-
Vietravel Airlines có tổng giám đốc mới -
Ông Nguyễn Hồ Nam làm diễn giả tại Diễn đàn Tri thức thế giới 2024 -
Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp -
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới -
Ông Dương Văn Bắc được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland -
Doanh nhân Tạ Huy Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MINSANDO: Hành trình chinh phục các chứng chỉ xanh
Doanh nhân Trần Bá Dương. |
“Công thức” làm nông nghiệp của ông Dương
Sau 5 năm bước chân vào nông nghiệp, trong đó mất 2 năm chuyển đổi cơ cấu cổ đông và ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nhân Trần Bá Dương đã tạo dựng được những vùng chăn nuôi, trồng trọt lớn khiến người có cơ hội được ngắm nhìn phải ngỡ ngàng.
Những rừng cao su không thích hợp với thổ nhưỡng hay việc trồng chuối, nuôi bò chưa có sự tính toán bài bản về hạ tầng tiện ích mà Hoàng Anh Gia Lai thực hiện trước đó đã được thay thế hoàn toàn.
Khu liên hợp nông nghiệp quy mô lớn ở tỉnh Attapeu và Sekong (Lào) đã chuyển dịch theo hướng tích hợp - tuần hoàn, không còn nương theo hiện trạng tự nhiên của địa hình để canh tác như trước.
Hệ thống hồ đập chứa nước, hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, các xưởng đóng gói trái cây tươi đã được xây dựng mới với quy hoạch chi tiết, rõ ràng. Vùng trồng chuyên canh cây ăn trái được quy hoạch “đâu ra đấy” trên diện tích 10.000 ha (gồm 8.000 ha chuối, 2.000 ha dứa). Vùng trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò rộng 14.000 ha (trong đó có 5.000 ha cây ăn trái, gồm xoài, bưởi, sầu riêng) cùng đàn bò lên tới 210.000 con.
Cạnh đó là khu công nghiệp sản xuất - chế biến rộng 200 ha, gồm cụm các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp; cụm các nhà máy sản xuất, chế biến trái cây và nông sản; cụm văn phòng, tổng kho và trung tâm điều hành logistics.
Tất cả đã ngay hàng, thẳng lối và xanh mát mắt, đúng như phong cách quản trị công nghiệp quy mô lớn mà ông Dương tâm niệm khi quyết định khởi nghiệp lần nữa cùng nông nghiệp.
“Đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đòi hỏi phải quản trị công nghiệp, áp dụng quản trị công nghiệp cho toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống đến làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ. Ngoài ra, đã làm quy mô lớn thì buộc phải cơ giới hóa”, ông Dương chia sẻ.
Để đi đến thành quả này, ngoài số tiền đổ vào không dưới 50.000 tỷ đồng, bản thân vị thuyền trưởng của THACO đã không tiếc công sức, trực tiếp chỉ đạo với tần suất thị sát công trường ít nhất là 2 tuần/lần. Thêm vào đó là sự hậu thuẫn rất lớn của THACO Industries chuyên về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; sự cần cù, chăm chỉ, chịu khó của đội ngũ người lao động tại Chu Lai được biệt phái hỗ trợ gây dựng nền móng ban đầu.
Song ông Dương kể, cũng mất nhiều thời gian làm đi, làm lại. Thậm chí, nhiều lúc, người THACO cũng không tin mọi việc có thể làm được chỉ sau ngần ấy thời gian.
Bên cạnh Lào, việc đầu tư tại Campuchia cũng được dày công sắp xếp lại để phát huy các lợi thế sẵn có.
Từ năm 2022 đến 2023, THACO Agri cũng đã triển khai đầu tư thí điểm mô hình chuyên canh cây chuối; trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, bê và bò bán chăn thả. Trong mô hình này, hạ tầng kỹ thuật bao gồm giao thông - thủy lợi - điện, nhà ở công nhân, cửa hàng tiện ích, xưởng sản xuất, đóng gói chuối, kho lạnh bảo quản trái cây được thiết kế bên cạnh các trại chăn nuôi bò sinh sản, trung tâm chế biến thức ăn cho bò, đảm bảo các hoạt động logistics, giao nhận vận chuyển nội bộ và xuất khẩu thuận tiện…
Trong lần tiếp kiến Thủ tướng Campuchia hồi giữa tháng 12/2023 tại Hà Nội, ông Dương đã đề xuất việc thành lập 2 công ty đầu tư nông nghiệp quy mô lớn tại huyện Snuol, tỉnh Kratie và huyện Lumphat, tỉnh Ratanakiri với kế hoạch triển khai dự án ngay trong quý I/2024…
Không chỉ làm nông nghiệp lớn tại hai nước láng giềng khi “giải cứu” Bầu Đức, nhiều dự án nông nghiệp trong nước về nuôi bò, trồng cây ăn trái hay làm vùng sản xuất lúa cũng đang được THACO triển khai nhịp nhàng tại một số địa phương và cho thành quả bước đầu, chuẩn bị được nhân rộng.
Làm nông nghiệp quy mô lớn, nên đích nhắm của THACO là thị trường xuất khẩu. Mục tiêu năm 2024 của THACO là xuất khẩu khoảng 380.000 tấn trái cây, thu về khoảng 300 triệu USD; xuất bán ra thị trường 5.500 con bò và 254.000 con heo, doanh thu ước đạt 9.000 tỷ đồng…
Trăn trở với nông nghiệp, nên ngay trong Dự án Khai thác bauxit tại Lâm Đồng được dư luận quan tâm gần đây, câu chuyện phát triển trang trại trồng trọt cây đa tầng, cây ăn quả và khu sơ chế công nghệ cao trên diện tích lớn với thổ nhưỡng khí hậu tốt cũng được lãnh đạo THACO Group để tâm hơn.
Trong kế hoạch được đưa ra có nhắc tới, do diện tích mỏ lên đến 15.144 ha, nên việc khai thác sẽ kéo dài thời gian rất lâu. Vì vậy, THACO có thể tiến hành ngay lập tức trồng các cây ăn quả ngắn ngày với vòng đời khai thác từ 1 đến 20 năm tại các khu vực chưa khai thác bauxit; kết hợp với khu sơ chế công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp. Đối với phần diện tích mỏ đã được khai thác, sẽ được hoàn thổ và tiếp tục trồng cây đa tầng, cây ăn quả... để đảm bảo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tất nhiên, các dự định trên còn phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đi tới quyết định cuối cùng.
Trên nấc thang mới của cơ khí chế tạo
Tháng 10/2023, trong Lễ kỷ niệm 78 năm thành lập, Tập đoàn Vận tải hành khách Victory Liner đã giới thiệu một dịch vụ mới, lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Philippines: dịch vụ “Royal Class”. Điểm đáng chú ý nhất ở dịch vụ này chính là chiếc xe bus được đội ngũ kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển THACO AUTO nghiên cứu thiết kế theo nhận diện Volvo, phù hợp với yêu cầu của khách hàng và có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.
Trong Lễ kỷ niệm, bà Marivic Del Pilar, Tổng giám đốc Victory Liner chia sẻ, khi tận mắt nhìn thấy và trải nghiệm mẫu xe bus giường nằm với công nghệ và thiết kế tuyệt vời trong chuyến tham quan nhà máy THACO ở Chu Lai, bà đã quyết định, phải đem sản phẩm đẳng cấp này đến thị trường Philippines.
“Chúng tôi muốn định vị dịch vụ Hoàng gia (Royal Class), để tạo ra giá trị khác biệt, đánh dấu sự phát triển mới của Tập đoàn”, bà Marivic Del Pilar nói.
Không chỉ Philippines, THACO đã cung cấp những sản phẩm ô tô tải, bus, sơ mi rơ mooc tới khách hàng ở nhiều thị trường quốc tế. Để thâm nhập các thị trường khác nhau, sản phẩm phải phù hợp với địa hình và hạ tầng giao thông của từng nước. Bởi vậy, hoạt động nghiên cứu và phát tiển (R&D) được THACO rất chú trọng.
Với xuất phát điểm là cơ khí chế tạo, ông Dương và THACO rất hiểu tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong ngành để nhận chuyển giao công nghệ, từng bước tiến lên các nấc thang mới trong chế tạo.
Cũng chính từ việc chuyển giao công nghệ sản xuất và thiết kế của các đối tác lớn, THACO AUTO đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và công nghệ riêng, từ đó làm chủ thiết kế, quy trình, công nghệ sản xuất và phát triển sản phẩm, mang đến những sản phẩm chất lượng quốc tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trung tâm R&D của THACO AUTO hiện có 450 chuyên gia và kỹ sư có kiến thức chuyên sâu, đảm nhiệm việc thiết kế, phân tích mô phỏng, sản xuất mẫu và thử nghiệm. Năm 2024, THACO AUTO sẽ tiếp tục được đầu tư Trung tâm R&D mới, nâng số chuyên gia, kỹ sư làm việc lên 600 người.
Cũng trong năm 2023, các nhà máy lắp ráp ô tô và chế tạo cơ khí của THACO tiếp tục được đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa ở mức cao hơn, đồng thời xây mới thêm tổ hợp nội thất xe du lịch, nhà máy sản xuất kính xe du lịch cùng 2 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô nữa tại Chu Lai.
Cùng lĩnh vực cơ khí, nhưng ở mảng thiết bị và công nghiệp hỗ trợ, hợp tác chiến lược giữa THACO với Tập đoàn công nghiệp nặng Sơn Đông (SHIG) đã được thiết lập hồi tháng 10/2023. Đây là doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc về sản xuất ô tô và thiết bị công nghiệp có doanh thu 500 tỷ nhân dân tệ/năm, hiện diện tại 150 quốc gia, khu vực.
Ngoài hợp tác với đối tác có thực lực, Trung tâm R&D của THACO Industries hiện có 380 kỹ sư, cũng sẽ được nâng lên thành 600 kỹ sư trong năm 2024.
Việc tiếp tục đầu tư cho cơ khí, chế tạo và nỗ lực nâng cao hàm lượng sản xuất tại Việt Nam trong các sản phẩm cơ khí đang tạo thêm cơ hội nối dài chuỗi sản xuất trong nước với các doanh nghiệp khác như Thép Hòa Phát, Thép Posco…
Đại lộ mới cho phát triển
“Lần tới ghé thăm Chu Lai, sẽ lại thấy những sự khác biệt, mới lắm đấy”, ông Dương vui vẻ mời, khiến chúng tôi càng thêm tò mò, háo hức sớm được quay lại Chu Lai. Vùng đất này đã thực sự thay da đổi thịt trong 20 năm qua nhờ sự có mặt của THACO và chắc chắn sẽ có thêm những điều kỳ diệu tiếp nối.
Không chỉ phát triển ở Chu Lai, một khu công nghiệp về cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ của THACO đang được hình thành tại Bình Dương, trên diện tích khoảng 500 ha, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm cơ khí…
Khi nghe người đứng đầu THACO chia sẻ về kinh doanh, có thể thấy rõ, nhiều cơ hội mới đang chờ người biết làm, biết việc đến khai phá, tạo ra những đại lộ mới cho phát triển.
-
Ông Nguyễn Hồ Nam làm diễn giả tại Diễn đàn Tri thức thế giới 2024 -
Doanh nhân Nguyễn Thanh Hiền: Đưa “vị cay” Việt đi khắp năm châu -
Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp -
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới -
Ông Dương Văn Bắc được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland -
Doanh nhân Tạ Huy Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MINSANDO: Hành trình chinh phục các chứng chỉ xanh -
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch HĐQT Mia Group: Nâng cấp với nông nghiệp bền vững
- BOSCH khai trương cửa hàng trải nghiệm đồ gia dụng đầu tiên tại Việt Nam
- C.P. Việt Nam chung tay hướng về miền Bắc thương yêu
- DKSH Việt Nam khai trương Trung tâm phát triển và sáng tạo của ngành nguyên liệu hóa chất
- Xedaptot.com mang lại sự đổi mới cho đại lý kinh doanh xe đạp truyền thống
- Cảng Sài Gòn đăng cai tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Cảng biển Việt Nam
- Far Eastern Polytex Vietnam - Nơi làm việc tốt nhất châu Á năm 2024