Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Ngô Đức Nguyên, CEO Aharooms: Giấc mơ chuỗi khách sạn dài cả thập kỷ
Huy Vũ - 27/01/2020 09:23
 
Có những giấc mơ kéo dài hàng giờ, cũng có những giấc mơ chỉ vỏn vẹn dăm mười phút, nhưng CEO Aharooms Ngô Đức Nguyên đang sống và làm việc trong giấc mơ về sở hữu chuỗi khách sạn trong hơn 10 năm qua và có thể còn dài nữa.
TIN LIÊN QUAN

Chuyện về Aharooms

“Cách gia nhập thị trường của chúng tôi khá khác biệt”, Ngô Đức Nguyên chia sẻ về giấc mơ cùng Aharooms bằng một câu đơn giản như vậy. 

Thực ra, việc Ngô Đức Nguyên chính thức đưa Aharooms tham gia thị trường đặt phòng trực tuyến cách đây 1 năm là một thông tin trong vô vàn tin khởi nghiệp khác ở nơi có tinh thần khởi nghiệp cao như Việt Nam. 

Nhưng trong ngành, đây không phải là quyết định đơn giản, khi đặt phòng trực tuyến vẫn đang là sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài, được hậu thuẫn về tài chính rất lớn. Những cái tên được nhắc tới lâu nay như Booking.com, Agoda.com hay Traveloka.com đang thống trị thị trường đặt phòng từ 3 sao trở lên và các khu nghỉ dưỡng, với 80% thị phần (theo báo cáo của Tổng cục Du lịch năm 2018). 

Nhu cầu lớn từ lượt khách du lịch nội địa đang tăng trưởng tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp ngoại tham gia thị trường đặt phòng trực tuyến Việt Nam. OYO (Ấn Độ) và RedDoorz (Singapore) đang tích cực khai thác thị trường này trong hơn một năm qua ở mảng khách sạn bình dân (dưới 3 sao). Cách làm của cả hai là mời gọi các khách sạn tham gia hoạt động dưới thương hiệu của OYO, RedDoorz và họ sẽ lo việc tiếp thị, vận hành, cam kết nâng chuẩn dịch vụ lên 4 sao với mức giá không quá 500.000 đồng/đêm. Mục tiêu của nhóm này là tăng công suất phòng trung bình từ 50% lên 70-80% tuỳ vị trí. 

Cũng phải nhắc luôn, cả hai doanh nghiệp trên đều có sự đỡ đầu đáng kể của các quỹ đầu tư mạo hiểm. OYO có sự đầu tư bởi Softbank, đang tự định giá 10 tỷ USD. RedDoorz cũng đã gọi vốn được khoảng 140 triệu USD.

Vậy nên, việc Ngô Đức Nguyên dùng từ khác biệt với Aharooms cũng không quá khó hình dung. Bởi có thể thấy ngay, Aharooms tập trung vào tập khách hàng còn lại của nhóm doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, có vẻ như CEO Aharooms không nhận thế bị động như vậy.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, chủ khách sạn ở quận 3 (TP.HCM) cho biết, các bên như OYO, RedDoorz đã liên hệ và có bên đề nghị trả hơn 70% doanh thu hàng tháng của khách sạn để mời gọi hợp tác. Nhưng ông Phúc từ chối vì cho rằng, việc giảm giá để kích cầu công suất thuê phòng có lợi về mặt doanh thu, nhưng rất khó kiểm soát chất lượng khách, trong khi kinh doanh lưu trú ở Việt Nam là một loại hình dịch vụ khá nhạy cảm.

“Thực tế, có trường hợp khách thuê phòng tổ chức đánh bạc hay sử dụng các chất cấm trong quá trình lưu trú. Việc này xảy ra, thì đương nhiên chủ khách sạn sẽ chịu phạt, thậm chí bị tịch thu giấy phép kinh doanh, nên chúng tôi rất kén chọn khách”, ông Phúc nói.

Những người như ông Phúc là tập khách hàng trọng tâm của Aharooms. 

Đặc điểm của nhóm này là có từ 3 năm kinh doanh khách sạn, đầu tư chất lượng dịch vụ, khá kén chọn khách hàng và muốn tăng công suất phòng mà không phụ thuộc quá nhiều vào việc giảm giá.

Aharooms đóng vai trò tiếp thị, bán hàng cho các chủ khách sạn này. Cụ thể, Công ty sẽ tối ưu giá bán phòng, lượt hiển thị của các khách sạn trên các nền tảng đặt phòng như Booking.com, Traveloka.com hay Agoda.com, thiết lập chiến lược giá hàng ngày cũng như đưa ra các chương trình quảng cáo hiệu quả. Aharooms thu phí dựa trên mỗi giao dịch phát sinh, thường không quá 5%. Mức phí này của OYO và RedDoorz dao động từ 25-30%.

Vẫn chưa có thống kê cụ thể về độ lớn khách hàng tiềm năng của Aharooms, nhưng CEO Aharooms cho biết, đây là thị trường đầy hứa hẹn. 

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện số lượng khách sạn 3 sao đang hoạt động ở Việt Nam đến hết năm 2018 là hơn 500 cơ sở, cung cấp 38.000 phòng cho thị trường. Nếu tính cả nhóm dưới ba sao, con số có thể gấp nhiều lần.

Chiến lược của Aharooms vẫn đang phát huy hiệu quả. Xét về số lượng đối tác, Công ty hiện xếp ngang nhóm ngoại là RedDoorz, OYO, với hơn 100 đối tác. Ông Nguyên tự tin, năm 2020, kế hoạch tăng gấp đôi số lượng đối tác của Aharooms là hoàn toàn khả thi.

Giấc mơ chuỗi khách sạn 

Nguyên luôn ấp ủ ước mơ có một chuỗi khách sạn của riêng mình. 

Sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Pierre Mendès-France University, chuyên ngành kinh tế - quản trị, trước khi khởi nghiệp Aharooms, Nguyên đã từng thử sức với việc phát triển các chuỗi khách sạn nhượng quyền phân khúc 2-4 sao ở Việt Nam, nổi bật với chuỗi khách sạn 4 sao thương hiệu Cititels.

Năm 2008, về Việt Nam, những kiến thức tích góp được trong suốt quãng thời gian du học ở Pháp đã giúp Nguyên nhìn ra những cơ hội và tiềm năng của ngành khách sạn, từ những điểm yếu trong việc vận hành của nhiều khách sạn tại thời điểm đó. Kinh nghiệm thực hành có được càng tiếp thêm tự tin cho Nguyên bắt tay thực hiện giấc mơ khi vừa bước vào tuổi 21.

“Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng có làm, có sai, mới thấy, để thực hiện đúng những điều đó không dễ dàng chút nào”, Nguyên cười khi nói về cảm giác cùng tham gia khai thác thị trường kinh doanh lưu trú với các doanh nghiệp ngoại. Thậm chí, điều này còn tạo ra nguồn cảm hứng bất tận cho Nguyên.

Có lợi thế trải qua nhiều vị trí cũng như mô hình kinh doanh khách sạn và du lịch khác nhau, nên Nguyên hiểu nguyên lý cơ bản là kinh doanh luôn cần sự bền vững, cần lựa chọn và nghiên cứu thật kỹ một phân khúc ngách khi bắt đầu tham gia. Theo thời gian, người sáng lập phải nhận ra các điểm yếu trong sản phẩm, mô hình kinh doanh để hoàn thiện dần, rồi bổ sung đội ngũ quản lý “cứng cựa” trước khi mở rộng quy mô hoạt động.

Thực tế, thị trường mà Aharooms đang tham gia được dự đoán sẽ nóng hơn trong thời gian tới, khi mà theo quy tắc phổ biến, các công ty khởi nghiệp nước ngoài sau khi tìm hiểu thị trường sẽ bắt đầu chiến dịch thu hút khách hàng trên quy mô lớn trong thời gian dài. Hình thức giảm giá trực tiếp vào sản phẩm là “chiêu” thường thấy của nhóm này. Bên cạnh đó, về lâu dài, không chỉ cung cấp chỗ lưu trú, các doanh nghiệp này sẽ lấn dần sang cung cấp dịch vụ ăn ở, di chuyển tại địa phương…

Thách thức dành cho CEO Ngô Đức Nguyên rất rõ ràng. Công ty không chỉ phải tồn tại qua mùa giảm giá, mà còn phải đảm bảo tăng trưởng khách hàng để chứng minh tính hiệu quả của mô hình kinh doanh...

Văn phòng Aharooms tọa lạc ở đường Nguyễn Văn Thủ (TP.HCM). Con đường này khá bình yên vì không nằm trong tuyến giao thông chính, nhưng vẫn nhộn nhịp vào tầm tan sở mỗi ngày, khi mà hàng trăm nhân viên văn phòng ở các cao ốc ra về. Đứng trên tầng 2 của văn phòng, qua lớp kính cường lực, Nguyên lặng lẽ quan sát và chỉ tay về dòng người đang tan ca: “Khách đoàn từ các công ty và nâng cấp hệ thống công nghệ hỗ trợ cho đối tác là lời giải của chúng tôi”.

Cụ thể, để tăng lượng khách hàng cho đối tác, Aharooms sẽ mở rộng tập khách hàng doanh nghiệp, bao gồm dịch vụ đặt phòng du lịch, đặt phòng công tác… Quy mô lớn sẽ giúp Aharooms kết nối với nhiều đối tác không chỉ trong lĩnh vực lưu trú. Trong khi đó, với các đối tác khách sạn, hệ thống quản lý việc quảng cáo tự động và tối ưu giá phòng sẽ là công cụ giúp họ quản lý được công suất phòng hợp lý hơn.

Để minh chứng cho quyết tâm thực hiện, Nguyên đi đến cuối hành lang và mở toang cánh cửa đang hé, nơi có đội ngũ công nghệ và chuyên viên kinh doanh vừa được tăng cường. Nhân lực của Aharooms đã tăng gấp đôi, hơn 50 con người trong vòng một năm qua.

“Có thể đúng, có thể sai, nhưng nếu không thử, sẽ không thể biết được”, Nguyên cười và nói.

Ngô Đức Nguyên có thể sẽ không sở hữu chuỗi khách sạn của riêng mình theo nghĩa truyền thống, nhưng với Aharooms, giấc mơ về chuỗi khách sạn theo những chuẩn mực chung mà Nguyên mong muốn đã định hình. 

Giấc mơ cả thập kỷ về chuỗi khách sạn của Nguyên chắc chắn còn nhiều điều thú vị phía trước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư