Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Dòng máu kinh doanh
Thùy Dương - 13/10/2014 10:25
 
Lịch sử kinh doanh của người Việt Nam có những ngắt quãng, nhưng dòng máu kinh doanh vẫn âm thầm chảy trong huyết quản nhiều người Việt, trong đó có đại gia đình họ Đỗ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dấu ấn doanh nhân lập nghiệp
Để nhịp bước thêm đồng điệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam

Lão đại gia Đỗ Thế Sử

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” cho cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”.

   
 

Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử

 

Không phải ngẫu nhiên mà cụ Sử nhận mình có “máu kinh doanh” từ trong huyết quản. Cụ kể, 14 tuổi “chạy cờ” cho mẹ nên đã biết buôn tơ với các bà ở Hàng Ngang, Hàng Đào và say mê kinh doanh từ thuở đó.

Cụ tâm đắc: "Kinh tế là hạ tầng cơ sở của xã hội, là dòng máu nuôi cơ thể. Đất nước vững bền và phát triển thì phải có nền kinh tế khỏe mạnh và phát triển. Nhưng kinh doanh phải có gen và phải say mê nó. Tôi có gen ấy là từ mẹ tôi. Một người đàn bà thất học, nhưng thông minh vô cùng. Bà chỉ nhìn qua bản đồ của xã, huyện là nắm được từng thửa ruộng. Không biết chữ, nhưng bà tính nhẩm nhanh như máy và không sai bao giờ".

Những gì cụ Sử kể về mẹ, như những điều ngỡ chỉ có trong tiểu thuyết. Thân mẫu cụ là con gia đình khá giả. Cha mẹ bà nhận trầu cau của một người trong xã. Bà không ưng người đó và trót yêu ông chánh tổng đã có vợ. Bà bỏ nhà trốn lên Phú Thọ cấy thuê làm mướn lo đủ số tiền mang về trả lễ cho nhà trai rồi nhất quyết lấy người đó. Phận làm lẽ cũng chẳng dựa gì nhiều vào chồng, bà tự tay gây dựng cơ đồ. Có chút vốn là bà mua ruộng, giao cho người cấy thuê và trả công xứng đáng, hai bên cùng có lợi. Cứ thế mà nhân lên mãi. Rồi bà mở xưởng thuê người nấu mật mía, mở lối gỗ từ Tuyên Quang, Phú Thọ, mở xưởng dệt nhuộm vải thâm… Có trong tay 300 mẫu ruộng, xưởng vải, xưởng mật, xưởng gỗ…, vậy mà vẫn tham công tiếc việc, làm quần quật như một bà lực điền chính hiệu.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà vừa ăn ngô bung vừa tranh thủ xay lúa. Tôi còn biết bà có cái hòm hai đáy cao 1 thước, đáy dưới cao 40 phân chật cứng tiền Đông Dương. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực - nhất là những khi cuộc đời thử thách mình”, cụ Sử kể lại.

Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam

Có vẻ như cụ còn giống mẹ ở chỗ nhìn đâu cũng thấy cơ hội kinh doanh. Chuyện kinh doanh của cụ Sử cũng nhiều chuyện thú vị. Khi cụ đã nghỉ hưu ở HTX rồi, một ngày, ông thông gia ở Sài Gòn ra chơi kể chuyện mua cái mũ phớt đắt quá - hơn nửa chỉ vàng, cụ nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn.

“Thế là hai vợ chồng già “đánh” mũ từ Hà Nội vào. Sang Tiệp Khắc chơi với anh Tú (con trai thứ của cụ), tôi tìm đến tận kho mua hẳn 5.000 cái về - thắng to. Đến cái năm Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ, được mời bố mẹ sang, chúng tôi ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn. Tối ấy, ngắm nghía đến hai giờ sáng rồi quyết định "đánh" về. Tôi nhờ Tú dẫn đi mua băng giấy vệ sinh về chèn 39 kiện pha lê khiến Tú kêu trời. Bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh cũng là khoản thu kha khá…”, cụ sang sảng kể những chuyện nhiều năm qua.

Nhiều tuổi rồi nhưng nhìn thấy cơ hội làm ăn vẫn ham, không muốn dừng. 73 tuổi, cụ quyết  định thành lập Công ty May mặc Gamexco để sản xuất hàng xuất khẩu. Và giờ, ngoài 90 tuổi, cụ vẫn đang tiếp tục công việc ở đây.

Những người con đại gia

Liên tiếp trong vòng 5 năm trở lại đây, Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI là cái tên được giới kinh doanh nhắc đến. Năm 2010, DOJI trở thành doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi chinh phục mức doanh thu trên 20.000 tỷ đồng. Con số mang tính bứt phá này, so với mức 11.620 tỷ đồng doanh thu của năm 2009, đã đưa DOJI vào top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo Vietnam Report năm 2010).

Cũng phải nhắc lại, đây được coi là năm "điên loạn" của giá vàng. Có thời điểm, trong vòng một đêm, giá vàng thế giới biến động tới 8-10%. Tại thị trường Việt Nam, thoát ra khỏi quy luật thông thường, đạt mức kỷ lục chưa từng có, lên tới 33 triệu đồng/lượng vào ngày 7/10/2010.

Ông Đỗ Minh Phú  (giữa) và hai người con Đỗ Minh Đức và Đỗ Vũ Phương Anh

Tuy nhiên, năm 2011 mới là dấu mốc thực sự đặc biệt của ông Đỗ Minh Phú và DOJI. Sau thương vụ được đánh giá là vô cùng thành công khi bán Công ty Diana cho Unicharm với mức giá 184 triệu USD, liên kết góp vốn vào Ngân hàng Tiên Phong do FPT sáng lập, cùng với người em Đỗ Anh Tú, hai đại gia họ Đỗ bước chân sâu vào lĩnh vực ngân hàng, đưa TPBank vào danh sách công ty liên kết góp vốn của DOJI.

Đây cũng là năm doanh thu của Tập đoàn DOJI đạt 30.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc ông Phú duy trì tốc độ tăng trưởng trên 50%/năm của DOJI suốt từ năm 2007 thách thức trí tò mò của bất cứ đối thủ nào.

Hai năm liên tiếp sau đó, trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, DOJI vững vàng ở ngôi vị đầu bảng…

Vào thời điểm này, khi được hỏi về bí quyết, ông Phú đã nhắc tới quan điểm cân bằng trạng thái. Trong kinh doanh vàng, đó là cân giữa trạng thái mua và bán. Trong kinh doanh,  Tập đoàn DOJI phát triển khá đa dạng lĩnh vực kinh doanh, từ vàng trang sức, đá quý, kim cương đến dịch vụ kinh doanh nhà hàng, spa… Ông cũng là sáng lập viên của Công ty Diana, cùng với người em Đỗ Anh Tú.

“Đây là mảng kinh doanh mà các khách hàng tiêu dùng không căn cứ vào giá vàng lên xuống, mà dựa vào giá trị sản phẩm. Có thể thấy, chúng tôi tìm tới các cơ hội để đảm bảo sự cân bằng trong kinh doanh. Mọi hoạt động đều được chúng tôi tuân thủ quy luật hài hoà lợi ích”, ông Phú không ngần ngại chia sẻ bí quyết.

Cũng như cách vào năm 2007, khi bắt tay vào thương vụ mua lại 2 công ty vàng bạc, đá quý của SJC là SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng để tập trung vào mũi nhọn là kinh doanh vàng miếng và vàng bạc đá quý trang sức, ông Phú đã đã tạm dừng lại các kế hoạch kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản để dồn nguồn lực tạo dựng chỗ đứng cho các thương hiệu của DOJI.

“Chúng tôi đã đi nhanh hơn kế hoạch của mình nhờ sự tập trung nguồn lực và thời điểm khủng hoảng để cắt giảm chi phí. Tới đây, chúng tôi sẽ tái khởi động lại các dự án bất động sản”, ông nói.

Trong Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của Tập đoàn DOJI vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Đỗ Minh Phú vẫn thế, điềm tĩnh và thanh lịch nói về kế hoạch mở rộng đầu tư bất động sản, các khu dự án tiềm năng, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Artex Sài Gòn, xuất sắc tái cơ cấu thành công Ngân hàng TMCP TPBank sớm hơn so với kế hoạch 1 năm. “Dự kiến, DOJI sẽ đạt doanh thu 40.000 tỷ đồng vào năm 2014”, ông Phú nói.

Một lần nữa, nguyên tắc hài hoà lợi ích và chọn thời điểm để thực hiện các kế hoạch mà ông Phú đã áp dụng cho giai đoạn vừa qua tiếp tục được nhắc tới.

Máu kinh doanh vẫn chảy

Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử là cha của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI;  ông Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diana; ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD; bà Đỗ Xuân Mai điều hành Công ty Green Global, bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa...

Cụ từng kể, khi xưa, cũng không định hướng gì, các con tự chọn con đường đi để phát huy hết khả năng, nhưng nhìn thấy ở người nào cái gen kinh doanh trội thì hướng người đó.

“Thực ra những điều đó ở trong máu rồi, chỉ cần khơi lên thôi. Đỗ Minh Phú là một ví dụ. Phú là người thông minh nhất trong các con tôi. Ngày Phú phải lựa chọn giữa việc sang Nhật Bản làm tiến sĩ hay chuyển hẳn sang kinh doanh tôi có nói đại ý: “Làm khoa học cũng tốt, nhưng nếu biết cách làm giàu cho mình và đất nước thì càng tốt. Nhà doanh nghiệp sẽ là một trong những trụ cột của đất nước… Thế là Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được DOJI như hiện nay”, cụ Sử nói.

Những người con khác của cụ cũng vậy. Mỗi người mỗi sở trường đều thành công trong sự nghiệp.

Ba thế hệ kinh doanh của gia đình doanh nhân Đỗ Thế Sử và những người bạn

Cụ cũng nói, điều quan trọng nhất cụ trao truyền cho con cháu của mình trong kinh doanh là chữ Tín. Ngày trước, mẹ cụ đặt mua tơ về dệt ở Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ cần nhắn một câu là có hàng đưa về ngay, tiền trả sau. Đến thời cụ và bạn hàng cũng vậy. Cuộn vải 150 m thì mét nào cũng như mét nào, 100 cuộn như một. Chưa cần ký hợp đồng chỉ cần gọi điện sang là họ thực hiện ngay.

“Không ai sống được một mình, người nọ phải dựa vào người kia để cùng tồn tại. Vậy chữ Tín quan trọng lắm. Tôi dạy con cháu chữ Tín và thể hiện chữ Tín, để mọi người giữ chữ Tín như mình. Dòng máu nhà tôi là dòng máu kinh doanh và dòng máu này được lọc bằng chữ Tín”, cụ nói.

Đến ông Phú, triết lý kinh doanh được tiếp tục tinh lọc. "Tôi có 3 chữ "tự". Tự lực cánh sinh để đi lên bằng khả năng của mình. Tự trọng để giữ uy tín trong làm ăn. Tự tôn để không chấp nhận thua kém, không dễ dãi, bằng lòng với thành công và những thứ đang có", ông Phú triết tự và nhắc nhiều tới động cơ kinh doanh tốt đẹp, đó là sản xuất kinh doanh để làm giàu cho doanh nghiệp và phụng sự xã hội. “Vấn đề không nằm ở việc doanh nghiệp có bao nhiêu tiền, mà điều quan trọng là chúng ta là ai, sự nghiệp của chúng ta là gì, đóng góp được gì cho xã hội và để lại cho đời sau giá trị tốt đẹp gì”, ông Phú chia sẻ.

Đỗ Minh Đức, con trai ông Đỗ Minh Phú, sau 8 năm tu nghiệp tại Anh quốc, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế - kinh doanh, tốt nghiệp thạc sĩ marketing và là người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ GIA chuyên ngành đá quý và kim cương của Viện đá quý Hoa Kỳ - GIA, Minh Đức đã bước vào vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của DOJI. Đỗ Vũ Phương Anh, con gái ông Phú cũng bước chân vào con đường dài đầy áp lực mà ông cha đã khai phá, với vai trò người giữ lửa - Phó tổng giám đốc phụ trách công tác nguồn nhân lực, quản trị hệ thống và chuỗi kinh doanh dịch vụ của DOJI...

Tiếp xúc với cụ Sử và con, cháu của cụ, có thể thấy sức trường tồn len lỏi qua bao thăng trầm của lịch sử để tạo dựng nên những Kinh kỳ, Kẻ chợ, phố Hiến, Hội An, Sài Gòn, Chợ Lớn... và diện mạo hôm nay của đất nước. Đó chính là nhiệt huyết, đam mê trong mỗi con người và trao truyền lại cho thế hệ sau; là khao khát xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và mọi người; là ước mơ trở thành những tập đoàn tư nhân hùng mạnh của khu vực và thế giới...

Đó là dòng máu kinh doanh của những doanh nhân chân chính, của những người con đất Việt qua bao thế hệ.

Doanh nhân F1 trải lòng về thế hệ kế cận Doanh nhân F1 trải lòng về thế hệ kế cận

() Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2014) cận kề, thế hệ doanh nhân đi trước trải lòng về nỗi đau và những sai lầm mà họ đã tạo ra một phần thế hệ kế cận ngày nay.

Tương lai của mô hình doanh nghiệp gia đình Tương lai của mô hình doanh nghiệp gia đình

Bất cứ khi nào không thể vượt qua những mâu thuẫn cá nhân, các tập toàn gia đình sẽ chia rẽ bởi những bất đồng từ quyền sở hữu, tới phân chia tài sản và các quyền lợi khác. Để có thể đổi mới thành công theo một cách thức chuyên nghiệp để phát triển luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp gia đình của Việt Nam và châu Á.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư