-
Ông Lê Hồng Minh quay trở lại làm Chủ tịch VNG -
Vì sao start-up cần thành lập hội đồng quản trị? -
Chủ tịch CEO viết sách mời người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư bất động sản -
Giúp khách hàng vượt qua thử thách và nắm bắt cơ hội mới -
Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản -
Doanh nhân nữ không cô đơn trên hành trình chuyển đổi kép
Doanh nhân Trịnh Thị Bích Thảo. |
Cà phê chọn tôi!
Trịnh Thị Bích Thảo quê ở Phan Thiết, từng làm ở một số công ty marketing trước khi chuyển đến một công ty cà phê ở Buôn Ma Thuột. Tại đây, Thảo có điều kiện tiếp xúc nhiều với cà phê, rồi cô “mê” cà phê từ lúc nào không hay. Thảo thấy sự thú vị từ trồng, chế biến, pha chế cà phê, giống như người “nghiện” uống cà phê không thể bỏ được.
“Tôi làm việc cho một công ty cà phê ở Buôn Ma Thuột gần 2 năm. Tôi nghĩ, ngành cà phê chọn tôi, trước đó, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ chọn cà phê”, Thảo tâm sự.
Thảo nói, chính cà phê đã dẫn cô vào ngành kinh doanh. Dù cà phê là ngành của “thị trường đỏ”, nhiều đại gia đang cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng trong đó vẫn có thị trường ngách. Thảo đã khảo sát thị trường và nhận thấy, nhu cầu tiêu dùng loại thức uống này trên thế giới rất cao, chỉ sau nước khoáng, trong khi Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu cà phê cung cấp cho thế giới.
Với lợi thế như vậy, Thảo quyết định bước vào ngành cà phê bằng thương hiệu riêng Anni Coffee cùng niềm tin sẽ tạo dựng được một thương hiệu cà phê Việt chinh phục các thị trường quốc tế khó tính.
Xuất ngoại rồi hướng nội
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thường hướng đến phục vụ trong nước, rồi mới mở rộng sang thị trường nước ngoài, nhưng Anni Coffee không đi theo lối mòn này, mà bước theo con đường mới. Ngay từ đầu, mục tiêu của Công ty là đưa cà phê sạch của Việt Nam ra thị trường quốc tế để khẳng định năng lực, sau đó mới quay về chinh phục thị trường nội địa.
Để làm được điều đó, Thảo dồn toàn bộ nhân lực của Anni vào tập trung tìm hiểu vùng nguyên liệu để lựa chọn nguồn nguyên liệu tốt nhất tại Tây Nguyên là vùng Đắk Lắk - Lâm Đồng. Sau đó, cô lựa chọn các nhà máy chế biến lớn và có kinh nghiệm xuất khẩu hơn chục năm tại thị trường quốc tế như Mer Café, Simexco Bình Dương, Voco, Dakman, Ramex… Quy trình đóng gói của Anni Coffee cũng tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
“Anni Coffee luôn ý thức và chú trọng chất lượng của từng hạt cà phê. Tôi ưu tiên cho nguồn đầu vào nhân cà phê đã qua sơ chế và chế biến trên dây chuyền hệ thống thiết bị hiện đại hoàn toàn tự động, đặc biệt là hệ thống xử lý cấp thoát nước và hệ thống xử lý trong quá trình chế biến hạt cà phê tươi, để sản phẩm luôn đảm bảo đáp ứng đủ những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Chúng tôi xác định sẽ không bỏ qua một chi tiết nào mà thị trường nước ngoài đòi hỏi”, Thảo chia sẻ.
Bên cạnh chất lượng, Thảo cũng rất chú trọng bao bì sản phẩm, đảm bảo quy chuẩn đóng gói có van thở, sử dụng giấy kraft tự hủy thân thiện với môi trường và túi đóng gói gồm 4 lớp theo đúng chuẩn đóng gói quốc tế…
Anni Coffee áp dụng nhiều mức giá theo từng phân khúc khách hàng, đảm bảo chất lượng từng sản phẩm, tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất, xuất khẩu và đáp ứng gu cà phê pha máy chuyên nghiệp theo chuẩn châu Âu.
Khi chất lượng sản phẩm đã đảm bảo, khâu quan trọng tiếp theo là làm thị trường. Đầu tiên, Thảo thử sức ở thị trường EU và Mỹ. Để tiếp cận các thị trường này, Anni Coffee tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tham dự Hội chợ Cafe Asia hàng năm tại Singapore; cải tiến và phát triển sản phẩm theo chuẩn quốc tế, chủ động kết nối với các đối tác nhập khẩu có kinh nghiệm trong ngành để học hỏi và điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ và những thị trường khó tính khác.
Hướng đi khác biệt đó đã giúp Anni Coffee thành công ngoài mong đợi. Tháng 1/2016, chỉ 8 tháng sau khi khởi nghiệp, Anni Coffee đã xuất khẩu được sản phẩm vào Mỹ. Đến nay, ngoài Mỹ, thị trường xuất khẩu của Anni Coffee đã mở rộng sang cả Singapore, Úc, Campuchia với sản lượng tiêu thụ khoảng 100 tấn thành phẩm/năm. Không những thế, Anni Coffee còn phân phối trên hệ thống Amazon và nhận được nhiều phản hồi tốt của khách hàng tại Mỹ, châu Âu (qua công cụ đánh giá, nhận xét sản phẩm) sau khi trải nghiệm sản phẩm trên hệ thống này.
Với những nỗ lực không ngừng, Trịnh Thị Bích Thảo đang từng bước khẳng định một thương hiệu cà phê Việt. Cô muốn chứng minh, Việt Nam không chỉ xuất khẩu cà phê thô, giá rẻ, mà hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt, bán tốt ở nước ngoài, nâng cao vị thế của cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.
Còn tại thị trường nội địa, dù không phải là thị trường chiến lược, nhưng Anni Coffee cũng đạt kết quả khả quan với sản lượng tiêu thụ khoảng 1,5 tấn thành phẩm mỗi tháng. Hiện Anni Coffee đang được phân phối tại 60 cửa hàng, điểm bán lẻ ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, sản phẩm có mặt ở hầu hết các kênh thương mại điện tử lớn (Tiki, Lazada, Sendo, Shopee, Adayroi…).
Giải quyết bài toán “thấu tình, đạt lý”
CEO Anni Coffee chia sẻ, để đạt được những thành quả hôm nay, cô đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách, từ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chuẩn, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đến định hướng sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu, thị trường…
Khởi nghiệp năm 2015, giữa lúc thị trường trong nước bùng nổ nhiều thương hiệu cà phê, Anni Coffee là “tân binh”, nhưng giá lại cao gấp hai, ba lần mặt bằng chung, nên đã khó lại càng khó.
Khi đó, người tiêu dùng cũng chưa quan tâm nhiều đến thực phẩm sạch, chưa có kinh nghiệm phân biệt cà phê 100% nguyên chất với cà phê trộn tẩm các loại hương liệu hóa chất. Đa số người uống cà phê vẫn chuộng các loại sản phẩm có độ sánh cao, đậm mùi hương và đen sậm, lại có giá thành rẻ. Do vậy, Anni Coffee gần như bị từ chối ở thị trường trong nước.
Cú sốc thị trường rất lớn, nhưng dường như không ảnh hưởng nhiều đến Anni Coffee, bởi ngay từ khi thành lập, Thảo đã xác định sẽ phát triển Anni Coffee ở thị trường quốc tế, sau đó mới chinh phục thị trường nội địa.
Tạm gác thị trường trong nước, nữ CEO quyết tâm dồn lực vào sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Khi đã đạt các tiêu chuẩn và tiêu thụ tốt tại những thị trường khó tính như Mỹ, Singapore…, Anni Coffee trở về “sân nhà” để phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.
Trong nhiều năm phát triển, khó khăn lớn nhất với Thảo không phải là vấn đề thị trường, mà là khi phải đối mặt với chữ “thấu tình, đạt lý”, phải lựa chọn giữa “tình” hay “lý” để vững bước trên con đường kinh doanh.
Thảo kể, vừa qua, Anni Coffee phải chia tay với một cổ đông. Cổ đông này đã gắn bó với tất cả thành viên từ khi thành lập đến nay. Về mặt tình cảm, mọi người vẫn có quan hệ tốt, nhưng về định hướng kinh doanh thì đã có sự khác biệt. “Do đó, tôi buộc phải dừng hợp tác, mua lại toàn bộ cổ phần mà đồng nghiệp đó đang nắm giữ để tiếp tục phát triển Công ty theo định hướng chiến lược đã đề ra”, Thảo tâm sự.
Cô nói, con đường kinh doanh chưa bao giờ bằng phẳng và dễ dàng, nhất là đối với những người phụ nữ. Khó khăn luôn tồn tại trong kinh doanh và cuộc sống, quan trọng là mình đối mặt với chúng như thế nào mà thôi.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Thảo cho biết, Anni Coffee đang lên kế hoạch mở rộng khách hàng ở các bang tại Mỹ, ngoài New York và Boston. Đồng thời, Công ty sẽ phát triển sang Trung Quốc - thị trường đông dân, nhu cầu cao và sản phẩm của Anni Coffee hoàn toàn phù hợp.
Sau khi đã khẳng định được vị trí của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, đến nay, Thảo cũng đang xây dựng lộ trình chinh phục khách hàng ngay trên chính “sân nhà”. Sắp tới, Công ty sẽ làm việc với hệ thống Sài Gòn Co.op, Vinmart… để đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị này.
Một kế hoạch khác mà Thảo cũng đang ấp ủ là hỗ trợ kết nối những mặt hàng nông sản chủ lực của nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế. “Với kinh nghiệm thực tế của mình, tôi mong muốn có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Anni bán hàng ra toàn cầu, đặc biệt là thông qua Amazon”, Thảo nói.
Chat với CEO Anni Coffee:
Chị dùng từ nào ngắn gọn nhất để giới thiệu về mình?
Tôi là người đơn giản, nhưng lại khá cầu toàn
Tài sản lớn nhất mà chị đang sở hữu?
Chính là bản thân tôi và những bài học quý giá mà tôi có.
Triết lý kinh doanh của chị?
Triết lý kinh doanh mà tôi luôn theo đuổi là tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội, gia đình và bản thân.
-
Doanh nhân Mã Thanh Danh: Kinh doanh giống như chơi bóng đá -
Chủ tịch CEO viết sách mời người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư bất động sản -
Chu Đức Minh, Nhà sáng lập nền tảng Communi: Đưa trí tuệ Việt vào thị trường phần mềm toàn cầu -
Giúp khách hàng vượt qua thử thách và nắm bắt cơ hội mới -
Benoît Chaigneau, Nhà sáng lập Chu Ben Fish Sauce: Nâng tầm nước mắm Việt Nam -
Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản -
Doanh nhân nữ không cô đơn trên hành trình chuyển đổi kép
- Siêu phẩm “nhà đẻ ra tiền” tung chính sách khủng cuối năm
- Việt Nam - Điểm khởi đầu cho kế hoạch tư vấn nhà máy thông minh toàn cầu của Samsung
- Chuyển tiền Kiều hối Ria về Việt Nam tại Agribank - phí 0 đồng
- BIDV nhận 3 giải thưởng quốc tế về trải nghiệm khách hàng
- Land Rover Việt Nam ra mắt Range Rover Velar mới
- GEIMS Việt Nam 2024 - Điểm hẹn của các doanh nghiệp “Đầu tàu” ngành sản xuất diện tử