Tôi về TP.HCM, đăng ký học nghề tại Xưởng sửa chữa 990 của Thành ủy TP.HCM. Vừa học, tôi vừa làm thêm tại các quán ăn để có tiền bám trụ ở Thành phố. Ở đây, tôi học cách sửa các loại xe đời mới, xe du lịch. Trong một lần xưởng tiếp nhận một xe du lịch đời mới, vì không thể sửa được, nên tôi được giao đưa xe tới garage chuyên sửa chữa loại ô tô này. Từ đó, tôi qua phụ tại garage để học thêm… Và rồi tôi được người chủ mời làm việc”, ông Cường kể về giai đoạn khó khăn.

Ông Cường cũng tâm sự, nhờ thời gian rèn luyện trong quân ngũ mà ông học được tính kiên trì, mạnh mẽ, không ngại khó, ngại khổ và đặc biệt là tinh thần đồng đội của người lính.

Năm 1999, khi tay nghề vững vàng, ông mở xưởng riêng. Một phần vì ông thực sự đam mê cảm giác nghe tiếng máy nổ trở lại khi những người thợ ra tay. Một phần quan trọng là ông muốn có một chỗ để những người lính sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có thể đến để học việc, tìm nghề, không vất vả như ông dạo trước.

Vậy là, ông vay tiền ngân hàng, tìm kiếm thêm của những người bạn. Năm đầu tiên, ông Cường đã nhận 10 quân nhân xuất ngũ học nghề và làm việc tại xưởng. Những người lính đã có cách để gọi khách đến với mình. Vốn ít, họ chỉ có cách người thực, làm việc thực.

“Khi khách hàng mang xe tới sửa, tôi  tự tay kiểm tra, báo đúng những gì xe hỏng hóc, báo đúng giá để tạo lòng tin cho khách hàng”, ông Cường lý giải đơn giản về chiến lược kinh doanh của mình.

Hiện tại, ông đã mở rộng thêm được 2 chi nhánh, tạo việc làm cho 40 người thợ, trong đó chủ yếu là bộ đội phục viên. Nhưng ông nói, vẫn chưa hiểu nhiều về kinh doanh, nên mới đang làm nhỏ thôi.

… nhất thân vinh

Ông Đặng Văn Cường không chỉ là một người kinh doanh, ông chủ của chuỗi garage ô tô Hiệp Cường. Nhiều người trong giới đang nhắc tới ông với vị trí là nhà nghiên cứu hoàn thiện bộ tích hợp cảnh báo tai nạn sớm cho ô tô tại Việt Nam.

Bộ tích hợp này hoạt động theo cách tiếp nhận các dạng thông tin từ máy móc trên xe, chuyển về mạch, tính toán độ nguy hiểm và dự báo sự cố  sắp xảy ra để cảnh báo và ngăn chặn.

Ở nhiều dòng xe mới, nhà sản xuất đã phát triển bộ cảnh báo trên, nhưng ở các đời xe cũ, hoặc các loại xe tải, xe buýt, bộ tích hợp này chưa được lắp đặt.

“Tôi nghĩ rất nhiều. Đa phần tai nạn giao thông chết người xuất phát từ những loại xe này. Nếu ứng dụng được nghiên cứu trên, tôi tin là các nhà xe, các lái xe sẽ đỡ hơn rất nhiều, cả về chi phí hoạt động, sửa chữa… và đặc biệt là đảm bảo an toàn trong vận hành. Ứng dụng này còn có lợi cho những người biết lái xe, nhưng không có chuyên môn về xe cộ, không biết xác định hỏng hóc ở đâu và nguyên nhân là gì”, ông Cường chia sẻ.

Việc nghiên cứu này được bắt đầu từ năm 2011, cùng với hai thạc sỹ về điện tử tự động. Ông đang tính tới việc xin cấp bằng sở hữu trí tuệ với nghiên cứu đó, sẽ đưa ra áp dụng rộng rãi tại thị trường Việt Nam.

“Có thể nghiên cứu này khiến các xưởng sửa chữa như chúng tôi ít việc đi, nhưng thực sự, tôi tin đây việc cần làm cho mọi người, cho cộng đồng”, ông nói.

Lúc này, ông đang nghiên cứu tiếp một bộ tích hợp ngăn chặn tai nạn dựa trên nguyên lý cảnh báo quãng đường, tốc độ, mất kiểm soát khi lái xe như ngủ gật và kiểm soát được độ vượt tốc của xe. Nghiên cứu được ông Cường đưa ra dựa trên tình huống tài xế đạp nhầm chân ga dẫn tới tai nạn. Dự kiến, ông sẽ hoàn tất ứng dụng này trong 6 tháng tới.

“Sản phẩm của tôi hướng tới cái lớn hơn là an toàn giao thông cho cộng đồng, giá thành thấp, nghĩa là có thể gắn được cho mọi loại xe chuyển động trên đường. Các sản phẩm sử dụng công nghệ này của nước ngoài có giá thành cao, chỉ áp dụng cho từng loại xe”, ông Cường cho biết.

Có vẻ như đam mê của ông Cường đang chuyển sang một giai đoạn mới, nghiên cứu và phát triển. Nhưng ông cũng biết là theo đuổi công việc này đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm trong nghề, mà cần kiến thức cập nhật về công nghệ và cả nguồn lực tài chính.

“Chúng tôi là hộ kinh doanh nhỏ, nên nhiều khi muốn được tham gia vào các hoạt động đầu tư chuyên sâu hơn, như nghiên cứu và phát triển các ứng dụng để tăng độ an toàn của xe cộ, nhưng nếu cứ mày mò như tôi hiện tại thì khó thành việc lớn. Giá như các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đơn giản hơn về thủ tục, đến trực tiếp với doanh nghiệp hơn, chúng tôi có thể dành thời gian để phát triển bền vững hơn, dám làm ăn lớn hơn”, ông Cường thẳng thắn.

Trò chuyện với doanh nhân Đặng Văn Cường

Điều gì ông thích nhất ở nghề này?

Nghe tiếng máy lại nổ giòn dưới bàn tay của người thợ máy.

Tại sao ông không phát triển theo mô hình doanh nghiệp?

Thú thực là còn nhiều điều phải học hỏi. Nhưng nhiều quy định chưa phù hợp với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, như các quy định về kế toán, về thuế… Chúng tôi cũng muốn lớn lên, nhưng thực sự cần môi trường chính sách phù hợp.

Điều mà ông vẫn trăn trở với nghề này là gì?

Tôi suy nghĩ nhiều về những người trẻ bây giờ. Chúng tôi có nhiều kỹ sư, nhưng thực sự để làm được việc, chúng tôi phải đào tạo lại nhiều. Điều này gây lãng phí cho cả người học và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo phải gần với cuộc sống hơn. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các sinh viên trường nghề về thực tập hay các sinh viên đại học tới nghiên cứu các mô hình hoạt động thực tế. Với kinh nghiệm trong nghề, tôi nghĩ cần tăng sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư