Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Kiều Tiến Anh: Cộng đồng là nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh
Thu Phương - 08/04/2018 16:22
 
Từ bỏ vị trí Giám đốc kinh doanh tại Viettel Cambodia, trong 9 năm qua, Kiều Tiến Anh, CEO Công ty cổ phần Thương mại điện tử Việt Nam luôn miệt mài với hành trình tạo ra cộng đồng, bởi theo anh, giá trị và sức mạnh của cộng đồng chính là nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh.

Kết nối các doanh nghiệp

Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo, hoàn cảnh khó khăn, Kiều Tiến Anh phải bỏ dở con đường học hành để lập nghiệp sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Cũng chính vì phải bươn chải sớm, nên anh trở nên cứng rắn, quyết đoán trong công việc.

Nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh cộng với tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong công việc, Tiến Anh từng bước tìm được những công việc tốt, đảm nhiệm vị trí quản lý những người có bằng cấp cao hơn anh ở Tập đoàn Bảo hiểm Prudential hay Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

.
Doanh nhân Kiều Tiến Anh, CEO Công ty cổ phần Thương mại điện tử Việt Nam

Nhưng khi sự nghiệp làm thuê ở đỉnh cao với mức lương hàng ngàn USD tại Viettel, anh đột ngột từ bỏ để khởi nghiệp. Câu nói của Bill Gates: “Trong thế kỷ 21, nếu bạn không kinh doanh trên Internet thì đừng kinh doanh gì cả” đã thôi thúc anh tìm một lối rẽ khác.

Nhận thấy thực tế ở Việt Nam là các doanh nghiệp không liên kết với nhau, không có một trang thông tin rõ ràng về doanh nghiệp, năm 2010, Tiến Anh quyết định lập một nền tảng với tên vietnamnay.vn để các doanh nghiệp có thể kê khai thông tin, kết nối với nhau, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Hướng đi đúng, cộng với nỗ lực đầy sáng tạo của Tiến Anh đã giúp vietnamnay.vn phát triển nhanh chóng, trở thành cộng đồng thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với hơn 575.000 doanh nghiệp tham gia. “Nếu các cá nhân kết nối với nhau trên Facebook, thì các doanh nghiệp kết nối với nhau trên vietnamnay.vn. Khi một công ty chia sẻ thông tin, toàn bộ những doanh nghiệp đã kết nối sẽ biết thông tin ấy ngay lập tức, đó chính là tiện ích của vietnamnay.vn.

Vietnamnay.vn khác biệt ở chỗ, nó tạo ra cộng đồng đại lý bán hàng khổng lồ thông qua một thao tác nhấp chuột. Khi đại lý được cấp quyền truy cập, tên riêng và số điện thoại của đại lý sẽ hiện ra trên mỗi trang web của nhà cung cấp. “Đến với chúng tôi, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian dành cho hoạt động thương mại điện tử”, Tiến Anh khẳng định.

Dựa vào dữ liệu của doanh nghiệp thành viên, vietnamnay.vn có thể phân tích thị trường Việt Nam theo nhiều ngành, lĩnh vực. Với dữ liệu lớn về thị trường trong nước, vietnamnay.vn có thể trở thành nhà tư vấn, đối tác cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ muốn tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam.

Mai mối doanh nghiệp với khách hàng

Năm 2015, Tiến Anh cùng người bạn Trần Thị Kim Dung thành lập tangtang.vn để đưa sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương tới mọi nơi trên cả nước thông qua hình thức bán lẻ. Nếu vietnamnay.vn là mô hình thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), thì tangtang.vn là mô hình B2C (doanh nghiệp với khách hàng).

Nước ta có hàng ngàn sản phẩm, đặc sản vùng miền, nhưng không có thương hiệu hoặc thương hiệu không có tiếng tăm, năng lực sản xuất của các cơ sở kinh doanh sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền cũng quá nhỏ, nên xuất khẩu ra nước ngoài khá khó khăn. Trăn trở với thực trạng đó, Tiến Anh nung nấu ý tưởng đưa sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương lên trang web, để qua đó, người muốn bán hàng có thể đăng ký làm đại lý, còn cơ sở kinh doanh đảm nhiệm các khâu sản xuất và vận chuyển.

Với cơ chế kết nối như thế, cơ sở sản xuất có thể liên kết với hàng ngàn đại lý khắp cả nước để tiêu thụ sản phẩm. Về phía đối tác bán hàng, họ được hưởng lợi thế “5 không” gồm: không phải bỏ vốn, không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, không vận chuyển hàng, không phải làm web, không thu tiền.

Sau khi khách đặt hàng, nhân sự của tangtang.vn sẽ xử lý đơn hàng, còn doanh nghiệp sản xuất sẽ vận chuyển hàng tới địa chỉ của người mua rồi thu tiền. Cứ đến cuối tháng, doanh nghiệp tính tổng doanh thu từ mỗi đại lý để chi “tiền hoa hồng”. Người mua sẽ không lo nguy cơ nhận hàng giả hay sản phẩm có chất lượng kém, bởi chính nhà sản xuất giao hàng cho họ và chịu trách nhiệm bảo hành, chăm sóc khách.

“Một bộ phận doanh nghiệp ở Việt Nam vừa muốn sản xuất, vừa muốn phân phối, trong khi thực lực của họ không đủ lớn để làm cả hai khâu. Kiểu ôm đồm như thế có thể cản trở sự phát triển của họ. Tangtang.vn giúp khâu phân phối, quảng bá để họ chỉ tập trung vào sản xuất. Và thay vì tuyển nhân viên bán hàng, làm web, họ chỉ phải làm một việc duy nhất là đưa hàng lên web”, Tiến Anh giải thích.

Xuất khẩu tại chỗ

Sự ra đời của cổng thanh toán trực tuyến hiện nay mang tới vô số cơ hội bán hàng ra nước ngoài cho các nhà sản xuất trong nước. Trước đây, một người sản xuất nón ở làng Chuông không thể bán nón cho khách hàng ở Thái Lan hay Cuba, vì không thể thanh toán trực tiếp. Nhưng bây giờ, cổng thanh toán trực tuyến cho phép những giao dịch như thế diễn ra.

Shoper.vn, một trang thương mại điện tử khác của Tiến Anh giúp sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền ra nước ngoài nhờ sự hỗ trợ của các du học sinh Việt Nam. “Ở Việt Nam, doanh số bán lẻ qua thương mại điện tử mới đạt 5-6%, nên chúng ta vẫn còn tới 94-95% nữa để phát triển. Theo tôi, chỉ cần khai thác 30-35% tiềm năng thị trường, chúng ta đã chạm tới thành công”, Tiến Anh nói về tiềm năng của thị trường.

Nhiều người nói sự hiện diện của các công ty thương mại điện tử lớn từ nước ngoài như Amazon, Lazada khiến khởi nghiệp trong mảng này trở nên khó khăn. Nhưng với Tiến Anh thì khác, trong khó khăn, người khởi nghiệp mới có cơ hội.

Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, Tiến Anh cho biết: “Nếu khởi nghiệp trong mảng dễ, nhiều người cũng sẽ nhảy vào, thì mức độ cạnh tranh sẽ lớn. Để khởi nghiệp chắc chắn, chúng ta cần bắt đầu từ vị trí thấp nhất trong ngành nghề đó nhằm tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng. Người nào bỏ qua giai đoạn làm thuê để khởi nghiệp thì sẽ khó thành công”.

Mục tiêu của vietnamnay.vn là doanh thu đạt 5 triệu USD/năm vào năm 2020 và Tiến Anh khẳng định, đây không phải mục tiêu khó, vì nếu công ty có 5 triệu khách hàng, mỗi người chỉ cần chi 1 USD mỗi năm là có thể đạt doanh số mục tiêu. Thậm chí, nếu vietnamnay.vn chỉ có 500.000 khách hàng, thì công ty vẫn có thể đạt mục tiêu nếu mỗi người chi trung bình 10 USD mỗi năm để mua hàng và đây vẫn là mức chi tiêu thấp.

Chat với Kiều Tiến Anh

Theo anh, các start-up có nên gọi vốn cộng đồng?

Tôi nghĩ start-up nên gọi vốn cộng đồng, bởi họ sẽ phải chờ rất lâu và đạt nhiều tiêu chuẩn trước khi một nhà đầu tư chuyên nghiệp rót vốn cho ý tưởng của họ. Vốn cộng đồng có thể tới từ người thân, họ hàng, bạn bè của người sáng lập. Nếu ý tưởng tốt, người khởi nghiệp có thể huy động vốn cộng đồng nhanh hơn.

Nhiều người góp số vốn nhỏ sẽ dễ hơn một người đầu tư số tiền lớn. Nếu 100 người sẵn sàng góp vốn, thì bạn chỉ cần mỗi người góp 1 triệu đồng để có 100 triệu đồng. Nhưng nếu bạn kêu gọi một nhà đầu tư rót 100 triệu đồng, đó sẽ là thách thức lớn. Bằng cách chia sẻ ý tưởng hay với cộng đồng, chúng ta có thể tận dụng được sức mạnh của họ.

Điều cần lưu ý nhất khi gọi vốn cộng đồng là gì?

Kỹ năng quản lý tài chính, sự am hiểu luật pháp là yếu tố cần thiết trước khi gọi vốn. Chủ doanh nghiệp nên nhờ những luật sư, nhà chiến lược giỏi hỗ trợ và tư vấn, bởi nếu không am hiểu, họ rất có thể vô tình thực hiện hành vi chiếm dụng vốn, vi phạm pháp luật.

Khi chúng ta tuân thủ đúng mọi quy định của pháp luật, nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản, chúng ta sẽ không phải bồi thường. Nhưng nếu chúng ta mắc sai sót, khi doanh nghiệp phá sản, những người góp vốn có lý do để tố cáo chúng ta lừa đảo, chiếm dụng vốn của họ. Doanh nghiệp phải có văn bản, thỏa thuận rõ ràng với người góp vốn.

Phương châm kinh doanh của anh?

Trong kinh doanh, tôi luôn cố gắng tạo ra những cộng đồng. Giá trị và sức mạnh của cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh.

Ra mắt Mạng kết nối doanh nhân Việt
Chiều ngày 7/12, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp 2018: Thích ứng trong môi trường kinh tế đang biến đổi, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư