Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159: Hành trình thử làm mới và bài học về cơ hội
Khánh An - 01/12/2019 10:09
 
Bước vào nông nghiệp như một cuộc dạo chơi sau những áp lực kinh doanh trong ngành xây lắp, nhưng dường như đây mới là “đất” của doanh nhân Hà Văn Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần T&T 159.
.
Doanh nhân Hà Văn Thắng.

1.

“Cuối năm nay, khu trải nghiệm giáo dục trong khuôn viên trang trại ở Yên Mông sẽ hoàn thiện. Có lẽ tôi phải nhập thêm mấy con ngựa, để hấp dẫn bọn trẻ. Bọn trẻ phải thực sự sống chung với các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, để tận mắt thấy thế nào là nông nghiệp công nghệ cao, thế nào là hệ sinh thái trong chăn nuôi...”, ông Hà Văn Thắng háo hức với kế hoạch mới.

Khu trải nghiệm ông đang nhắc đến rộng khoảng 10 ha, ôm ven khu trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt của Công ty T&T 159 tại xã Yên Mông, TP. Hòa Bình. Với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 50 tỷ đồng, ở đây có đầy đủ khu lưu trú, có ruộng lúa, ao cá... và đương nhiên có rất nhiều bò. Hiện cả trại bò có khoảng 5.000 con, từ bò giống các loại, đàn bê con, trâu sinh sản và trâu bò nuôi lấy thịt.

“Bọn trẻ sẽ thấy bò của Việt Nam khác với bò Úc, bò Lào, bò Kobe... ra sao; sẽ thấy công nhân cho chúng ăn ra sao, rồi vòng quay khép kín trong trang trại, từ thức ăn vào đến sản phẩm từ phân bò thế nào, tại sao chuồng bò lại lót đệm thế kia...”, ông Thắng kể.

Mấy năm nay, chính xác là từ năm 2016, khi ông và những người bạn tên T. lập Công ty T&T 159, bước chân vào chăn nuôi gia súc, ông bị gán biệt danh là... Thắng chăn bò. Bất cứ ở đâu có nói chuyện đến bò, đến thức ăn chăn nuôi, thậm chí là phân bò, thể nào cũng thấy ông quanh đó. Rồi ông mời bằng được mọi người đến Yên Mông, để ngồi uống trà, thưởng hoa hồng, thả bộ thăm trại bò cách đó vài trăm mét, rồi tới nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi, nơi sản xuất phân hữu cơ vi sinh...

“Không có cái gì thừa ra cả” là câu mà ông hay nói khi dẫn các đoàn tham quan và có thể sẽ là câu ông nói với bọn trẻ, những lứa học sinh mà ông kỳ vọng sẽ phải hoàn thiện và mở rộng hệ sinh thái cho nông nghiệp công nghệ cao, trong cả trồng trọt, chăn nuôi... - lĩnh vực mà ông đang không ngừng học hỏi.

2.

Đúng là không cái gì bỏ đi trong trang trại của ông Thắng, cái nọ nuôi cái kia. Đến chất thải từ con bò cũng tạo ra những giá trị mới, có ý nghĩa lớn không chỉ là tiền.

Trong báo cáo 3 dự án về trại bò giống, trại bò cao sản, khu chế biến thức ăn gia súc từ phế phụ phẩm nông nghiệp mà T&T 159 trình UBND tỉnh Hòa Bình cách đây hơn 4 năm, mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống trang trại vùng lõi, gồm khoảng 20 trang trại chăn nuôi, trồng cỏ, chuyển đổi vùng trồng ngô của người dân hiện có sang trồng cỏ để có thu nhập cao hơn 5-7 lần...

“Hồi đầu nghĩ theo kiểu cũ, làm như mọi người, cũng chỉ định nuôi bò béo, thấy cũng vui. Nhưng càng đi sâu, càng nghiên cứu, mới thấy không thể làm như cũ được. Ở ta thì đất đâu mà trồng cỏ, có đất cũng không biết dồn thửa bao giờ mới xong, vì với số bò của trang trại, tôi cần tới 10.000 ha trồng cỏ”, ông Thắng kể.

Hiện tại, cỏ thu mua từ bà con quanh vùng chỉ chiếm khoảng 10% lượng thức ăn cho đàn gia súc của trang trại, 90% còn lại sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, gồm thân cây ngô, rơm, rạ... Đang có 10.000 hộ nông dân đăng ký bán thân cây ngô cho Công ty, với khoảng 3.000-4.000 ha, để có thu nhập và không mất tiền thuê cắt bỏ. Công ty đang tiến hành thu mua thí điểm ở Thái Bình. Đây là con số rất nhỏ trong khoảng 60 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp hàng năm của cả nước, đang được đốt hoặc chôn xuống đất.

“Tôi đã tính, mỗi năm, nông dân Thái Bình đốt đi khoảng 1,4 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp, nghĩa là đốt đi 7.000 tỷ đồng nếu đưa vào làm thức ăn chăn nuôi. Rồi mới đây, ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói là năm 2020 phải sản xuất được 3 triệu tấn phân hữu cơ vi sinh. Trong khi cả nước có khoảng 110-120 triệu tấn phế thải từ chăn nuôi có thể dùng làm sản xuất phân hữu cơ vi sinh đang bị bỏ đi. Không thể coi 3 triệu tấn là mục tiêu được”, ông Thắng nói đầy tiếc nuối.

