Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco: Muốn giải những bài toán lớn của Việt Nam
Anh Việt - 13/10/2020 17:38
 
"Chúng ta cùng nhau khởi nghiệp, làm sao cho mục tiêu GDP tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay" là lời của Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền. Nhiều năm qua, ông vẫn luôn thực hiện điều đó.
.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco.

Giải bài toán lớn

Một thông tin gần đây được chú ý, đó là tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư châu Âu tỏ ý muốn phát triển Cái Mép Hạ trở thành trung tâm hàng đầu về dịch vụ vận tải, container. Cùng với đó, thị trường đồn đoán về cái bắt tay giữa các nhà đầu tư này với Tập đoàn Geleximco để phát triển dự án.

Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ có trị giá 984 triệu USD (hơn 22.600 tỷ đồng), được thúc đẩy theo đề xuất của liên doanh các nhà đầu tư quốc tế từ Bỉ, Hà Lan và Việt Nam.

Các nhà đầu tư cho biết, dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Cụm cảng Cái Mép nhiều năm gần đây liên tục nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đương nhiên, họ chỉ mong dự án sớm được phê duyệt; đồng thời cam kết nếu được lựa chọn, sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp vận tải xanh để phát triển bền vững.

Giới đầu tư từng dành sự chú ý đối với Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, khi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.

Sở dĩ có sự quan tâm đặc biệt như vậy, một phần đến từ quy mô rất lớn của Dự án với tổng diện tích 1.200 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, Dự án Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng. Nhưng phần lớn là do dự án này đã được cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp khác, song án binh bất động hơn chục năm nay do nhiều yếu tố, một trong số đó là không có khả năng xoay xở về tài chính.

Đầu tư hạ tầng không phải là lĩnh vực dễ “ăn xổi”. Vậy tại sao doanh nghiệp lại chọn đầu tư vào Dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, cũng như Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ?

Tập đoàn Geleximco đã trả lời câu hỏi này bằng bài tính khá rõ. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm bình quân khoảng 21% giá thành sản phẩm, một tỷ lệ rất cao so với các nước phát triển. Quy mô của ngành dịch vụ logistics hiện chiếm 3-4% GDP và có mức tăng trưởng khá  nhanh, khoảng 15-20%/năm, dự kiến đóng góp 8 - 10% GDP vào năm 2025.

“Để giải bài toán giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ”, lãnh đạo Geleximco chia sẻ.

Còn nhớ, tại cuộc đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 năm trước, phát biểu của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco về việc cần thiết thực hiện những giải pháp để hạ chi phí logistics đã được Diễn đàn đánh giá cao.

Nay, trăn trở trên đang được hiện thực hóa. Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, thuộc quy hoạch trong cụm cảng Cái mép - Thị Vải là cửa ngõ quốc tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Với hệ thống luồng sâu có thể thiết kế bến cảng đủ năng lực tiếp nhận tàu lớn nhất trên thế giới, với sức chở 18.000 - 22.000 TEU, trọng tải đến 200.000 DWT, Cảng nằm gần kề các tuyến hàng hải quốc tế, cho phép trực tiếp đưa hàng từ Việt Nam đến các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần trung chuyển qua Singapore, Hongkong như hiện tại, tiết kiệm hàng tỷ USD/năm.

Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ trong khu vực, kết nối trực tiếp với hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đầy đủ chức năng đồng bộ như tập kết hàng hóa, phân phối hàng hóa, gom hàng, giao hàng, lưu giữ, xử lý, bảo quản..., kết nối giao thông thuận tiện với tất cả địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt kết nối giao thông đường thủy sẽ giúp chi phí logistics đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu giảm đáng kể, trực tiếp hỗ trợ và phục vụ cho cụm cảng phát triển.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, cải thiện hữu hiệu hoạt động logistics sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả cả nền kinh tế. Đơn cử, tại Mỹ, chi phí cho dịch vụ logistics vào thập niên 80 của thế kỷ 20 lớn gấp 10 lần so với chi phí quảng cáo; gấp 2 lần so với chi phí quốc phòng và ngang với chi phí y tế, chiếm gần 17% GDP.

Sau đó, Chính phủ Mỹ đã tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành, giúp giảm chi phí logistics về mức 9,9% GDP. Nhờ vậy, nước Mỹ tiết kiệm được hàng trăm tỷ USD, giá hàng hóa hạ thấp hơn, kích thích tiêu dùng và nền kinh tế tăng trưởng.

Quy mô lớn, thách thức lớn

Đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án hạ tầng là bài toán hóc búa với cả những đại gia lớn trên thế giới. Với các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam còn chưa mạnh cả về tiềm lực, năng lực cạnh tranh và khả năng tổ chức chuyên nghiệp, thì khó khăn là đương nhiên.

Đây là lý do lãnh đạo Geleximco cho biết, Tập đoàn sẽ đầu tư đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến đi đôi với hệ thống quản trị thông minh để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Quan trọng là, Geleximco không đi “một mình”, mà sẽ liên danh đầu tư cùng với Tổng công ty Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC CORP) - đối tác có nhiều năm kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực khai thác cảng biến, vận tải biển và logistics tại TP.HCM. Ngoài ra, Tập đoàn còn có rất nhiều đối tác nước ngoài là các công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, hãng tàu, logistics, sẵn sàng cùng chung tay đầu tư, hợp tác và ủng hộ để khai thác dự án  hiệu quả nhất.  Phương châm xuyên suốt của Geleximco là “tổng hợp nguồn lực - chia sẻ thành công”.

Đặc biệt, do quy mô của dự án rất lớn, Geleximco xác định phải thật thận trọng và tính toán chi tiết từng khâu, từ nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư, thực hiện đầu tư đến khai thác sao cho hiệu quả, bền vững. Hơn nữa, Dự án nằm trên nền đất bồi đắp của cửa biển nên yếu và thấp, bởi vậy, việc thi công sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. 

“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất mọi thủ tục đầu tư và triển khai thi công trong thời gian sớm nhất”, đại diện Geleximco chia sẻ quyết tâm hoàn thành sứ mệnh rất khó này.

Khát khao cống hiến

Nói về người chủ Geleximco, bắt đầu kinh doanh với số vốn 200.000 USD, đến giờ, tổng tài sản có thể lên tới 3 tỷ USD, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco vẫn chưa hết khát khao làm kinh doanh.

Đã sinh ra, doanh nghiệp tư nhân chỉ có cống hiến và khát vọng

Ông từng nói, sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Năm 1993, ông đã khởi nghiệp bằng quyết định dấn chân vào lĩnh vực xuất - nhập khẩu tổng hợp. Lúc bấy giờ, chỉ có Nhà nước mới được phép xuất, nhập khẩu. Ông kể: “Tôi quyết tâm phải làm bằng được. Mất 9 tháng trời ròng rã, tôi đã đến các bộ, ngành, xin được 29 con dấu để trình lên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và đã thuyết phục được ông với những lập luận xác đáng”.

Công ty cổ phần Xuất - Nhập khẩu tổng hợp (Geleximco) ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Sau này, ông vẫn giữ nguyên cách làm đó, thấy cần là sẽ làm và làm bằng được, như đầu tư Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa, Nhà máy Xi Măng Thăng Long, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, trở thành bên liên doanh với Honda, Acecook tại Việt Nam, tham gia đầu tư vào ngân hàng hay nổi lên với các dự án bất động sản đình đám ...

Nhìn vào danh mục đầu tư, có thể gọi ông Tiền là một trong những doanh nhân kinh doanh đa ngành nhất Việt Nam.

Việc ông Vũ Văn Tiền tham gia là thành viên của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn cũng bởi khát vọng cống hiến luôn chảy bỏng trong ông. Việc của Ban nhiều, toàn nghiên cứu và tư vấn, đề xuất cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, nhưng ông không ngại.

“Đã sinh ra, doanh nghiệp tư nhân chỉ có cống hiến và khát vọng. Chúng ta cùng nhau khởi nghiệp, làm sao cho mục tiêu GDP tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay”, ông đã nói vậy và vẫn đang lan tỏa đi khát vọng một đất nước hùng cường.

Đại gia Vũ Văn Tiền muốn cùng đối tác Hồng Kông đầu tư 4 dự án hạ tầng lớn
Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding vừa đề nghị Bộ Giao thông cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư