Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân Vũ Thanh Tuyền: Đã làm kinh doanh thì không lùi bước
Thanh Nga - 04/05/2018 15:48
 
Trở về sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, người lính trẻ Vũ Thanh Tuyền khi ấy chỉ tâm niệm một điều, mình phải sống, làm việc và cống hiến thêm cả phần của biết bao đồng đội đã anh dũng ngã xuống và góp sức làm giàu cho mảnh đất quê hương.

Doanh nhân Vũ Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền (Công ty Thanh Tuyền) ở thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), mang đến cho người đối diện cảm nhận về sự mạnh mẽ, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, bên cạnh sự cởi mở, nồng ấm thường thấy từ những người từng trải qua quân ngũ. 

doanh nhân Vũ Thanh Tuyền
Doanh nhân Vũ Thanh Tuyền

Chỉ cần một câu hỏi về công việc đang triển khai, hay những kế hoạch, dự định cho tương lai, là ông Tuyền có thể say sưa nói, say sưa kể với một tâm thế “đã làm kinh doanh thì không lùi bước, không ngừng học hỏi, đổi mới và sáng tạo”. Có lẽ, đây chính là bí quyết để người cựu chiến binh này, từ hai bàn tay trắng, xây dựng doanh nghiệp thành công như ngày hôm nay.

Khởi nghiệp bằng mong muốn làm giàu cho quê hương 

Năm 1979, khi đang làm công nhân lái xe tại Nhà máy sứ Đông Thành (Đông Triều, Quảng Ninh), nhận được lệnh tổng động viên, chàng trai 25 tuổi Vũ Thanh Tuyền lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Trở về sau cuộc chiến, Vũ Thanh Tuyền thấm thía giá trị của cuộc sống, của hòa bình và tự hứa với lòng sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của biết bao đồng đội. Vũ Thanh Tuyền cũng không thôi nung nấu khát vọng, phải làm được điều gì đó để đóng góp cho vùng đất “Đệ tứ chiến khu” Đông Triều, nơi mình sinh ra và lớn lên. 

Công cuộc Đổi mới những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước đã thổi bùng khát vọng của Vũ Thanh Tuyền, đánh thức năng lực kinh doanh tiềm ẩn trong con người luôn tự nhận mình “chưa được đào tạo đại học hay một khóa chuyên ngành kinh tế nào”. Có lẽ vì thế, sau bao năm bươn trải cùng doanh nghiệp, đến hôm nay, người cựu chiến binh này vẫn giản dị cho rằng, mình khởi nghiệp chỉ với mong muốn tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần làm giàu cho quê hương.

Ông Tuyền nhớ lại, năm 1992, Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền được thành lập với trụ sở chỉ là một văn phòng nhỏ và hơn 20 nhân viên. Vốn hoạt động ít ỏi, thiếu thốn đủ đường, nhưng theo ông, khó khăn nhất lúc bấy giờ là thiếu kiến thức quản lý doanh nghiệp, từ chuyện báo cáo thuế, tổ chức bộ máy nhân sự… đến tìm kiếm các hợp đồng. 

Thế rồi cứ mày mò, học hỏi, cộng thêm sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể công nhân viên, Công ty đã có được các hợp đồng xây dựng trạm xá, đường điện, trường học, đường giao thông, kênh mương có giá trị nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Uy tín tăng lên, Công ty nhận được những công trình lớn hơn và mở rộng phạm vi sang các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… 

“Nhiều khi, nhận những công trình ở vùng sâu, vùng xa, nếu tính cả chi phí ăn ở, đi lại cho công nhân, là không có lợi nhuận, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện, trước nhất là vì mục tiêu an sinh xã hội, sau đó là khẳng định uy tín và thương hiệu của Công ty”, ông Tuyền chia sẻ.

Kiên trì, bền bỉ và “không chê” những công trình ít lợi nhuận, Công ty Thanh Tuyền từng ngày lớn mạnh. Sau hơn 25 năm thành lập, hiện Công ty đã có gần 400 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, nhân viên và công nhân lao động có kiến thức, giàu kinh nghiệm; mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: xây dựng công trình, kinh doanh xăng dầu, vận tải hàng hóa, khai thác mỏ, dịch vụ công ích… mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. 

Một dự án mang nhiều khát vọng

Không dừng lại với thành công của doanh nghiệp, ý tưởng về một nhà máy sản xuất các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải từ các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn dần manh nha và thôi thúc ông quyết tâm thực hiện.

“Tôi đã mất cả năm trời đi đến các nhà máy sản xuất gạch không nung tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tìm hiểu, rồi sang Nhật Bản, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ… tìm công nghệ, học hỏi kinh nghiệm. Chứng kiến quy trình sản xuất gạch không nung hiện đại của nước ngoài, tôi càng khao khát có được một xí nghiệp với dây chuyền công nghệ tiên tiến, để làm ra các sản phẩm gạch, ngói chất lượng với giá thành hợp lý”, ông Tuyền chia sẻ. 

Sau một thời gian chuẩn bị, đầu năm 2017, Nhà máy gạch ngói không nung Thanh Tuyền có vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng nằm trên diện tích 8 ha tại xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) chính thức ra đời. Ông Tuyền đã mạnh dạn đầu tư 2 dây chuyền tự động có công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, châu Âu sản xuất 3 sản phẩm chính: gạch xây, công suất 60 triệu viên/năm; ngói màu, công suất 20 triệu viên/năm và gạch terrazzo lát vỉa hè, công suất 1 triệu m2/năm. 

Tháng 7/2017, sau nhiều mẻ sản xuất thử nghiệm với các công thức pha trộn khác nhau để tuyệt đối không sử dụng mạt đá, những mẻ gạch, ngói đầu tiên đã ra đời.

Các sản phẩm gạch, ngói không nung Thanh Tuyền, với lợi thế nguồn nguyên liệu an toàn, hội đủ các tiêu chí: bền, đẹp, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo ISO 9001:2015, nhưng thời gian đầu không được người tiêu dùng đón nhận như kỳ vọng. Theo ông Tuyền, đó là do thói quen trong xây dựng của đa số người dân, các nhà thầu xây dựng. Hầu hết mọi người chưa nhận thấy, gạch không nung không thua kém mọi tiêu chuẩn về chất lượng, độ bền, đẹp so với gạch, ngói đất sét nung, trong khi giá thành chỉ bằng 2/3, thậm chí rẻ hơn.

Trước bài toán đầu ra, ông Tuyền và Hội đồng Quản trị Công ty đã thống nhất phương án, một mặt tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, không ngừng cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Mặt khác, mở rộng mạng lưới văn phòng giới thiệu sản phẩm và hệ thống phân phối tại hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc vào đến miền Trung, đồng thời, xây dựng chiến lược xuất khẩu sang các nước trong khu vực. 

Nhờ cách làm đó, sau thời gian ngắn, danh mục các sản phẩm của Công ty Thanh Tuyền đã lên đến hơn 40 mặt hàng, gồm gạch xây, ngói màu, gạch lát nền các loại. Lượng khách hàng từ nhiều tỉnh, thành phố đến với doanh nghiệp cũng nhiều lên, chưa kể, cuối tháng 12/2017, những lô hàng đầu tiên đã được xuất sang Lào, Campuchia, Malaysia... Chỉ trong vài tháng cuối năm 2017, doanh thu từ các sản phẩm gạch, ngói đạt khoảng 56 tỷ đồng, đóng góp vào con số 255 tỷ đồng doanh thu và hơn 5 tỷ đồng nộp ngân sách địa phương của toàn Công ty, đồng thời đảm bảo mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng cho người lao động. 

Chưa dừng ở đó, ông Tuyền cho biết, tháng 7 tới đây, Công ty Thanh Tuyền tiếp tục nhập về một dây chuyền sản xuất tự động từ Đức để tăng năng suất, sản lượng và góp phần giảm giá thành sản phẩm. 

Ông Tuyền luôn tâm niệm, để tồn tại trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cũng như sự phát triển không ngừng của đất nước, Công ty phải xây dựng chiến lược cho riêng mình. Theo đó, trọng tâm là đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, không ngừng đổi mới công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị thi công hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại và tiên tiến. 

“Khi đầu tư nhà máy, tôi muốn sản phẩm làm ra phải đẹp, chất lượng và được người tiêu dùng đón nhận tích cực hơn nữa, vì đây là giải pháp thay thế nguyên liệu tiến bộ, đã được cả thế giới tin dùng, đồng thời còn góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Khó khăn phía trước còn rất nhiều, nhưng tôi tin mình đã đi đúng hướng, bởi những sản phẩm hữu dụng được sinh ra từ khoa học công nghệ và thân thiện với môi trường sẽ là lựa chọn của hôm nay và ngày mai”, vị doanh nhân cựu chiến binh tin tưởng.

Trò chuyện cùng doanh nhân Vũ Thanh Tuyền:

Tự nhận mình là một doanh nhân chưa được đào tạo đại học, hay các chuyên ngành kinh tế, ông đã vượt qua những khó khăn trong công tác quản lý doanh nghiệp ra sao?

Tôi tự học hỏi, qua sách báo, qua bạn bè và tự rút ra kinh nghiệm sau những công việc cụ thể. Với sự phát triển của công nghệ - thông tin hiện nay, điều kiện học tập trở nên thuận lợi hơn, quan trọng là mình có muốn học tập không, có nỗ lực đổi mới không mà thôi.

Bí quyết thành công của ông là gì?

Tôi tự thấy doanh nghiệp của mình chưa phải đã lớn để nói những điều to tát, nhưng mỗi khi bắt tay vào một công trình mới, hay một dự định mới, tôi không chỉ chú ý đến lợi ích của Công ty, mà luôn luôn nghĩ đến lợi ích của người lao động, của cộng đồng.

Có lẽ vì thế, tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền và nhân dân địa phương, cùng sự đồng lòng vượt qua khó khăn của cán bộ, công nhân viên.

Doanh nghiệp vật liệu và cuộc đua công nghệ
Cuộc đua công nghệ không chỉ sôi động với các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, thiết bị điện tử…, mà cả với nhiều ngành nghề khác,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư