Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group: Văn hóa doanh nghiệp sẽ giữ chân nhân sự giỏi
Thành Nguyễn - 18/10/2020 15:38
 
Truyền được cảm hứng cho nhiều người xung quanh, nhất là lĩnh vực phân phối địa ốc, ông Lê Xuân Nga cùng các cộng sự cũng đang từng bước xây dựng cho doanh nghiệp của mình một cá tính riêng.
.
Doanh nhân Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group

“Khẩu vị” phân phối

Có được một cuộc hẹn trò chuyện riêng với vị tổng giám đốc trẻ của BHS Group không dễ, vì ông Nga ngại nói về mình.

Năm 2019, làng phân phối bất động sản đón nhận thêm một anh lính mới - Công ty cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group). Không lâu sau đó, BHS Group đã được biết đến là đơn vị phân phối các dự án “chất” như, Thành phố khách sạn Aqua City Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Legacy Hill Hòa Bình, Citadines Marina Halong, FLC Tropical City Halong, Khu đô thị FLC Legacy Kontum…

Thử nhìn nhận BHS Group như một con người, thì con người này khá thú vị, trẻ đẹp, hấp dẫn và có kinh nghiệm chinh chiến dạn dày. Nói vậy là bởi, BHS Group chỉ mới hơn 1 tuổi, nhưng đội ngũ sáng lập đều là những tay thiện chiến của làng địa ốc, của lĩnh vực môi giới. Dân sales địa ốc hay các nhà đầu tư chẳng lạ lẫm gì khi nghe đến nhiều cái tên “sừng sỏ” như Nguyễn Thọ Tuyển, Lê Xuân Nga, Trương Hùng Cường, Cấn Công Việt.

Tôi hỏi, nhìn vào danh sách dự án mà BHS Group đang phân phối, có điểm chung là các dự án đều gắn với câu chuyện sở hữu vĩnh viễn, phải chăng, đây là tiêu chí, là gu riêng của doanh nghiệp, ít ra là ở giai đoạn hiện tại. Rất nhanh, ông Nga khẳng định, đúng như vậy và khẩu vị này đến từ sự phản chiếu thực tế rằng, đã có nhiều thay đổi được hình thành gần đây, nhất là từ khi dịch bệnh xảy đến.

Ông Nga nói, quan sát thị trường năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện, xu hướng đầu tư đánh bắt xa bờ giảm đi nhiều. Ví dụ, việc khách ở Hà Nội vào Đà Nẵng, Nha Trang… đầu tư condotel hầu như không còn, các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng thu về gần, mua bất động sản ở ngoại ô, quanh Hà Nội, TP.HCM hay chính trong các đô thị này để phục vụ nhu cầu cho thuê, tạo dòng tiền.

Trước dịch, viễn cảnh du lịch bằng đường hàng không xán lạn, nhưng sau 2 làn sóng dịch, xe hơi, xe tư nhân gần như thế chỗ, nên thị trường đã diễn biến theo hướng nhà đầu tư mua second home, bất động sản ven đô để tích trữ tiền và khai thác sử dụng, cho thuê lâu dài.

Thị trường bất động sản đang có một xu hướng đầu tư mới. Thay vì đầu tư lướt sóng nhiều như giai đoạn trước, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang chuyển hướng sang mua các bất động sản có khả năng khai thác thương mại, dễ quản lý để đầu tư.

Không thể nói rằng, BHS Group lựa chọn danh mục dự án như vậy từ trước khi có dịch, nhưng quả như một sự tình cờ, hay là cái duyên, dường như BHS Group đã chủ động tìm kiếm những dự án phù hợp với xu hướng được doanh nghiệp dự báo từ trước và nắm bắt để khai thác.

Trên thực tế, thị trường bất động sản đang có một xu hướng đầu tư mới. Thay vì đầu tư lướt sóng nhiều như giai đoạn trước, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư đang chuyển hướng sang mua các bất động sản có khả năng khai thác thương mại, dễ quản lý để đầu tư. Trong đó, có các sản phẩm ven đô hay căn hộ nội đô đều đóng vai trò như căn nhà thứ hai. Và điểm chung cũng nằm ở câu chuyện sở hữu vĩnh viễn. Với hình thức sở hữu này, nhà đầu tư không chỉ có được nơi cất giữ tiền tốt, an toàn, mà còn đảm bảo khả năng khai thác, có dòng tiền liên tục.

Chuyện nghề

Với hơn 10 năm kinh nghiệm, ông Lê Xuân Nga từng tham gia không biết bao nhiêu trận đánh lớn trước khi cùng các đồng sự lập nên một BHS Group như ngày hôm nay. Tôi hỏi, có khi nào anh thất bại?

Thoáng trầm ngâm, ông thừa nhận có rồi kể, cũng không ít. Có sản phẩm khi được mời tư vấn chiến lược phát triển kinh doanh, ông và ê-kip nghiên cứu đã nhìn ra chân dung khách hàng, phán đoán diễn biến thị trường, nhưng mức độ đầu tư cho dự án, hay mức giá đưa ra của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn kinh doanh có độ vênh nhất định, dẫn đến việc nhiều dự án dù được mời tham gia, nhưng không dám triển khai vì không chắc thắng. Có một số dự án, vì nể đối tác mà triển khai một cách khiên cưỡng, nên không thành công...

“Những bài học này củng cố thêm cho tôi về quan điểm làm đơn vị tư vấn chiến lược kinh doanh. Đó là giá bán và chất lượng sản phẩm phải đảm bảo lợi ích cho chủ đầu tư, nhưng cũng phải bảo vệ tốt khách hàng của mình nữa, chỉ như vậy, các bên mới cùng thắng”, ông Nga tâm sự.

Va vấp thị trường nhiều dường như cũng trui rèn và tạo nên một giác quan tinh nhạy cho người làm kinh doanh. Đơn cử, việc triển khai hợp tác cùng chủ đầu tư ATG để phát triển kinh doanh dự án Legacy Hòa Bình. Ban đầu, đây là thị trường khá mới mẻ, sản phẩm lại cũng đặc thù (bất động sản nghỉ dưỡng núi), nên nhiều sale còn chưa có lòng tin vào việc bán được hàng, các nhà đầu tư cũng chưa tin nhiều vào tiềm năng sản phẩm. Tuy nhiên, bằng công tác nghiên cứu thị trường nghiêm túc, từ xu hướng của khách hàng về việc sở hữu ngôi nhà thứ hai, cho đến những lợi thế so sánh của sản phẩm và sự thay đổi trong thói quen đầu tư, du lịch sau khi Covid-19 xảy ra, chủ đầu tư, BHS và các đơn vị phân phối đã khiến cả khách hàng và sale tin vào sự thành công của thị trường. Đến nay, Legacy Hòa Bình đã thực sự gây được sự chú ý của nhà đầu tư, trong đó, không thể không kể đến vai trò tiên phong tạo lập thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của BHS Group ở xứ Mường này.

Chuyện bếp núc

Trong giai đoạn mà mạng xã hội là kênh kết nối không thể bỏ qua như hiện nay, ông Nga là người rất biết làm chủ công nghệ để gửi gắm nhiều điều thú vị. Cách ông viết nội dung trên facebook, cách chia sẻ rất đời, rất thực tế, với một giọng điệu dí dỏm, hài hước mà vẫn phảng phất đâu đó chất học thuật của một nhà quản trị, khiến người đọc thích thú.

Ông Nga kể, hồi còn đi học, ông cũng được tín nhiệm và hoạt động nhiều trong phong trào đoàn đội của trường. Đi làm, ông hứng thú với việc nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, chuyện bếp núc bên trong và hay để ý về điều đó.

“Bất động sản là nghề đặc thù, môi giới địa ốc lại càng khác hơn. Có thể công việc, tiền lương không giữ được nhân sự lâu, nhưng văn hóa doanh nghiệp lại làm được điều đó. Tôi từng chứng kiến nhiều người ở lại gắn bó với một đơn vị là vì văn hóa, yêu văn hóa, yêu công việc, hạnh phúc với đồng nghiệp. Ở những nơi đó, họ được nói, được chia sẻ, trình bày

ý tưởng cho lãnh đạo, đồng nghiệp. Trường hợp buộc phải thay đổi môi trường, điều họ nhớ đến, nhớ nhất cũng chính là văn hóa công ty”, ông chia sẻ.

Chất riêng của BHS Group còn được thể hiện từ những thiết kế vật lý đơn thuần. Văn phòng là một không gian mở theo phong cách co-working, chỗ này là bàn uống trà, chỗ kia là góc đọc sách, chỗ này thích hợp cho làm việc nhóm, chỗ khác thích hợp cho việc tư lự, suy tư… Không gian ngập tràn ánh sáng, cây xanh. Bước vào đó, người ta dễ cảm nhận được sức sống trong từng cành cây, nhánh lá cho đến con người.

“Chúng tôi luôn cố gắng xóa nhòa khoảng cách nhân viên và sếp, nghiêm túc, nhưng vẫn đảm bảo thoải mái, tự do, ai cũng có không gian sáng tạo cho riêng mình. Chúng tôi cùng nhau làm việc, cùng nhau chơi. Các hoạt động kết nối, tạo dựng văn hóa doanh nghiệp đều được lên chương trình cho cả một năm, mục tiêu là tăng kết nối, thấu hiểu và chia sẻ tối đa giữa các bộ phận, thành viên công ty. BHS phần lớn là những người trẻ tuổi, nên với anh em, mình phải chia sẻ, quan tâm, phải rất chân thành, đúng sai phải góp ý như người nhà. Đã chơi phải chơi hết mình, phải sống thật với con người mình”, ông lý giải.

BHS Group của Lê Xuân Nga và đồng sự chỉ mới kỷ niệm sinh nhật 1 tuổi vào tháng 7 vừa qua. Con đường phía trước còn rất dài và hẳn còn nhiều dư địa để những người BHS Group và thuyền trưởng Lê Xuân Nga thể hiện màu sắc, cá tính…

Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco: Muốn giải những bài toán lớn của Việt Nam
"Chúng ta cùng nhau khởi nghiệp, làm sao cho mục tiêu GDP tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay" là lời của Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền. Nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư