Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 10 năm 2024,
Doanh nhân nữ khẳng định kỹ năng lãnh đạo
Anh Hoa - 20/10/2024 08:08
 
Những doanh nhân nữ ngày càng có tầm nhìn lớn lao, khẳng định kỹ năng lãnh đạo với nhiều ngành khác nhau, phá vỡ các rào cản để đi đến thành công.
Những nữ doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. Trong ảnh: Hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Những nữ doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. Trong ảnh: Hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Giấc ngủ không “tròn”

Đối với nhiều người, doanh nhân là những người ngày ăn không trọn vẹn 3 bữa cơm, tối ngủ chẳng “tròn” giấc. Nhưng lại lo chu toàn bữa ăn và giấc ngủ cho hàng chục ngàn gia đình và cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người.

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, tự tin nhấn mạnh nhiều cái có của các doanh nghiệp Việt Nam khi đi qua nhiều thách thức, khó khăn.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, đạt tầm quốc tế, có vị thế, vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, sáng tạo với tầm vóc và vị thế mới.

Báo cáo Grant Thorton năm 2023 cho biết, vị trí lãnh đạo do phụ nữ nắm giữ nhiều nhất tại các doanh nghiệp ở Việt Nam là giám đốc nhân sự (chiếm 61%), giám đốc tài chính (chiếm 44%). Đây là mức cao so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

 Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam liên tục đứng trong top 10 thế giới về tỷ lệ phụ nữ là lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp. Năm 2019, chỉ số này ở nước ta là 37%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới; năm 2021 là 39%, xếp thứ 3 trên thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Philippines); trong các năm 2022 - 2023 là 33 - 34%, vẫn cao hơn so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Mang tinh thần doanh nghiệp tiên phong thời kỳ đổi mới, bà Thảo cũng khẳng định, chiến lược đầu tư và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới, những giá trị mới tốt đẹp cho nền kinh tế, phục vụ cho hàng triệu người dân Việt Nam và các nước. Góp phần cho người dân một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.

Có thể nói trong ngành hàng không, Vietjet mang đến sự thay đổi tiến bộ khi chuyển từ vé máy bay giấy sang vé điện tử, mang cơ hội bay cho hàng triệu người chưa từng đi máy bay, thúc đẩy ngành hàng không đổi mới từ kỹ thuật xăng dầu, điều hành bay, đánh thức hàng chục sân bay địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài vào đào tạo, công nghệ, sản xuất linh kiện…

Theo nữ doanh nhân này, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đầu tư một đội tàu bay hùng mạnh mang quốc tịch Việt Nam sẽ góp phần cho một Việt Nam hùng cường.

Theo bà Thảo, doanh nghiệp hãy mơ lớn, hãy biến Việt Nam thành trung tâm động lực phát triển hàng không của khu vực và thế giới. Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc… Việt Nam có thể trở thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không.

Trong danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Tạp chí Fortune (Mỹ) mới công bố, qua đó vinh danh 100 nữ doanh nhân hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, năng lượng, vận tải, thực phẩm và đồ uống và nhà hàng - khách sạn. Bà Thảo là một trong 3 đại diện của doanh nhân nữ Việt Nam có tên trong danh sách.

Đây là năm đầu tiên Fortune công bố danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Fortune đánh giá, các nữ doanh nhân trong danh sách năm nay đã cải cách công ty, tạo đột phá trong ngành, thúc đẩy tăng trưởng, truyền động lực cho các đồng nghiệp và thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Họ được chọn dựa trên quy mô doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược, khả năng tạo đột phá, tầm ảnh hưởng với nền kinh tế và trách nhiệm xã hội.

Kiến tạo vị thế mới trên nền di sản cũ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cần những doanh nhân tiên phong, có tầm nhìn chiến lược và năng lực quản trị hiệu quả.

Nữ doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC AgriS, là một người như vậy. Bà được các nhà đầu tư, bạn bè, đối tác nể phục.

Sinh ra trong một gia đình doanh nhân truyền thống, được thừa hưởng dòng máu kinh doanh và tâm huyết với ngành nông nghiệp từ mẹ mình, bà Huỳnh Bích Ngọc - người được mệnh danh là “Nữ hoàng mía đường”. Từ nhỏ, Đặng Huỳnh Ức My được tiếp xúc với môi trường kinh doanh và được mẹ truyền dạy những bài học kinh nghiệm quý báu.

Năm 2006, bà chính thức gia nhập TTC AgriS và nhanh chóng thể hiện năng lực lãnh đạo. Tuy nhiên, thay vì đơn thuần là người thừa kế, bà Ức My luôn khẳng định bản thân là người “kế thừa” di sản và tâm huyết của gia đình, quyết tâm tạo dựng dấu ấn riêng của mình. TTC AgriS dưới sự dẫn dắt của bà đã trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp đa quốc gia, với vị thế dẫn đầu thị trường nội địa và có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Với một di sản vững chắc từ thế hệ sáng lập, nữ doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My đã tiếp nối và phát triển tầm nhìn “xanh” cho TTC AgriS, đưa doanh nghiệp vươn mình trở thành một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Bà không chỉ kế thừa tâm huyết về việc củng cố vị thế nông sản quốc gia trên trường quốc tế từ mẹ mình, mà còn tiên phong dẫn dắt TTC AgriS chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên nông nghiệp 4.0, góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và mang lại nguồn năng lượng - dinh dưỡng nguồn gốc tự nhiên cho người tiêu dùng.

Chỉ sau 3 tháng trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC AgriS, Đặng Huỳnh Ức My đánh dấu một khởi đầu ấn tượng, khi TTC AgriS đạt doanh thu kỷ lục trên 29.000 tỷ đồng, cao nhất trong các công ty nông nghiệp Việt Nam, đồng thời bà tiếp tục được vinh danh là Doanh nhân xuất sắc châu Á lần thứ 3 tại APEA 2024.

Ngoài những chỉ số kinh doanh vượt trội, TTC AgriS cũng được công nhận bởi nỗ lực trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, thể hiện qua hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín.

Bà Ức My là minh chứng cho sự thay đổi tích cực của xã hội, nơi mà phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự thành công của bà là động lực để nhiều nữ doanh nhân khác tự tin theo đuổi ước mơ của mình.

Với những đóng góp của mình, bà Ức My đã góp phần khẳng định vị thế của TTC AgriS như một doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Việt Nam và khẳng định vai trò của doanh nghiệp Việt trong việc kiến tạo một ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, vươn tầm quốc tế.

“TTC AgriS luôn nỗ lực để trở thành một doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt ngành nông nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế. Chúng tôi mong muốn góp phần tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội và thế hệ tương lai”, nữ doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My chia sẻ.

Hồi sinh hãng bay từng “khai tử”

Gần đây, chuyện một nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam sở hữu bằng lái máy bay tư nhân, bà Hồ Thanh Hương, CEO Bluesky Airways nổi như cồn trên mạng xã hội và giới truyền thông. Tuy nhiên, chuyện đó còn chưa nổi bằng việc 3 năm trước, bà Hương quyết định xuống tiền mua lại hãng bay Bluesky Airways từng bị “khai tử”.

Lý giải cho quyết định táo bạo này, bà Hương cho biết, thị trường hàng không ở Việt Nam vẫn đầy tiềm năng, là dư địa để bà có thể triển khai ý tưởng. Bluesky Airways từng “nằm im” hơn 10 năm, nhưng giờ đã cất cánh trở lại với những chuyến bay sang trọng phục vụ khách VIP. Hãng khai thác các loại máy bay thương gia như Falcon 8X, Gulfstream G650... và đang khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường bay charter tại Việt Nam.

CEO Hồ Thanh Hương lý giải, chi phí một chuyến bay charter theo nhu cầu không nhỏ, do đó, tệp khách Bluesky Airways tuy ít, nhưng có điều kiện, nhu cầu di chuyển cao và yêu cầu về dịch vụ đặc biệt.

Ngoài phục vụ khách thương gia, bà cũng tham vọng khai thác mảng đang trống thuộc lĩnh vực hàng không chung như bay du lịch, tham quan ngắm cảnh, bay cấp cứu, câu lạc bộ bay hobby ở Việt Nam...

Tuy nhiên, con đường phát triển của hàng không chung tại Việt Nam vẫn còn nhiều góc khuất cần giải quyết như chưa có sân bay riêng, chính sách chưa rõ ràng... Đây là những rào cản mà Bluesky Airways phải đối mặt.

Quan điểm của nữ doanh nhân này cũng khác biệt. Bà cho rằng, là CEO của một hãng hàng không có lượng khách VIP ổn định và không ngừng mở rộng, trong mắt nhiều người đó là thành công, nhưng với bà thì không hẳn vậy. “Không có định nghĩa cụ thể về thành công. Đối với tôi, thành công có thể chia thành từng đầu mục công việc mà mình cần làm hay mình muốn làm tại một thời điểm nào đó, trong một khoảng thời gian nhất định”, CEO Bluesky Airways tâm sự.

Bởi thế, bà luôn cố gắng sống, làm việc để truyền cảm hứng cho mọi người, trước hết là nhân viên của mình với lối sống xanh, khoa học cũng như thể thao.

Có thể nói, với một tinh thần lãnh đạo, tư duy dẫn dắt, sự chia sẻ và kết nối, các nữ doanh nhân có tầm nhìn lớn lao đang từng ngày tạo ra “di sản”, mang lại hạnh phúc hơn cho mình, cho cộng đồng và thế giới xung quanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư