Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi
Đôi bạn khiến Facebook… mất 80.000 USD
Gia Huy - 15/06/2016 09:04
 
Gặt hái được gói tài trợ trị giá 80.000 USD để phát triển Dự án App Kid REC, nhưng Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi vẫn chưa an tâm. Cả hai đang lên kế hoạch tìm thêm đối tác để phát triển nhanh hơn ý tưởng này.

App Kid REC là gì?

Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi được biết đến sau cuộc thi lập trình công nghệ trong lĩnh vực giáo dục lớn nhất Ðông Nam Á Edtech Asia Hackathon 2016. Dành giải nhì cuộc thi, nhưng đây là đội được Facebook chọn để trao gói tài trợ trị giá 80.000 USD dành cho đội có sản phẩm xuất sắc nhất để phát triển dự án.

Đào Trần Bằng đang là trưởng nhóm lập trình phần mềm Công ty East Agile Việt Nam, còn Lê Thụy Vi vừa đi dạy và làm thêm các dự án liên quan đến giáo dục và trẻ em tại TP.HCM. Điều này lý giải phần nào sự thành công của cặp bài trùng trong cuộc thi được tài trợ bởi Facebook và Google này.

.
Đôi bạn Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi

Hiện tại, đôi bạn sinh năm 1988 này đang thực hiện những bước cuối cùng để đưa Dự án App Kid REC ra cộng đồng sử dụng thử. Dự án đã hoàn thành được bản beta và đang chuẩn bị cho việc phát hành.

App Kid REC là sản phẩm công nghệ giúp phát triển kỹ năng về cảm xúc - xã hội, một trò chơi giáo dục dành chung cho cả cha mẹ và con cái của mình.

“Phần mềm tương tác cảm xúc trên điện thoại giúp cha mẹ có thể chơi cùng các con mình ở Việt Nam chưa có. Đây là lý do chúng tôi phát triển ý tưởng này”, Vi kể về dự án đã thuyết phục được ban giám khảo là bậc thầy về công nghệ đến từ Facebook và Google.

Theo Đào Trần Bằng, điểm khó nhất của dự án, cũng có thể là điểm mấu chốt thuyết phục được Facebook để có khoản tài trợ phát triển dự án, đó là hóa giải được mối liên hệ giữa cảm xúc xã hội – nội dung đòi hỏi sự tương tác trực tiếp và công nghệ ảo.

“Sản phẩm của chúng tôi phải giải quyết được 3 vấn đề. Một là, làm sao để cha mẹ quan tâm đúng mức tới việc phát triển khả năng và cảm xúc của trẻ, thay vì quá tập trung vào những kỹ năng mang tính học thuật như hiện tại. Hai là, xử lý được vấn đề trẻ em tiếp xúc quá sớm với đồ chơi công nghệ mà không có sự hướng dẫn quan tâm từ cha mẹ. Ba là, đưa ra những công cụ, tiện ích trên điện thoại để hướng dẫn và giúp đỡ cha mẹ chơi chung và hướng dẫn con cái phát triển kỹ năng cảm xúc”, Bằng chia sẻ.

Kế hoạch bán ý tưởng

Không phải ngẫu nhiên, hai đồng sở hữu ý tưởng App Kid REC chọn mùa hè để chào thị trường. Nghỉ hè là thời điểm vàng cho các trò chơi, khi các bậc phụ huynh sẽ dễ tính hơn với các đề xuất từ con cái.

“Thị trường của Việt Nam khá cởi mở trong việc đón nhận những công nghệ mới. Đặc biệt, giới trẻ cũng rất chịu khó tiếp xúc các công nghệ mới. Đó là lợi thế của Dự án này. Tuy nhiên, hạn chế lại chính là quan điểm của những bậc phụ huynh, họ không muốn con mình chơi trên điện thoại và không chịu cùng con chơi trên điện thoại”, Bằng phân tích.

Trong khi đó, App Kid REC chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia của chính các bậc phụ huynh.

“Chúng tôi muốn các bậc làm cha mẹ chơi chung với các con, để hiểu tâm lý lứa tuổi của con mình và quan trọng là không còn tâm lý sợ con chơi điện thoại nhiều sẽ hư nữa. Công nghệ sẽ đem lại hiệu ứng tích cực nếu người dùng sử dụng tích cực”, Vi lý giải thêm.

Bởi vậy, đôi bạn sở hữu 80.000 USD để khởi nghiệp đang rất cẩn trọng trong kế hoạch phát triển của App Kid REC, nhất là khi bước sang giai đoạn thương mại hóa ý tưởng cũng như phát triển các app tương tự. Vì giai đoạn đầu, người dùng sẽ tải hoàn toàn miễn phí phần mềm trên điện thoại, nhưng phần phát hành này chỉ dạy 4 cảm xúc cơ bản. Sau này, phát triển tạo ra các bài học khó hơn, hay hơn thì người dùng phần mềm này sẽ phải mua thêm về. Trong kế hoạch của Bằng và Vi, sẽ có thêm các app, không chỉ dạy về cảm xúc mà còn các kỹ năng xã hội khác nữa.

Hiện tại, Bằng và Vi cũng đang xúc tiến thủ tục pháp lý để bảo vệ sở hữu trí tuệ khi phát hành sản phẩm.

Cũng phải nói thêm, đây không phải là ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên của Bằng và Vi. Năm 2010, cả hai đã thành công với một dự án dạy tiếng Anh mang tên Flashcard Blueup tại Công ty Giáo dục Blueway. Sau 1 năm phát triển và 3 năm tung ra thị trường, Dự án đã được Alpha Book mua lại để phát triển.

Trò chuyện với Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi

Các bạn nghĩ thế nào về ý tưởng start-up của mình?

Những ý tưởng của chúng tôi nhiều khi không phải là mới tinh, nhưng có bắt tay vào làm thì mới biết được dự án nào sẽ thành công. Sản phẩm của chúng tôi thực hiện luôn lạ so với các sản phẩm khác trên thị trường. Chúng tôi đặt nhiều tâm huyết vào đó.

Đơn cử, khi bắt đầu với Flashcard, chúng tôi cứ nghĩ ở Việt Nam chưa ai làm, hóa ra không phải, ở Hà Nội và TP.HCM cũng đã có người làm. Thế nhưng, đến khi phát hành, duy nhất sản phẩm của chúng tôi được ghi nhận là đổ công sức vào nhiều nhất.

Vậy còn ý tưởng đang nhận được 80.000 USD thì sao?

Chúng tôi đang tìm đối tác có đủ lực về quản lý và vốn để thúc đẩy dự án nhanh hơn. Chúng tôi sẽ bán sản phẩm này nếu có đơn vị phát triển dự án tốt hơn.

Nghĩa là các bạn nghi ngờ khả năng thực hiện của mình?

Chúng tôi không nghĩ là con mình đẻ ra thì mình phải tự nuôi, tự phát triển. Nếu nghĩ như vậy, ý tưởng chúng tôi có thể sẽ không phát triển mạnh trên thị trường và thành công được.
Ứng dụng đọc sách đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp dành riêng cho nữ giới
Ứng dụng đọc sách nhanh CheckIt dành chiến thắng tại cuộc thi Her Startup thuộc chuỗi sự kiện trong chương trình Sogal Summit 2016 vừa diễn ra – sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư