-
Băng dày 5 mm phủ đỉnh Fansipan, hiện tượng kỳ thú những ngày đầu năm mới 2025 -
30 năm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long -
Sắp triển khai công viên nước “Cá chép hóa rồng” tại CaraWorld: Điểm đến mới của Cam Ranh -
Du lịch Hà Nội thu 594 tỷ đồng trong ngày nghỉ Tết Dương lịch 2025 -
“Thủ phủ” của những sự kiện toàn cầu gọi tên Phú Quốc
Bức tranh du lịch Việt Nam tươi sáng
Năm 2024, các sân bay lớn nhộn nhịp, các điểm đến như Hạ Long, Hội An, Sapa đông vui trở lại. Lễ hội Festival Huế, Carnaval Hạ Long và du lịch biển tại Đà Nẵng, Phú Quốc làm bức tranh du lịch Việt Nam thêm rực rỡ. Du lịch xanh được chú trọng; hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục hồi và ứng dụng công nghệ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2024, ngành du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng sự đồng hành của các địa phương và doanh nghiệp. Với phương châm “tăng tốc, sáng tạo, về đích” và tinh thần “3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả”, ngành đã đạt nhiều kết quả nổi bật, phục hồi mạnh mẽ với lượng khách quốc tế tăng cao, sản phẩm du lịch đa dạng và quảng bá hiệu quả trên các nền tảng số. Công tác xây dựng chính sách cũng được chú trọng.
Các địa phương đã triển khai nhiều mô hình du lịch thông minh, sáng tạo theo hướng xanh và bền vững, như Hà Nội - Đến để yêu, Đà Nẵng - Khơi nguồn hạnh phúc, Quảng Ninh - Nụ cười Hạ Long, TP.HCM - Xanh trên mỗi hành trình... Ưu tiên hàng đầu của các địa phương là làm mới sản phẩm du lịch, xây dựng các tuyến tour chất lượng, mang lại trải nghiệm hấp dẫn, góp phần tăng độ hài lòng và thu hút du khách.
Đặc biệt, Việt Nam đã triển khai thị thực điện tử cho công dân toàn cầu (lưu trú tối đa 90 ngày) và mở rộng miễn thị thực lên 45 ngày, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist chia sẻ, năm 2024, chính sách mới, thông thoáng hơn về visa với du khách quốc tế đã mang đến bước nhảy vọt về lượng khách và doanh thu từ nguồn khách quốc tế. Với những quốc gia đã được mở cửa visa 45 ngày, doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lượt khách lên đến 20%.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo, ngành du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt được nhiều con số ấn tượng: phục vụ gần 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 38,9% so với năm 2023); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%).
Giải thưởng Du lịch thế giới tiếp tục tôn vinh Việt Nam ở 3 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) nhận định, du lịch Việt Nam cơ bản phục hồi bằng năm 2019, có những thị trường còn tăng trưởng cao hơn. Ngoài chính sách visa cởi mở, Việt Nam cũng đẩy mạnh quảng bá để tiếp cận khách du lịch thông qua các sự kiện âm nhạc, điện ảnh và quảng bá trực tuyến... Những hoạt động này phần nào đã tiếp cận trực tiếp đến khách quốc tế, tạo động lực để họ quyết định đi du lịch Việt Nam.
Trong tổng số 17,5 triệu lượt khách đến Việt Nam, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa, đạt khoảng 8 triệu lượt; khách Âu - Mỹ đạt khoảng 5 triệu lượt. Nhìn vào tương quan thị trường thì thấy rõ, du lịch Việt Nam khá đa dạng về thị trường khách, không quá phụ thuộc vào một thị trường.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá, du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Cùng với sự phục hồi thần kỳ sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, thời gian qua, du lịch Việt Nam liên tục đạt được những giải thưởng quốc tế quan trọng. Các địa phương có thế mạnh về du lịch cũng liên tiếp đón nhận tin vui. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Tiếp tục khơi thông những “điểm nghẽn”
Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, năm 2025 được xác định là năm du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ngành du lịch hướng đến đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu từ 980.000 tỷ đồng đến 1,05 triệu tỷ đồng và tạo 5,5 triệu việc làm.
Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam cần tiếp tục khơi thông nhiều điểm nghẽn và có những chính sách quyết liệt, đột phá hơn nữa.
Đến năm 2030, ngành du lịch phấn đấu trở thành kinh tế mũi nhọn, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa.
Liên quan chính sách visa, ông Phạm Hải Quỳnh nhận định, chính sách visa của Việt Nam tiến bộ, nhưng chưa đột phá. Trong khi đó, “đối thủ” của du lịch Việt Nam là Thái Lan đã miễn visa 2 - 3 lần, lại miễn visa hoàn toàn cho các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng thị trường được miễn visa và liên tục tung ra các chính sách ưu đãi..., nên khách tăng trưởng vượt trội. Đơn cử, nhờ các biện pháp miễn thị thực và cho phép lưu trú lên tới 60 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/7/2024, cũng như hợp tác với các hãng hàng không mở đường bay, Thái Lan đã đón 2 triệu lượt khách Ấn Độ trong năm 2024, gấp khoảng 4 lần lượng khách Ấn Độ tới Việt Nam.
Theo tờ Nation, năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đến Thái Lan đạt khoảng 35 triệu lượt, mang lại 2.900 tỷ baht (khoảng 85,3 tỷ USD) cho nước này. “Xứ sở chùa Vàng” đặt mục tiêu đón 40 triệu du khách nước ngoài trong năm 2025.
Ngoài chính sách thị thực, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, hạ tầng du lịch của Việt Nam còn nhiều hạn chế khi các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài... đều quá tải, khách phải xếp hàng chờ cả tiếng để làm thủ tục. Việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa... giúp lượng khách trải đều ra các vùng miền, nhưng với các “hub” (điểm đến tích hợp các yếu tố nghỉ dưỡng - du lịch - giải trí phức hợp) thì vẫn tắc nghẽn.
“Ẩm thực, con người, cảnh quan thiên nhiên vẫn là những lợi thế của du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế. Việc cần thiết hiện nay là gỡ rào cản về visa và hàng không. Khách có nhu cầu đến, doanh nghiệp tự khắc đầu tư đáp ứng hạ tầng, nhưng quan trọng là mở cánh cửa visa đón khách”, ông Đạt nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Đạt cho rằng, điều cấp thiết là cần có sản phẩm du lịch chất lượng cao để hấp dẫn dòng khách hạng sang. Bởi Việt Nam có nhiều sản phẩm du lịch cho thị trường khách Á Đông, nhưng lại có rất ít sản phẩm dành cho khách phương Tây và vẫn như nhiều năm trước, rất ít thay đổi, ngoại trừ các sản phẩm mạo hiểm ở Quảng Bình và các cung đường ở Hà Giang...
Ngoài ra, để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia, trong đó đánh giá thị trường khách, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch cho từng thị trường mục tiêu, sau đó mới xây dựng các chiến lược quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, năm 2024, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã có nhiều đổi mới, có sự đột phá. Trong đó, Chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” tại Los Angeles được tổ chức rất thành công, thu hút sự tham gia của đông đảo nhà làm phim hàng đầu Hollywood. Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị, năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược là quản lý du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cụ thể, Cục Du lịch Quốc gia cần tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tham mưu công tác hoạch định chính sách; tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Du lịch, xây dựng lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành du lịch để phù hợp với tình hình mới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng thị trường quốc tế, ông Hà Văn Siêu cho hay, ngành du lịch Việt Nam sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, đồng thời, phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn trong đầu tư phát triển du lịch.
Ngành du lịch cũng sẽ tập trung khai thác, mở rộng nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng; xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf…; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
-
Du lịch Hà Nội thu 594 tỷ đồng trong ngày nghỉ Tết Dương lịch 2025 -
Đón chờ năm 2025 rực rỡ của du lịch Việt Nam -
“Thủ phủ” của những sự kiện toàn cầu gọi tên Phú Quốc -
Hơn 41.000 lượt khách quốc tế đến TP.HCM dịp Tết Dương lịch -
Bến Tre đón đoàn du khách quốc tế đầu năm mới 2025 -
TP.HCM đón đoàn khách “xông đất” ngày đầu năm mới 2025 -
Bình Định, Phú Yên đón những vị khách du lịch đầu tiên của năm mới
- GREENFEED và hành trình nỗ lực kiến tạo nền nông nghiệp bền vững
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng - Cần một hợp tác toàn diện
- 1Business - Chìa khóa vàng trong quản trị doanh nghiệp thời đại số
- La Queenara Hội An: Bí quyết đầu tư khách sạn tạo dòng tiền
- Petrocons thông báo Danh mục thoái vốn tại các đơn vị doanh nghiệp (Kỳ 3)
- Khu công nghiệp Gilimex: Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp hiện đại và bền vững