Hiện giờ, nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh trong khu trang trại ở Yên Mông mới có công suất 25.000 tấn/năm; một nhà máy khác ở Lạc Sơn sẽ hoàn tất trong năm tới, có cùng công suất. Đầu vào chính là lượng phân bò được hoạt hóa bởi các chủng vi sinh cấy trong đệm sinh học mà Công ty đang trải trong các trại bò.

Đệm này cũng được làm bằng các phế phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ví dụ vỏ cây bỏ đi trong sản xuất ván dăm. Hàng năm, lượng vỏ này bị bỏ trôi sông Đà, sông Hồng rất lớn, nếu được thu mua để làm đệm sinh học, sẽ giải được bài toán môi trường ở cả khu sản xuất lâm nghiệp và cả khu chăn nuôi.

Ông Thắng nói, đang muốn tăng công suất lên 100 triệu tấn/năm, nhưng sẽ không thể đủ sức nếu chỉ có T&T 159 với vài nhà máy. Nhưng ông cũng nói, đầu tư một nhà máy sản xuất phân bón vi sinh không dễ, cũng cần đến 3-4 loại giấy phép.

3.

Hai, ba năm trước, khi bắt tay xây dựng khu trang trại, ông Thắng liên tục có mặt trong các cuộc làm việc giữa doanh nghiệp và Chính phủ, bộ, ngành, để gửi kiến nghị, đề nghị sửa đổi quy định... Rất nhiều vướng mắc trong xây dựng khu chăn nuôi đại gia súc với đòi hỏi về đất đai, môi trường... Nhưng hiện, ông ít nói về việc này. “Đến lúc này, tôi ngộ ra, nhiều khi phải chấp nhận thực tế, sống chung và vận dụng một cách sáng tạo. Một mặt vẫn phải bày tỏ quan điểm, phải có kiến nghị... để thể chế chuyển dịch tích cực, phù hợp với những yêu cầu mới của nền kinh tế, nhưng thay đổi nhanh thì khó, ngay càng khó, vì va chạm lợi ích nhiều, nên phải sáng tạo”, ông Thắng thẳng thắn.

Việc sử dụng đệm sinh học cấy 7 chủng vi sinh trải trong trại bò khiến một trại chăn bò mà không có mùi... bò; hay việc trang trại bò mà không có đồng  cỏ... là những giải pháp xử lý môi trường mà Công ty thực hiện để tuân thủ quy định pháp luật Nhưng, đây không phải là cách mà các trang trại chăn nuôi thường làm.

“Tôi đã phải chứng minh các quy định về xử lý môi trường được tuân thủ với các tiêu chuẩn môi trường được đảm bảo. Điều này không dễ, nhưng chỉ riêng việc chúng tôi tồn tại trong thành phố, giữa khu dân cư, mà không có kiện cáo, kêu ca gì về môi trường đã chứng tỏ công nghệ mới giải quyết được, chứ không nhất nhất phải đầu tư khu thu gom, xử lý...”, ông Thắng chia sẻ quan điểm.

Ông gọi đây là những cơ hội đến từ cách tìm kiếm giá trị xung quanh cốt lõi của chăn nuôi. “Nói có vẻ lý thuyết, nhưng đúng là cơ hội kinh doanh đến từ sáng tạo thì vô cùng, chứ không hữu hạn như cách tư duy truyền thống. Đã có doanh nghiệp cũng nghĩ như vậy và muốn hợp tác với chúng tôi để tạo ra giá trị mới cho hệ sinh thái trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao”, ông Thắng tiết lộ.

Một vài doanh nghiệp không thể giải quyết được bài toán nông nghiệp công nghệ cao, ngay cả khi đây là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Nhưng đúng như ông Thắng nói, cứ phải bắt tay vào làm đã...

Trao đổi với doanh nhân Hà Văn Thắng:

Vài năm vừa rồi, nhiều hiệp hội doanh nghiệp về nông nghiệp ra mắt. Mối quan tâm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nông nghiệp công nghệ cao thực sự thế nào, thưa ông?

Phải thẳng thắn, ta vẫn nói nhiều hơn làm. Nhiều hiệp hội trong nông nghiệp được thành lập, nhưng việc thực chưa nhiều.

Nghĩa là…

Nhiều khi tôi chỉ thấy các hội bàn cái mới, toàn cái mới, trong khi cái trước đó vừa bàn chưa được thực thi. Trong nông nghiệp, phải có mô hình trực quan sinh động, dù nhỏ to, nhưng sờ nắm được, đo đếm được thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia.

Cơ hội kinh doanh trong nông nghiệp công nghệ cao liệu có lớn?

Quan điểm của tôi là cuộc sống luôn tìm đến sự cân bằng. Trong kinh doanh cũng vậy, cơ hội đến từ các giải pháp cân bằng.

Tôi cho rằng, chia sẻ lợi ích là bài toán số 1 trong kinh doanh. Đặt ra bài toán trên để giải trước khi hành động, thì chính việc tìm kiếm cách thức chia sẻ, sáng tạo trong cách thức này sẽ mở rộng hệ sinh thái của ngành, lĩnh vực, từ đó mở ra cơ hội kinh doanh.

Tôi tìm kiếm các cơ hội kinh doanh từ phế thải chăn nuôi, từ phế phụ phẩm nông nghiệp cũng nhờ đi giải bài toán trên. Trong trồng trọt cũng có thể có những cơ hội tương tự...

Doanh nhân Nguyễn Cát Thảo, Tổng giám đốc Global Ready: Đứng vững hơn khi có nguồn cội
Vượt qua chuỗi ngày sống khép mình trước sự kỳ thị, thiếu thốn nơi nhập cư, Nguyễn Cát Thảo luôn nỗ lực trong hành trình đi tìm vị trí cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư