Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Lê Ngọc Huê, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng: Kiên trì bền chí theo đuổi đến cùng khát vọng
Lã Quý Hưng - 17/05/2019 09:15
 
Đã từng là ông chủ của một công ty cơ khí tại TP.HCM, nhưng tình yêu với nông nghiệp, nông thôn, nối tiếp truyền thống của gia đình đã thôi thúc chàng trai trẻ Lê Ngọc Huê trở về quê hương khởi nghiệp phát triển cây dược liệu với khát vọng nâng tầm “Trà Việt”.
.
Doanh nhân Lê Ngọc Huê.

Bỏ đô thành về… làm nông

“Chén trà là đầu câu chuyện”. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bên tách trà cà gai leo, quyện hương hoa nhài, một sản phẩm của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Công ty Thái Hưng). Huê kể: học xong lớp 12, Huê tình nguyện đi bộ đội. Năm 2007, anh ra quân với quân hàm thiếu úy và thi đỗ vào Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, sau đó học tiếp bằng 2, Đại học Luật.

“Tôi luôn tự nhủ, học hết lớp 12, nhất quyết tự kiếm tiền đi học, không dùng tiền của gia đình”. Với quyết tâm đó, Huê làm đủ nghề để trang trải. Cuối năm 2008, đang là sinh viên, Huê đã thành lập công ty cơ khí. Công việc thuận lợi, anh còn ký được hợp đồng với một công ty sang lắp đặt trạm phát sóng tại Cameroon.

Trước khi đi, Huê về thăm nhà tại Quỳnh Phụ (Thái Bình). Huê cũng không ngờ lần về thăm này là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn hướng lập nghiệp của anh. Lần đó, thấy bố cặm cụi đào cây đinh lăng, Huê hỏi: “Một cây như thế này bố bán được bao nhiêu?”. Sau khi được bố cho biết, Huê bỗng lóe lên ý nghĩ “tại sao mình không tận dụng giống cây thảo dược vừa dễ trồng, vừa đem lại giá trị cao này để phát triển kinh tế?”.

Rồi tình cờ lên gác xép, nhìn thấy những bao tải lá cây thuốc của bà, Huê mới sực nhớ là nhà mình đã từng làm nam dược, cả bà nội, bà ngoại suốt đời tìm và trồng những cây thuốc chữa bệnh, cứu người. Bà đã đi xa, để lại những bao lá thuốc ấy. Huê không khỏi chạnh lòng và càng quyết tâm khôi phục lại nghề nam dược. Huê dừng hẳn công việc ở TP.HCM và hợp đồng ở nước ngoài để “khăn gói” về quê. Nhưng sóng gió cũng bắt đầu từ đây.

Khởi nghiệp: liên tiếp… thất bại

Khó khăn đầu tiên đến từ chính gia đình. Khi nghe tin Huê quyết định về quê “làm nông dân”, bố đã rất sốc và phản đối kịch liệt. Nhưng sức trẻ, lòng đam mê thử thách không ngại khó, ngại khổ của chàng trai trẻ đã thuyết phục được gia đình cùng vào cuộc. Tuy vậy, bố vẫn giao hẹn “nếu không thành công phải quay lại TP.HCM ngay”.

Gom góp vốn liếng, Huê vận động những người dân trong xã cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp theo phương án trả tiền thuê hàng năm và nhận họ làm công nhân. Không ít người thời điểm đó hoài nghi về sự thành công của một thanh niên “tay ngang”.

Huê mua giống nhân trần, ích mẫu, diệp hạ châu và bông mã đề về trồng trên 5 ha đất. Nhìn những mầm non mơn mởn, Huê lại càng hy vọng. Nhưng rồi cây giống không tồn tại được với cỏ. Lý do vì đất quá màu mỡ, cỏ phát triển mạnh hơn, nên lấn át cả cây giống. Vụ đó, Huê mất hơn 200 triệu đồng tiền giống, công. Cuối vụ, vạch cỏ tìm mỏi mắt mới được vài kg diệp hạ châu, ích mẫu… làm “kỷ niệm”.

Nghĩ trồng cỏ ngọt đạt giá trị cao, có thể át được cỏ dại, Huê chuyển sang trồng cỏ ngọt. Gặp đúng thời điểm mùa xuân, mưa nhiều, úng nước, 5 ha cỏ thối ngang thân. Vụ thứ 3, Huê nghĩ đến cây đinh lăng, một thảo dược quý vì cả củ, lá, thân đều có thể mang lại lợi ích kinh tế, đang được thương nhân thu mua với giá cao. Huê chuyển sang trồng đinh lăng. Đúng thời điểm mùa đông nhiều sương muối, đinh lăng chết gần hết… Tổng ba lần thất bại, hơn 600 triệu đồng bay hơi hết. “Đó là thời điểm năm 2012, tất cả đều là tiền vay mượn, thế chấp đất của bố mẹ, sự nghiệp bên bờ vực thẳm”, Huê nhớ lại.

Cả gia đình gần như sụp đổ, mẹ nhiều lần khóc hết nước mắt. Nhiều đêm thức trắng bên những mảnh ruộng dược liệu trơ trụi, Huê cay đắng nhận ra mình đã quá chú trọng “trồng thật nhiều, thật nhanh” mà không tìm hiểu kỹ tập tính, kỹ thuật chăm sóc từng loại cây. Lần thứ tư này, anh quyết định trồng cây chùm ngây xen đinh lăng. Vừa trồng được chùm ngây, lại vừa có tán ngây che sương, nắng cho đinh lăng. Bên cạnh đó, Huê đi tìm hiểu và trồng thêm một số loại cây như hoàn ngọc, xạ đen, cà gai leo, cây thìa canh…

Đến khát vọng nâng tầm “Trà Việt”

Đất không phụ công chàng trai có chí, vụ thứ tư cho kết quả mỹ mãn, không những trả gần hết nợ, Huê còn thuyết phục người dân xung quanh cho mượn ruộng, nâng diện tích trồng lên 15 ha. Sản phẩm làm ra đến đâu, thương lái đến tận ruộng để thu mua.

Gia đình vốn có nghề bí truyền nên Huê lại mày mò và tìm cách sản xuất trà túi lọc. Rồi năm 2013, Huê thành lập công ty, vay vốn, mua máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất trà túi lọc. Có sản phẩm, đích thân Huê đến từng cửa hàng chào mời, thậm chí chưa lấy tiền để tạo niềm tin.

Vượt ngoài sự mong đợi, trà thảo dược túi lọc được khách hàng ưa chuộng và đánh giá rất cao. Với sự nhạy bén, nắm bắt được xu hướng “trở về thiên nhiên” của cộng đồng, Huê quyết tâm đầu tư bài bản, xây dựng nhà máy sản xuất trà quy mô 120 - 150 tấn dược liệu khô/năm.

Đến nay, 9 sản phẩm trà của Thái Hưng là Trà Sâm Ngọc Linh, Trà Đinh Lăng, Trà Cà Gai Leo, Trà Thìa Canh, Trà Giảo Cổ Lam, Trà Dây… và 2 sản phẩm rượu thảo dược rất được khách hàng ưa chuộng.

Thái Hưng còn có bột chùm ngây bổ sung vitamin, dinh dưỡng, trị mụn, kháng viêm; muối khoáng thảo dược ngâm chân giảm đau xương khớp… Sản phẩm mang thương hiệu Thái Hưng của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, với trên 300 đại lý phân phối ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước và tại thị trường Lào, Campuchia.

Huê chú trọng đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu khép kín từ trồng, thu hái, sơ chế theo công nghệ hiện đại. Với nhiều hình thức liên kết, hợp tác ở trong và ngoài tỉnh, hiện Thái Hưng có vùng dược liệu hàng chục ha tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Kạn và đang mở rộng vùng dược liệu, xây dựng nhà máy sản xuất trà thảo dược tại miền Trung, Tây Nguyên.

Cùng với việc liên kết hàng trăm hộ nông dân, Huê còn thành lập các hợp tác xã (HTX). Các hợp tác xã được tổ chức khép kín, mỗi đơn vị phụ trách một khâu sản xuất, như HTX Thái An chuyên về quản lý trồng cây dược liệu và phát triển vùng nguyên liệu; HTX Thái Giang thu gom cây dược liệu, nấu cao và sấy. Sản phẩm của HTX Thái Giang cung cấp cho Công ty Thái Hưng đưa vào nhà máy sản xuất trà hoặc cung cấp cho HTX rượu thảo dược Thái Bình.

Huê cho biết, năm 2016, Công ty Thái Hưng được thực hiện dự án cấp nhà nước “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo tại tỉnh Thái Bình” của Bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2017, Thái Hưng hoàn thành đề tài về cây chùm ngây và cây hoàn ngọc của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Từ đó xây dựng được vùng nhân giống đinh lăng, cà gai leo quy mô 8 ha, đảm bảo đáp ứng nguồn cây giống cho dự án. Sản phẩm trà cà gai leo và trà đinh lăng Thái Hưng cũng đang được sản xuất thực hiện dự án trên.

“Hiện trên thị trường có nhiều loại trà pha sẵn, trà không rõ nguồn gốc sử dụng phẩm màu, chất tạo vị, chất bảo quản, rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Với khát vọng mang đến những sản phẩm trà hữu ích hoàn toàn tự nhiên, tốt cho sức khỏe, trà Thái Hưng là trà của những thảo dược Việt tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, góp phần nâng tầm thương hiệu “Trà Việt”, Tổng giám đốc Lê Ngọc Huê không giấu niềm khát vọng lớn lao của mình.

Trò chuyện với doanh nhân Lê Ngọc Huê

Mục tiêu về quê khởi nghiệp của anh vì mục đích kinh tế hay còn lý do nào khác?

Ngoài mục đích kinh tế, tôi còn mong muốn đóng góp cho quê hương. Khởi nghiệp thành công, ngoài làm giàu cho bản thân, tôi sẽ góp phần tạo ra nhiều việc làm, nhất là cho lớp trẻ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội quê hương mình.

Khởi nghiệp rất khó, lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó hơn. Anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp?

Đúng là khởi nghiệp rất khó. Để thành công, theo tôi, điều cốt yếu là phải lựa chọn, định hướng đúng ngành nghề, sản phẩm… Ngoài ra, phải tuân thủ phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, kiên trì, bền chí thì nhất định sẽ thành công.

Mục tiêu trong 5 năm tới của Công ty Thái Hưng là gì?

Tôi tin tưởng, trong 5 năm tới, các sản phẩm trà mang thương hiệu Thái Hưng sẽ trở thành thức uống hàng ngày, góp phần đưa trà thảo dược vào thói quen ẩm thực của đông đảo người dân Việt Nam.

8X Hải Phòng nặng tình với thảo dược Việt
Tốt nghiệp sư phạm văn năm 2011, thuận chiều thì Nguyễn Thị Liên phải là cô giáo ngữ văn, nhưng duyên nghiệp với thảo dược Việt đã đưa cô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư